Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng "vượt khó" trong năm 2022
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành xây dựng được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2022 do dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Để vượt qua khó khăn cần nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh và thực hiện ...
Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động của ngành xây dựng trong năm 2021 có một số thuận lợi khi các đơn vị trong ngành xây dựng có nguồn công việc ổn định do có nhiều công trình chuyển tiếp từ năm 2020 sang có tổng mức đầu tư lớn.
Nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình kỹ thuật dân dụng có xu hướng tăng cùng với sự “ấm” lên của thị trường bất động sản tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khải các dự án, công trình.
Song, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp trong năm 2021 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động xây dựng nói riêng. Việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ kéo dài đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong tìm kiếm hợp đồng xây dựng mới.
Bên cạnh đó, giá một số loại vật liệu xây dựng trong năm 2021 tăng mạnh làm chậm tiến độ các dự án đang và sắp khởi công.
Giá trị sản xuất xây dựng theo giá hiện hành quý IV/2021 ước đạt hơn 636.100 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khu vực ngoài nhà nước ước đạt tăng 11,4% so với cùng kỳ và là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng âm chỉ bằng 96,3% so với cùng kỳ. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 6,4% so với cùng kỳ.
Tính chung năm 2021, giá trị sản xuất xây dựng theo giá hiện hành ước đạt hơn 1.938.900 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm 2020; trong đó khu vực ngoài Nhà nước ước đạt 1.255.700 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2020 và đây cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 59.800 tỷ đồng, giảm 4,2%. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước ước đạt gần 55.000 tỷ đồng, tăng 1,7%.
Bên cạnh những khó khăn do dịch COVID-19 trong năm 2021, ngành xây dựng cũng gặp phải khó khăn như nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí phân bổ vốn đầu tư cho các dự án còn ít so với khối lượng đã thi công.
Công tác quy hoạch chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao; năng lực tài chính của một số chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng còn hạn chế. Một số dự án bất động sản đã ký nhưng không được triển khai hoặc triển khai chậm. Lãi vay ngân hàng và việc chậm giải ngân vốn đầu tư công khiến doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn về vốn.
Tổng cục Thống kê nhận định, với tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, cần nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh, nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động bình thường.
Hỗ trợ doanh nghiệp ngành xây dựng bằng các biện pháp thiết thực như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận những dự án ngay tại địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động. Giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính trong việc cấp phép và thanh quyết toán công trình xây dựng. Hỗ trợ tốt nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.
Tạo điều kiện trong việc nộp thuế cũng như hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng. Bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép xây dựng.
Với các doanh nghiệp ngành xây dựng, Tổng cục Thống kê khuyến nghị cần đẩy mạnh thi công xây dựng công trình kết hợp với các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Tránh đầu tư đa ngành, dàn trải, kém hiệu quả.