Tiến độ dự án trục đường hướng tâm 9.500 tỷ từ Hà Nội đi 3 tỉnh Tây Bắc

Tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối với Quốc lộ 21A, đường Hồ Chí Minh và đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Ngoài việc đẩy mạnh xây dựng các tuyến Vành đai, thì Thủ đô Hà Nội cũng đang quy hoạch và triển khai xây dựng nhiều trục hướng tâm, có thể kể đến như: Trục hướng tâm Tây Thăng Long, Quốc lộ 32, Quốc lộ 6… Và các trục hướng tâm này sẽ giúp kết nối các khu vực ngoại thành với khu vực trung tâm. Trong khi các trục hướng tâm khác hầu hết đã hình thành thì trục hướng tâm Quốc lộ 6 vẫn đang ngổn ngang chật hẹp.

Dự án có tổng kinh phí đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng. Ảnh vệ tinh  
Dự án có tổng kinh phí đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng. Ảnh vệ tinh  

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 nối Thủ đô Hà Nội với khu vực Tây Bắc, đi qua địa phận của 4 tỉnh thành là Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Đoạn Ba La (Hà Đông) đi Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) khởi công năm 2022 và dự kiến hoàn thành năm 2027. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của TP. Hà Nội, được triển khai thi công từ tháng 12/2022.

Công trình có chiều dài 21,7km qua quận Hà Đông (5,9 km) và huyện Chương Mỹ (15,8km). Điểm đầu dự án tại km14 địa phận Ba La, quận Hà Đông; điểm cuối km38, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ.

Trên tuyến có 7 cầu đường bộ và 1 cống hộp xây mới. Trong đó, cầu Tân Trượng (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ) đang được thi công, đã hoàn thiện hai bên mố cầu.

Một số đoạn trên tuyến đường đã hoàn tất và cho phép xe cộ đi lại. Ảnh: Hữu Chánh  
Một số đoạn trên tuyến đường đã hoàn tất và cho phép xe cộ đi lại. Ảnh: Hữu Chánh  

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư.

Quốc lộ 6 nhiều đoạn chỉ có 2 làn đường, lòng đường chật hẹp, vỉa hè chỉ rộng hơn 1m. Nhiều khu vực hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện hàng loạt ổ gà, đọng nước sau mỗi trận mưa lớn. Những năm gần đây, tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc do lưu lượng phương tiện lưu thông tăng cao.

Vì vậy, tuyến đường sẽ được nâng cấp, mở rộng lên 50-60m, tương đương 4-6 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100km/h. 

Đến nay, huyện Chương Mỹ đã bàn giao 23,2ha đất cho chủ đầu tư để thi công xây dựng công trình tại địa bàn các xã Phú Nghĩa, Trường Yên, Đông Sơn, Thủy Xuân Tiên, thị trấn Xuân Mai. Một số đoạn hiện đã cấp phối đá dăm. Hơn 15km còn lại chưa được triển khai mở rộng vì vướng mặt bằng. Toàn tuyến đạt 25% diện tích đất thi công; các đoạn bàn giao còn ngắt quãng, xôi đỗ; trên địa bàn quận Hà Đông chưa bàn giao mặt bằng.

Quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ đang tập trung tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hữu Chánh  
Quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ đang tập trung tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hữu Chánh  

Huyện Chương Mỹ phấn đấu đến cuối năm 2024 bàn giao khoảng 80% diện tích đất nông nghiệp và đất công cho chủ đầu tư. Dự kiến đến 2025, huyện sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án.

Theo kế hoạch, dự án hoàn thành năm 2027 sẽ khắc phục tình trạng ùn tắc, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ nói riêng và TP. Hà Nội nói chung.

Tuyến đường này cũng có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối với Quốc lộ 21A, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang được triển khai.

Ngọc Trà

Theo Chất lượng và Cuộc sống