Tiền chỉ còn 60 tỷ, Thaiholdings lấy gì trả 840 tỷ đồng cho Tân Hoàng Minh như yêu cầu của cơ quan điều tra?
Hiện tại BCTC quý 1/2022 ghi nhận Thaiholdings chỉ còn khoảng 60 tỷ đồng tiền mặt.
Thaiholdings – doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của ông Nguyễn Đức Thuỵ - hay còn gọi bầu Thuỵ - lên sàn đã để lại nhiều ấn tượng với nhà đầu tư. Tuy vậy, sau việc Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an có văn bản yêu cầu Thaigroup – một công ty con của Thaiholdings – trả lại 840 tỷ đồng cho Tân Hoàng Minh liên quan đến lô đất vàng 11A Cát Linh, thì nhà đầu tư lại có góc nhìn khác rõ hơn về doanh nghiệp này.
Tổng tài sản 11.000 tỷ nhưng tiền và tương đương tiền chỉ xấp xỉ 60 tỷ đồng
BCTC hợp nhất quý 1/2021 của Thaiholdings ghi nhận tổng tài sản công ty đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng khoảng 400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2021. Tuy vậy khoản mục tiền và tương đương tiền chỉ có xấp xỉ 60 tỷ đồng và hơn 6 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Công ty còn có khoản đầu tư trái phiếu 20 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt kỳ hạn 7 năm.
Trong tổng tài sản công ty, tài sản ngắn hạn đạt hơn 2.800 tỷ đồng thì có hơn 2.600 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn – trong đó có hơn 2.300 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng. Phần lớn trong các khoản phải thu này là từ các công ty liên quan đến bầu Thuỵ.
Tổng tài sản dài hạn gần 8.100 tỷ đồng, có 831 tỷ đồng là các khoản đầu tư tài chính dài hạn. Đây là khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Cuối năm 2021 Thaiholdings quyết định góp vốn đầu tư thành lập Thaispace với tổng vốn góp dự kiến hơn 1.334 tỷ đồng, chiếm 5% vốn điều lệ dự kiến của Thaispace. Đến 31/3/2022 Thaiholdings đã góp được 253 tỷ đồng. Ngoài ra Thaiholdings còn góp gần 559 tỷ đồng vào Thailand – nắm giữ 43,45% quyền biểu quyết và 36,28% tỷ lệ lợi ích tại doanh nghiệp này.
Tài sản dài hạn của Thaiholdings còn có hơn 5.200 tỷ đồng tài sản dài hạn khác – trong đó có khoản chi phí trả trước 3.330 tỷ đồng là lợi thế kinh doanh 1.357 tỷ đồng tính trên quyền thuê đất của CTCP Du lịch Kim Liên và gần 2.000 tỷ đồng chi phí nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 210 Trần Quang Khải, Hà Nội. Số còn lại hơn 1.900 tỷ đồng là lợi thế thương mại.
Tình hình tài chính của Thaiholdings
Ngoài việc không còn nhiều tiền mặt, tài sản cũng thể hiện ở các khoản mục không quá rõ ràng, thì Thaiholdings lại có khoản vay nợ là rất rõ. Tổng nợ phải trả đến 31/3/2022 hơn 4.400 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 260 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, lên trên 1.900 tỷ đồng. Còn dư vay nợ thuê tài chính dài hạn đã giảm từ 632 tỷ đồng đầu năm về 0. Khoản vay dài hạn này từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội chi nhận Thăng Long.
Khoản vay ngắn hạn hơn 1.900 tỷ đồng thì có 972 tỷ đồng vay Agribank chi nhánh Sở Giao dịch, 394 tỷ đồng từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Ninh Bình. Số còn lại, trước đó có 274 tỷ đồng vay các cá nhân, là từ CTCP Tôn Đản Hà Nội – một công ty con được hợp nhất từ Thaigroup. Tuy vậy sang quý 1/2022 khoản vay này được trả gần hết, thay vào đó là nhận khoản vay hơn 550 tỷ đồng từ một công ty con mới thành lập khác – Thaispace. Đáng chú ý, Thaiholdings mới góp 253 tỷ đồng.
Nói về dự việc trả lại 840 tỷ đồng, khoản tiền này liên quan đến việc Thaigroup chuyển nhượng cổ phần Bình Minh Group cho Tân Hoàng Minh. Trước đó năm 2021 Thaigroup chi 40 tỷ đồng mua 80% vốn cổ phần của Bình Minh Group – doanh nghiệp được xem là chủ lô đất vàng 11A Cát Linh. Ngay sau đó Thaigroup chuyển nhượng số cổ phần tại Bình Minh Group này cho Tân Hoàng Minh với tổng tiền xấp xỉ 840 tỷ đồng, ghi lãi khoảng 806 tỷ đồng. Nhưng sau vụ việc 9 đợt phát hành trái phiếu tổng giá trị hơn 10.000 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh bị huỷ, thì Bộ Công an yêu cầu Thaigroup nhận lại cổ phần Bình Minh Group và hoàn trả 840 tỷ đồng lại cho Tân Hoàng Minh.
Với tình hình tài chính hiện tại, tiền mặt tại quỹ chỉ xấp xỉ 60 tỷ đồng, tài sản chủ yếu là các khoản phải thu, lợi thế thương mại và các khoản chi phí trả trước như hiện nay, Thaiholdings sẽ gặp không ít khó khăn khi phải huy động khoản tiền lớn.
Sau 2 năm lên sàn, Thaiholdings được biết đến là doanh nghiệp từng huy động vốn khủng, phát hành hơn 206 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ lên gấp 6,5 lần chỉ trong thời gian ngắn. Số tiền huy động được để thực hiện M&A các công ty, góp vốn thành lập công ty mới rồi… bán như Thaihomes, hoặc để… vay vốn như Thaispace.
Báo cáo ghi nhận đến 31/3/2022 Thaiholdings vẫn còn những công ty con được hợp nhất trên BCTC. Ngoài ra còn có 2 công ty góp vốn thành lập là Thailand và Thaispace.