Tiền - vàng và dự báo

Năm 2020, đồng tiền điện tử Bitcoin, vàng và USD đã đẩy xô tất cả mọi dự đoán dự báo. Điều bất ngờ này liệu có lập lại trong năm 2021? Đồng USD sẽ tiếp tục mất giá?

Nên tích trữ đồng USD chờ giá lên hay đổi sang VND rồi đem gửi tiết kiệm là một bài toán khó cho các nhà đầu tư tài chính cá nhân. Năm 2020 lãi suất huy động giảm nhưng nếu so với USD, giữ VND vẫn lợi hơn. Nhiều chuyên gia đưa ra nhận định, do nước Mỹ phải bơm nhiều gói kích thích kinh tế, ngay cả họ có thể phá giá đồng USD để đẩy mạnh xuất khẩu, cân bằng cán cân thương mại, do vậy, đồng USD sẽ mất giá. Do vậy, giữ VND trong bối cảnh 2021 vẫn hiệu quả hơn USD do tỷ giá USD/VND tiếp tục được ổn định. Xuất khẩu tăng và dự trữ ngoại hối vẫn trên đà tăng trưởng.

Tỷ giá USD đang ở ngưỡng thấp nhất gần 3 năm. Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) chỉ đứng ở mức 89,64 điểm.

Tiền - vàng và dự báo - Ảnh 1

Thực tế, trong năm 2020, tỷ giá VND/USD xuất hiện 2 đợt biến động mạnh vào tuần cuối của tháng 3. Tuy nhiên, bước sang tháng 4, tỷ giá đã quay trở lại trạng thái ổn định với xu hướng giảm trong quý II, III và quý IV.

Ngoài ra, việc Ngân hàng nhà nước tích cực mua vào USD để tăng dự trữ ngoại hối trong vòng gần một năm qua cũng đã phần nào chặn đà giảm của tỷ giá VND/USD trên thị trường liên ngân hàng và giúp VND giảm giá tương đối so với các đồng tiền khác trong rổ 6 đồng tiền tham chiếu, đặc biệt là với các đồng tiền như CNY, EUR, JPY.

USD giảm mạnh trước thông tin một loạt vaccine ngừa Covid-19 cho kết quả thử nghiệm khả quan, thúc thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm mạnh. Các tài sản có độ rủi ro cao hơn khác cũng đồng loạt tăng giá. Trái lại, USD trượt giá nhanh so với các đồng tiền mạnh khác.

Dự đoán, tỷ giá năm 2021 sẽ không có nhiều biến động. Nhiều ý kiến phân tích cho rằng, năm 2021, có nhiều yếu tố thúc đẩy tiền đồng mạnh lên như: Kinh tế vĩ mô hồi phục nhanh, áp lực lạm phát được dự báo giảm, USD sẽ tiếp tục suy yếu... Hiện nay, tỷ giá VND/USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do vẫn rất ổn định, lần lượt ở mức 23.010 - 23.220 đồng và 23.200 - 23.230 đồng.

Tuy vậy, các chuyên gia đánh giá, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2021 sẽ ít nhiều gặp áp lực. Năm tới, có thể NHNN sẽ phải hạn chế mua vào ngoại tệ và để tiền đồng tăng giá một chút so với USD.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tỷ giá VND/USD biến động trong biên độ hẹp +/- 0,5%. Điều này tác động tích cực đến nền kinh tế như: Kích thích dòng vốn đầu tư vào VN, giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài, giảm bớt mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và VN.

Giá vàng sẽ tiếp tục tăng?

Ngày 31/12, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết cho khu vực Hà Nội ở mức: 55,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,00 triệu đồng/lượng (bán ra).

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC áp dụng cho khu vực Hà Nội ở mức 55,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,02 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tính tới 8h30 sáng 31/12, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết cho khu vực Hà Nội ở mức: 55,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,15 triệu đồng/lượng (bán ra).

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC áp dụng cho khu vực Hà Nội ở mức 55,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,12 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại Sài Gòn, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 55,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,15 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,13 triệu đồng/lượng (bán ra).

Đến ngày 31/12 /2020, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.895 USD/ounce (tương đương 53,7 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế phí). Giá vàng giao tháng 2 năm 2021 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.902 USD/ounce.

Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng trở lại do đồng USD giảm giá mạnh và xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm qua.

Vàng tăng giá trong bối cảnh gói kích thích kinh tế của Mỹ vừa được thông qua. Hơn thế, đề xuất về việc nâng khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho người Mỹ từ 600 USD lên 2.000 USD cũng có thể sẽ được thông qua.

Giá vàng đi lên khi nhà đầu tư kỳ vọng về nhiều gói kích thích hơn sẽ được tung ra để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Theo các chuyên gia, Mỹ sẽ làm mọi thứ có thể để đánh bại virus SARS-CoV-2. Nước Mỹ sẽ đưa ra nhiều gói kích thích kinh tế hơn.

