Thaiholdings thành lậpThaispace vốn khủng nhưng không những không góp đủ mà còn phải vay tiền con

Sau vụ việc liên quan đến việc Tân Hoàng Minh trả lại lô đất vàng 11A Cát Linh, nhà đầu tư càng có thêm lý do để soi Thaiholdings.

Vụ việc Tập đoàn Thaigroup – công ty con do Thaiholdings (max chứng khoán THD) nắm giữ 81,6% vốn điều lệ - phải hoàn trả lại số tiền 840 tỷ đồng theo công văn của Bộ Công An, và nhận lại cổ phần của CTCP Bình Minh Group (chủ sở hữu dự án 11A Cát Linh) kèm hồ sơ pháp lý, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án từ Tân Hoàng Minh đã làm các nhà đầu tư thêm chú ý vào doanh nghiệp này.

Mua/bán, chuyển nhượng cổ phần và dự án sinh lãi lớn trong thời gian ngắn

Câu chuyện được "soi" nhiều nhất tại Thaiholdings sau sự việc liên quan đến Tân Hoàng Minh và lô đất vàng 11A Cát Linh là các khoản lãi "khủng" nhờ mua/bán, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng cổ phần ghi lãi trong thời gian ngắn.

Trong năm 2021 Thaiholdings đã chuyển nhượng toàn bộ dự án Nhà máy xi măng Minh Tâm cho CTCP Xi măng Xuân Thành Bình Phước với giá 680 tỷ đồng ghi nhận trong khoản mục doanh thu khác. Lợi nhuận từ chuyển nhượng dự án này hơn 571 tỷ đồng. Cũng trong năm 2021 Thaigroup đã chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Thành Long, thu lãi hơn 27 tỷ đồng và đặc biệt khoản lại khi chuyển nhượng cổ phần tại Bình Minh Group (liên quan lô đất 11A Cát Linh) với giá đầu tư ban đầu 40 tỷ đồng và lãi ghi nhận hơn 806 tỷ đồng.

Các khoản đầu tư mua/bán này đều diễn ra trong thời gian ngắn, nội trong năm 2021.

Đến các khoản nợ được "đảo" liên tục

Tiền kiếm được từ mua bán, chuyển nhượng dự án được Thaiholdings "quay vòng" liên tục, trong đó không quên nhanh chóng giảm nợ vay. Nếu tính đến cuối năm 2020 tổng nợ phải trả của Thaiholdings là hơn 8.200 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.100 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 2.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021 tổng nợ phải trả giảm được 4.000 tỷ đồng, xuống còn hơn 4.200 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.663 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn giảm được 1.400 tỷ đồng xuống còn 632 tỷ đồng.

Các “chủ nợ” của Thaiholidings cũng thay đổi liên tục. Đối với dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn, đến 31/12/2021 Agribank Hội sở giao dịch còn cho vay gần 995 tỷ đồng. Dư vay nợ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Ninh Bình còn gần 395 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là khoản vay được ghi nhận là “vay ngắn hạn các cá nhân” tăng từ hơn 27 tỷ đồng lên thành 274 tỷ đồng đến cuối năm 2021 – đây là khoản vay từ CTCP Tôn Đản Hà Nội – một công ty con của Thaigroup.

Tổng dư vay nợ thuê tài chính dài hạn giảm 1.400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2021, còn hơn 632 tỷ đồng, nhờ công ty đã trả hết nợ khoản vay tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội chi nhánh Ninh Bình (321 tỷ đồng) và giảm dư nợ vay tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội chi nhánh Thăng Long từ 1.886 tỷ đồng xuống còn 632 tỷ đồng.

Thành lập Thaispace để...vay tiền

BCTC quý 1/2022 ghi nhận đến 31/3/2022 khoản dư nợ gần 1.000 tỷ đồng tại Agribank Hội sở giao dịch và 395 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Ninh Bình vẫn duy trì.  Tuy vậy khoản vay nợ cá nhân tại CTCP Tôn Đản trị giá 274 tỷ đồng đã được trả bớt 264 tỷ đồng, còn dư vay 10 tỷ đồng.

Thay vào đó Thaiholdings phát sinh khoản vay nợ ngắn hạn 550,2 tỷ đồng từ các tổ chức khác – chính là khoản vay từ Thaispace.

