Tiến độ Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đang ra sao?
Báo cáo mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải cho biết tính đến cuối tháng 9/2023, giá trị hoàn thành dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) đạt hơn 9.300 tỷ đồng, đạt gần 10% giá trị các hợp đồng, cơ bản bám sát kế hoạch đề ra.
Mặt bằng thi công mới đạt 84%
Trên toàn dự án, các nhà thầu đã huy động hơn 5.500 thiết bị máy móc, gần 12.800 nhân sự thi công, hơn 330 tư vấn giám sát, tổ chức 567 mũi thi công, gồm: 278 mũi thi công cầu, 279 mũi thi công đường, hầm chui dân sinh và một số công trình trên tuyến.
Về công tác GPMB, tính đến ngày 10/9, diện tích mặt bằng đã được bàn giao đạt hơn 657 km, đạt khoảng 91%. Tuy nhiên, mặt bằng có thể thi công mới đạt hơn 600 km, đạt 84%. Với việc GPMB để thi công dự án, có 41.290 hộ dân có đất phải thu hồi.
Trong đó, hơn 5.800 hộ phải bố trí tái định cư tại 150 khu tái định cư (147 khu xây mới, 3 khu đã có sẵn). Hiện nay, các địa phương đã hoàn thành 56 khu tái định cư, đang triển khai thi công 91 khu, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ hoàn thành.
Liên quan đến nguồn vật liệu thi công, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đối với 10 dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hoà, tổng nhu cầu vật liệu đá cần gần 18 triệu m3 lấy từ 90 mỏ đang khai thác (tổng trữ lượng gần 168 triệu m3), tổng công suất khai thác gần 10,5 triệu m3/năm.
Khả năng cung ứng của các mỏ đang khai thác đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, trữ lượng. Song, một số mỏ vẫn nâng công suất khai thác để đáp ứng tiến độ thi công khi các dự án thành phần triển khai đồng loạt tại một thời điểm.
Về vật liệu cát, tổng nhu cầu cho các dự án khoảng gần 10 triệu m3. Trong đó, khoảng 4,74 triệu m3 được sử dụng từ 77 mỏ đang khai thác với trữ lượng hơn 10 triệu m3. Hồ sơ mỏ vật liệu của dự án đã xác định cần khai thác 4,72 triệu m3 được sử dụng từ 14 mỏ chưa khai thác có tổng trữ lượng gần 12 triệu m3.
Với vật liệu đất, theo tính toán, nhu cầu của 10 dự án thành phần là gần 50 triệu m3. Trong đó, khoảng 2,7 triệu m3 được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác, tổng trữ lượng hơn 10 triệu m3. Hồ sơ mỏ vật liệu đã xác định cần khai thác gần 47 triệu m3 từ 74 mỏ chưa khai thác có tổng trữ lượng hơn 64 triệu m3.
Hiện, các chủ đầu tư, nhà thầu đang phối hợp với chủ mỏ, các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục nâng công suất, gia hạn giấy phép các mỏ đang khai thác nhằm bảo đảm nguồn cung cho dự án.
UBND các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 10/13 mỏ cát, 38/56 mỏ đất. Đến nay, nhà thầu đã khai thác được 4 mỏ cát, 14 mỏ đất. Đối với các mỏ đã hoàn thành bản đăng ký khối lượng, các nhà thầu đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất để khai thác.
Dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó
Tại hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, khó khăn nhất hiện nay là nguồn cát đắp nền. Theo báo cáo, tỉnh An Giang đã thống nhất bố trí cho dự án 3,3 triệu m3 (nhu cầu năm 2023). Trong đó đã có quyết định giao 1,1 triệu m3 từ 4 mỏ đang khai thác. Nhà thầu đã ký hợp đồng với 2/4 mỏ. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7/2023 đến nay đã tạm dừng do 1 mỏ tỉnh thu hồi giấy phép, 1 mỏ doanh nghiệp bị khởi tố, điều tra.