Nhiều dự báo cho rằng, giá vàng có thể quay lại mốc 2.000 USD/ounce trong năm 2021, tùy thuộc vào triển vọng lạm phát tại Mỹ.

BOX: Khi thị trường vàng khan hiếm nguồn cung chính ngạch và giá vàng trong nước cao hơn rất nhiều so với thế giới thì dễ nảy sinh nguy cơ nhập lậu.

Kể từ năm 2012, thời điểm Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, thị trường này đã có những phản ứng tích cực.

Trong đó, tâm lý găm giữ đầu cơ đã giảm đáng kể khi thị trường vàng miếng được cấp phép đi vào hoạt động, người dân yên tâm hơn khi mang vàng đi bán.

Đồng thời, thông tin về giá mua bán được công bố công khai minh bạch và cập nhật nhanh hơn. Đặc biệt, quy định mới đã khiến các đơn vị được cấp phép tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh hơn.

Vì vậy, thị trường bắt đầu tự điều tiết cung – cầu trong định hướng của chính sách, Nhà nước không phải chi ngoại tệ nhập khẩu vàng với mục đích can thiệp thị trường như trước đó.

Tuy nhiên, cũng vì việc phải tự điều tiết, giá vàng trong nước luôn có độ trễ so với thị trường nước ngoài. Thường xảy ra theo xu hướng lên nhanh hơn, biên độ rộng hơn và ngược lại, giảm chậm, biên độ hẹp ở chiều xuống.

Nguyên tắc cơ bản của kinh doanh vàng là phải mua vào và bán ra, không một nhà đầu tư nào ôm vàng cả năm chỉ chờ giá lên. Theo đó, mỗi khi bán ra 1 lượng thì cũng phải mua vào 1 lượng tương ứng. Điểm kết nối các vòng quay mua – bán là những nhịp tăng giá.

Ví dụ, một công ty bán ra 1 lượng giá 58 triệu đồng, ăn lãi 0,2 triệu đồng so với giá mua trước đó. Thế nhưng, nếu ngay sau đó, thị trường tăng lên 58,5 triệu đồng/lượng mà vẫn phải mua vào để có hàng bán thì công ty mặc nhiên đã lỗ 0,3 triệu đồng.

Như vậy, ở vòng quay mua bán thứ 2, công ty phải đẩy giá cao hơn hy vọng bù lại phần lỗ hoặc có thể có lãi. Giá vàng do vậy tăng rất nhanh. Cộng thêm yếu tố không tự chủ nguồn cung nên giá vàng trong nước vượt ngoài diễn biến giá thế giới.

Trái lại, vàng tại Việt Nam vẫn chủ yếu nằm trong dân. Khi giá lên họ đồng ý mua vào, nhưng khi giá xuống họ muốn tài sản của mình mất giá trị, nên không bán hoặc chậm bán chờ giá lên. Mặt khác, các công ty cũng phải đề phòng rủi ro bất chợt nên vàng trong nước hạ giá rất chậm, biên độ nhỏ.

Trong thời Covid-19 như hiện nay, khiến vàng trở thành tài sản trú ẩn hoàn hảo, giá vàng liên tục phá đỉnh ở tất cả các thị trường.

BOX: Các gói hỗ trợ kinh tế chống dịch Covid-19 khiến giá vàng và một số đồng tiền mã hóa lập kỷ lục mới. Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng hưởng lợi từ giãn cách xã hội.

Tiền mã hóa tăng mạnh?

Bất chấp dịch bệnh, các tài sản hưởng lợi lớn nhất năm 2020 là tiền mã hóa, kim loại quý và cổ phiếu thuộc chỉ số Nasdaq.

 Tính từ đầu năm cho đến cuối năm 2020, đồng Ethererum tăng giá 476%, trong khi giá Bitcoin vọt lên 277%. Giá vàng và bạc tăng lần lượt 21% và 45%. Còn chỉ số Nasdaq tăng 45%. Chỉ số Nasdaq được phản ánh giá cổ phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.

Theo giới chuyên gia, giá cổ phiếu công nghệ tăng cao (và tài sản của các doanh nhân đứng sau chúng phình to ra) bởi giới đầu tư tin rằng những công ty này sẽ hoạt động ổn thỏa trong thời gian dài. Nền kinh tế suy thoái hầu như không ảnh hưởng gì đến tâm lý của giới đầu tư.

Chẳng hạn, giá trị vốn hóa thị trường của Apple là 2.320 tỷ USD. Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (price-earnings ratio) của Apple lên đến 41,84. Như vậy, các nhà đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu Apple với kỳ vọng lớn về tăng trưởng thu nhập trong tương lai.