Nhắc đến Thaispace – đây là công ty do Thaiholdings góp vốn thành lập từ cuối năm 2021. Tại ngày 31/12/2021 số vốn góp thành lập Thaispace là 80 tỷ đồng và đến 31/3/2022 đã góp được 253 tỷ đồng.

Thaiholdings thành lậpThaispace vốn khủng nhưng không những không góp đủ mà còn phải vay tiền con - Ảnh 1

Theo thông báo, Thaispace có vốn điều lệ dự kiến 26.688 tỷ đồng trong đó Thaiholdings dự kiến góp vốn tổng cộng 1.334,4 tỷ đồng tương ứng 5% tổng vốn điều lệ của Thaispace. Công ty này cũng dự kiến huy động vốn từ thị trường chứng khoán Mỹ với kế hoạch IPO trong năm 2022 nếu đủ điều kiện. Công ty cổ phần Thaispace đặt trụ sở tại Tổ 8, Khu Tái định cư, Khu phố 5, Phường Dương Đông, Thành phố Phú Quốc, Tỉnh Kiên Giang.

Ngành nghề kinh doanh chính của Thaispace cũng rất khác biệt với việc đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không, xây dựng và kinh doanh trạm vũ trụ không gian, vệ tinh tại Việt Nam và Thế giới; kinh doanh dịch vụ viễn thông không dây ở Việt Nam và thế giới như internet vệ tinh, dịch vụ định vị, truyền hình vệ tinh, rada, mạng điện thoại di động và các thiết bị không dây...; kinh doanh hoạt động truyền dẫn kỹ thuật số tại Việt Nam và Thế giới; kinh doanh hoạt động ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data); và kinh doanh vận tải lên vũ trụ tại Việt Nam và Thế giới

Mục tiêu của Thaispace khi thành lập là thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc nếu được các cơ quan quản lý cấp phép. “Bàn đạp” cho kỳ vọng của Thaispace là thực hiện dự án ENCLAVE Phú Quốc – là dự án do công ty con của Thaigroup – CTCP Eclave Phú Quốc thực hiện.

Theo báo cáo dự án đã có thông báo thu hồi đất và đang làm công tác kiểm đếm trong quý 4/2021 và dự kiến quý 2/2022 sẽ hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng. Tài sản xây dựng cơ bản dở dang tại dự án này đến 31/12/2021 là hơn 20 tỷ đồng. Dự án Eclave Phú Quốc có tổng vốn đầu tư 9.810 tỷ đồng.

Đối với việc đầu tư dự án ECLAVE Phú Quốc, trước đó năm 2021 Đại hội cổ đông thường niên Thaiholdings đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ công ty từ 3.500 tỷ đồng hiện nay lên thành 6.800 tỷ đồng, trong đó khoảng 50% số tiền huy động được từ đợt phát hành sẽ để mua cổ phần phát hành riêng lẻ của ECLAVE Phú Quốc.

Tuy vậy do diễn biến phức tạp nên Ban điều hành công ty gặp khó khăn trong việc thực hiện dự án đầu ta Khu nghỉ dưỡng phức họp Enclave Phú Quốc. Do vậy Thaiholdings đánh giá năm 2021 chưa phải là thời điểm thích hợp để phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Do vậy công ty quyết định dừng việc tăng vốn để mua thêm cổ phần ECLAVE Phú Quốc.

Thaispace đã quá thời gian góp vốn?

Tài sản góp vốn thành lập một công ty đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm sau nhiều “vụ” những công ty vốn khủng được công bố thành lập nhưng rồi không góp đủ vốn. Theo luật, sau 90 ngày lể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các thành viên phải góp đủ vốn và đúng loại tài sản theo đăng ký. Nếu không góp đủ vốn cần làm thủ tục thay đổi đăng ký vốn điều lệ bằng số vốn đã góp.

Thaispace được thành lập ngày 31/12/2021. BCTC quý 1/2022 của Thaiholdings ghi nhận đến hết quý 1/2022, tức 31/3/2022 Thaiholdings mới góp 253 tỷ đồng trong tổng số 1.334,4 tỷ đồng đự kiến góp trước đó, tương ứng chưa đến 1/5 tổng số tiền phải góp.

Thủy Trúc

Theo Chất lượng và Cuộc sống