Trong 2 mỏ chưa ký hợp đồng, có 1 mỏ tỉnh đã thu hồi giấy phép, 1 mỏ chưa thể cung cấp. Với 2,2 triệu m2 còn lại, tỉnh dự kiến bố trí từ 5 mỏ đang khai thác, hiện đang triển khai thủ tục. Đối với 3,7 triệu m3 nhu cầu năm 2024, UBND tỉnh đang xem xét phương án cung cấp.
Tại Đồng Tháp, tỉnh đã thống nhất bố trí đủ cho dự án 7 triệu m3. Trong đó, dự án đã lấy được gần 0,4 triệu m3. Với khối lượng còn lại, nhà thầu đã được giao 6 mỏ với tổng trữ lượng có thể khai thác là hơn 3 triệu m3. Riêng năm 2023 dự kiến khai thác được gần 2 triệu m3.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Vĩnh Long đã hướng dẫn nhà thầu thực hiện các bước lập thủ tục khai thác tại 2 vị trí mỏ. Các nhà thầu đã hoàn thành công tác khảo sát. Tuy nhiên, UBND tỉnh mới có văn bản giao cho nhà thầu 1 mỏ (Mỏ Vàm Trà Ôn 3 với trữ lượng 0,75 triệu m3) để thực hiện các thủ tục tiếp theo, dự kiến khai thác vào tháng 12/2023.
“Toàn bộ tuyến tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đi qua khu vực nền đất yếu, phải xử lý nền đường và gia tải chờ lún. Nếu các địa phương không đẩy nhanh các thủ tục khai thác, cung cấp vật liệu cho dự án, bảo đảm cho các nhà thầu hoàn thành thi công đắp nền đường trước tháng 6/2024, tiến độ dự án rất khó đảm bảo do phải chờ lún với thời gian từ 12 - 16 tháng”, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đồng thời đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội có ý kiến với đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, mặt bằng thi công để dự án bám sát được tiến độ yêu cầu.
Nhà cầu cần cơ chế đặc thù về nguồn vật liệu
Từ góc độ của nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex, cho hay các dự án xây dựng đường cao tốc có khối lượng vật liệu đắp (đất, cát) lên đến vài triệu m3. Trong khi đó, thời gian thi công được tính từ ngày khởi công xây dựng công trình khi đáp ứng các điều kiện tại Luật Xây dựng năm 2014, chưa tính đến thời gian nhà thầu phải tiến hành các thủ tục xin cấp phép khai thác mỏ.
Do đó, thời gian thi công các gói thầu cao tốc phải tính thêm thời gian xin cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Để đáp ứng tiến độ thi công, ông Thanh đề xuất các địa phương cho phép nhà thầu tiến hành song song với việc khai thác và trình duyệt thủ tục cho đến khi được cấp phép khai thác trên cơ sở bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh môi trường…
Cùng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Khương Văn Cương cho rằng các địa phương có dự án đi qua cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự thực hiện, thành phần hồ sơ cấp phép và thời gian xử lý thủ tục phê duyệt cho nhà thầu khai thác mỏ vật liệu đã quy hoạch phục vụ thi công cao tốc.
Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế đặc thù cho vật liệu trong công trình hạ tầng giao thông, giảm bớt thủ tục xin cấp phép khai thác; bổ sung thời gian thi công các gói thầu cao tốc phải tính thêm thời gian xin cấp phép khai thác vật liệu; cho phép nhà thầu tiến hành song song công tác khai thác và trình duyệt thủ tục cho đến khi được cấp phép khai thác.
Đặc biệt, đối với những khu vực khan hiếm vật liệu đắp thông thường, việc nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp cần được tiến hành, thử nghiệm kỹ lưỡng, tránh đưa ra những kết luận vội vàng ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ công trình; nghiên cứu giải pháp thiết kế cầu cạn đảm bảo tính khả thi, bền vững.