Tiền - vàng và dự báo - Ảnh 2

Thị trường tiền mã hóa Bitcoin cũng chứng kiến dòng tiền lớn chảy vào do cung tiền tăng vọt trên toàn cầu. Các chính phủ trên toàn thế giới phải tăng chi tiêu để bảo vệ việc làm và hỗ trợ người lao động. Các gói kích thích kinh tế với quy mô chưa từng có trên toàn cầu tạo áp lực lên tiền pháp định. Trong khi đó, vàng và Bitcoin được coi là những "hàng rào" chống lạm phát. Do đó, rủi ro đồng tiền mất giá sẽ là trợ lực mạnh mẽ cho giá vàng và Bitcoin.

Để hỗ trợ nền kinh tế chống chịu tác động từ đại dịch, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất xuống gần mức 0% và cam kết không tăng lãi suất cho đến khi lạm phát vượt quá mục tiêu 2%.

Những chính sách của FED cũng ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn thế giới. "Bitcoin còn thiết lập kỷ lục mới vào tháng cuối năm 2020 sau khi chiếm được lòng tin từ các nhà đầu tư tổ chức.

Hai gã khổng lồ thanh toán là Square và PayPal đã cho phép người dùng mua bán Bitcoin và các loại tiền thuật toán khác như Ethereum, Bitcoin Cash và Litecoin trên nền tảng của mình. Những nhà quản lý quỹ tên tuổi như Paul Tudor Jones, Stanley Druckenmiller và Mike Novogratz đều lạc quan về triển vọng tăng giá của Bitcoin.

Bitcoin vẫn đang trong lộ trình tăng giá “thần tốc”, liên tục xô đổ các kỷ lục và hiện đã chạm ngưỡng 29.000 USD ngay trong năm 2020.

Ngày 31/12, giá Bitcoin trên CoinDesk ghi nhận mức 29.115 USD, tăng 6.02%, tương đương mỗi coin thêm 1.701 USD. Theo CoinMarketCap, lượng giao dịch Bitcoin trong khoảng thời gian trên ở mức 51 tỷ USD, giá trị vốn hóa được đẩy lên mức kỷ lục 553,6 tỷ USD. Tính từ đầu năm 2020, giá Bitcoin tăng trên 300%.

Bitcoin tăng mạnh tạo lực đẩy giúp các tiền ảo vốn hóa nhỏ hơn tăng tốc. Theo đó, Ethereum tăng 3,8%, Litecoin tăng 2,8%, Bitcoin Cash tăng 4,2%...

Nguyên nhân khiến Bitcoin bùng nổ gần đây xuất phát từ việc COVID-19 diễn biến phức tạp khiến các chính phủ tung gói tài chính với quy mô lớn nhằm kích thích kinh tế làm các nhà đầu tư lo ngại lạm phát, chuyển dòng tiền vào tiền ảo.

Việc các định chế tài chính lớn trên thế giới đang dần đón nhận đồng tiền ảo trong năm nay cũng thúc đẩy giá Bitcoin tăng mạnh.

Nhiều ngân hàng trung ương tại một số nước đã có cái nhìn đỡ khắt khe hơn với Bitcoin. Thậm chí, ngân hàng trung ương của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Campuchia... cho biết đang xem xét, thử nghiệm hoặc phát hành các loại tiền kỹ thuật số.

Nhiều nhà giao dịch chuyên nghiệp và giới phân tích cho rằng, giá Bitcoin tăng chóng mặt lên mức cao nhất mọi thời đại khi chứng kiến lực mua mạnh đến từ nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư. Bitcoin là một tài sản có độ rủi ro cao nhưng có khả năng sinh lời lớn, là một kênh đầu tư chống lạm phát hiệu quả và cũng là phương thức thanh toán đang ngày càng được chấp nhận rộng rãi.

Dự đoán vào năm 2021, dịch COVID-19 vẫn  diễn biến phức tạp và các gói tài chính với quy mô lớn chưa từng có nhằm kích thích kinh tế cũng trợ lực không nhỏ cho Bitcoin.

Bên cạnh đó, các định chế tài chính lớn trên thế giới đang dần đón nhận đồng tiền ảo trong năm 2020 và sẽ tiếp tục phát triển năm 2021. Đơn cử, mới đây mạng thanh toán nổi tiếng toàn cầu PayPal hiện có khoảng 346 triệu tài khoản đang hoạt động, cho phép khách hàng được mua bán Bitcoin.

Nhiều ngân hàng trung ương tại nhiều nước trên thế giới đã có cái nhìn đỡ khắt khe hơn với Bitcoin. Thậm chí, ngân hàng trung ương của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Campuchia… cho biết đang xem xét, thử nghiệm hoặc phát hành các loại tiền kỹ thuật số. Ví dụ, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang lên kế hoạch thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số vào năm 2021.

Theo giới phân tích, Bitcoin sẽ “công phá” mức kháng cự chính tiếp theo tại 30.000 USD, và có thể đạt đỉnh tại 48.000 USD trong tương lai không xa.

Bùi Mạnh Hải

Theo Sở hữu trí tuệ