Thu hút đầu tư vào Đà Nẵng: Khơi thông điểm nghẽn, gọi 'đại bàng' về làm tổ
Với định hướng đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với 3 trung tâm chức năng chính gồm trung tâm du lịch dịch vụ chất lượng cao, trung tâm công nghệ thông tin, công nghệ cao và trung tâm tài chính quốc tế, thành phố đang nỗ lực khơi thông những điểm nghẽn để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư lớn.
“Chim sẻ” nhiều hơn “đại bàng”
Những năm qua, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, địa phương chưa thu hút được những nhà đầu tư lớn hay còn gọi là những con “đại bàng”, mà chủ yếu là những nhà đầu tư vừa và nhỏ, vẫn gọi là “chim sẻ”.
Lý giải điều này, bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng, cho biết một trong những nguyên nhân là do quỹ đất trong các khu công nghiệp hạn chế, giá thuê đất cao hơn các địa phương xung quanh nên khó cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư.
Về quỹ đất ngoài khu công nghiệp, bà Phương cho biết Đà Nẵng vẫn còn rất nhiều thủ tục liên quan đến đấu giá, đấu thầu để chọn nhà đầu tư, vẫn còn nhiều vướng mắc giữa thực tế và quy định của luật pháp. Vì vậy, việc triển khai các thủ tục liên quan đến các dự án còn có phần chậm so với mong đợi.
“Hiện thành phố đã có kế hoạch mở rộng 3 khu công nghiệp mới, khu công nghệ cao cũng sắp xếp phân khu hợp lý và thêm khu công nghiệp phụ trợ để nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận đất đai”, bà Phương nói.
Bà Phương thông tin thêm, từ năm 2019 đến năm 2021, TP. Đà Nẵng đã thông qua điều chỉnh quy hoạch chung, hiện đang điều chỉnh quy hoạch phân khu nên dù có nhiều dự án lớn, tầm cỡ nhưng chưa triển khai ngay được vì chờ quy hoạch phân khu được phê duyệt, công bố chính thức.
Tuy nhiên, dù Đà Nẵng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn như các địa phương lân cận nhưng cũng có những nhà đầu tư lớn thành công khi đầu tư vào thành phố như LG, Mikazuki và chính họ là những người truyền thông, quảng bá cho TP. Đà Nẵng đến các nhà đầu tư khác.
Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng Đà Nẵng nên đi đúng hướng để củng cố vai trò là một cực tăng trưởng ở khu vực miền Trung của đất nước.
Đà Nẵng đã đặt ra tầm nhìn để tăng cường hơn nữa vai trò là một trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển của khu vực, đồng thời trở thành một thành phố xanh, có khả năng chống chịu và đáng sống. Để đạt được tầm nhìn này, thành phố cần cân nhắc kỹ lưỡng việc lập quy hoạch, kế hoạch và tạo nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng công. Đây là yếu tố quan trọng để hỗ trợ động lực phát triển, bao gồm động lực mạnh mẽ đến từ các khu vực tư nhân, với trọng tâm là tính bền vững lâu dài.
Từ góc độ tài chính, theo bà Carolyn Turk, cần thêm nguồn tài chính đáng kể để thúc đẩy sự phát triển của Đà Nẵng. “Tôi nhìn thấy tiềm năng để Đà Nẵng có thể trở thành một mô hình xúc tiến đầu tư hiệu quả. Ngoài thành công trong việc thu hút vốn FDI và ODA, Đà Nẵng có thể đa dạng hóa hơn nữa các nguồn lực tài chính cho phát triển. Đà Nẵng ngày càng cần thu hút nhiều hơn nữa các nguồn lực của khu vực tư nhân, cả nước ngoài và trong nước, để đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số, dịch vụ giáo dục và y tế chất lượng cao, sản xuất công nghệ cao, phát triển việc giảm thiểu các-bon và du lịch”, bà Carolyn Turk nói.
Bà Carolyn Turk tin rằng, các cơ chế tài chính đổi mới, chẳng hạn như quan hệ đối tác công tư đối với các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc tham gia vào thị trường tài chính sẽ cần được phát triển. Khi các nhà đầu tư ngày càng yêu cầu tính bền vững như là điểm mấu chốt cho các khoản đầu tư của họ thì đây là cơ hội lớn để Đà Nẵng đưa tính bền vững vào việc phát triển đô thị đặc trưng của mình, dẫn đầu cả nước bằng cách thí điểm đầu tư sáng tạo và chứng minh tính khả thi của các thông lệ tốt.
Còn theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Trung Nam, để sớm đưa TP. Đà Nẵng phát triển bền vững, tạo một môi trường đầu tư hấp dẫn, đúng với vị thế của một đầu tàu kinh tế của Miền Trung - Tây Nguyên, đáp ứng kỳ vọng và định hướng của Chính phủ, chính quyền thành phố nên tạo ra đòn bẩy và điểm bẩy. Đòn bẩy đó chính là hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu, các dự án động lực cần được ưu tiên đầu tư bằng nguồn lực từ ngân sách thành phố.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, kết quả khảo sát cộng đồng doanh nghiệp do Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố thực hiện cũng cho thấy rằng vẫn còn tồn tại một số điểm nghẽn trong môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố cần tháo gỡ để có thể khơi thông các nguồn lực phát triển.
Cụ thể, đó là số lượng và chất lượng nguồn nhân lực Đà Nẵng chưa cân đối, thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng ngoại ngữ, nhất là đối với các ngành nghề mà Đà Nẵng đang tập trung thu hút đầu tư như công nghệ thông tin, logistics, du lịch... Công tác cải cách thủ tục hành chính mặc dù được cải thiện nhưng có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng không nhất quán trong hướng dẫn, giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.
Một số trường hợp làm kéo dài thời gian giải quyết thủ tục liên quan đến đăng ký đầu tư và giấy phép lao động. Cùng với đó, tỷ lệ doanh nghiệp FDI dự kiến mở rộng quy mô thấp hơn đáng kể so với mức trung bình cả nước. Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ của thành phố còn kém phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp trong khu công nghệ.
Gỡ “nút thắt”, tạo đột phá
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết “tâm và thế” của thành phố vẫn luôn có sự chủ động và sẵn sàng để chuẩn bị đón các làn sóng chuyển dịch đầu tư mới.
Việc phủ rộng tiêm phòng vaccine cho toàn thể người dân, trong đó có các nhà đầu tư, các chuyên gia nước ngoài, việc thành lập các tổ công tác xúc tiến, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư do lãnh đạo của thành phố chủ trì để triển khai các dự án… đã khẳng định sự cam kết đồng hành của thành phố trong nỗ lực tạo lập niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của thành phố Đà Nẵng.
“Năm 2022, thành phố xác định chủ đề là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Với những cơ chế, định hướng lớn đối với sự phát triển thành phố từ Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 119 của Quốc hội và Nghị định số 34 của Chính phủ về triển khai mô hình chính quyền đô thị và sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045; cũng như sự kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, có thể nói đây là thời điểm thích hợp để Đà Nẵng đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án và thu hút đầu tư mạnh mẽ”, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh.
Theo ông Chinh, lãnh đạo thành phố ý thức rằng, không thể có được những kết quả mới cao hơn, hiệu quả hơn từ những cách làm cũ, theo tư duy cũ. Điều đó đòi hỏi từ lãnh đạo đến từng công chức của thành phố phải đổi mới tư duy, xác định những cách làm mới một cách cụ thể, phù hợp với quy định pháp lý và thực tiễn đặt ra; cũng như đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của mỗi chính sách.
“Cũng cần ý thức rằng, không phải cái mới nào cũng có thể dễ dàng tạo ra và được chấp nhận, triển khai có hiệu quả trong thời gian ngắn. Do đó, rất cần sự bền bỉ, sáng tạo và sáng suốt trong toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố; sự chia sẻ, đồng thuận từ phía người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; đặc biệt là sự định hướng, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Chính phủ cùng các bộ ngành Trung ương”, ông Chinh cho biết thêm.
Tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định và cam kết với các doanh nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng và kiến nghị với Trung ương bổ sung các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư, nhất là các điều kiện để hình thành Trung tâm tài chính, Khu phi thuế quan, Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế, Trung tâm nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế, chính sách và hỗ trợ đầu tư trên lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghiệp phụ trợ, hình thành các trung tâm thương mại, khu vui chơi đẳng cấp, có các cơ chế xã hội hóa để mời gọi, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư thiết lập và triển khai dự án về y tế và văn hóa tại TP. Đà Nẵng.
Thứ hai, chuẩn bị đầy đủ điều kiện về quy hoạch, hạ tầng để đón dòng vốn đầu tư; trong đó, sớm phê duyệt các quy hoạch phân khu làm cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư; chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất gắn với hạ tầng đồng bộ trong các khu, cụm công nghiệp.
Thứ ba, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục rà soát, rút ngắn quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai; thực hiện có hiệu quả quy trình giải quyết các thủ tục đầu tư trong và ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và quy trình lựa chọn nhà đầu tư. Chấn chỉnh thái độ làm việc, xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức gây cản trở, thiếu trách nhiệm trong quá trình xử lý hồ sơ các dự án đầu tư.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên thực tế, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trên lĩnh vực sản xuất, là một trong những “nút thắt” lớn mà các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố phải đối mặt.
Thứ năm, thành phố đang và sẽ quyết tâm báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc cho các công trình, dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong nhiều năm trên tinh thần đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để khơi thông các nguồn lực, phục vụ sự phát triển của thành phố và doanh nghiệp…