Tin bất động sản hôm nay ngày 1/11: VICEM xin giữ lại dự án nghìn tỷ ‘đắp chiếu’ hơn chục năm tại Hà Nội
VICEM xin giữ lại dự án nghìn tỷ ‘đắp chiếu’ hơn chục năm tại Hà Nội; Bình Định kiến nghị tạm dừng chuyển đất rừng làm siêu dự án 56.200 tỉ đồng; Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030; Bộ GTVT sẽ làm việc với 10 tỉnh muốn xây sân bay mới; Điểm lại tên loạt dự án bị thu hồi tại Thanh Hóa; Bình Định lập quy hoạch mới Khu du lịch sinh thái Eo Gió là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 1/11.
VICEM xin giữ lại dự án nghìn tỷ ‘đắp chiếu’ hơn chục năm tại Hà Nội
Tổng Công ty xi măng Việt Nam (VICEM) vừa có đề xuất lên Bộ Xây dựng xin giữ lại tiếp tục sử dụng khu đất tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM.
Theo đó, VICEM đưa ra lý do trụ sở đang sử dụng tại 228 Lê Duẩn, quận Đống Đa, Hà Nội là toà nhà 8 tầng cũ đã xây dựng từ năm 1980, diện tích chật hẹp, cơ sở hạ tầng đã cải tạo sửa chữa nhiều lần và lộ giới an toàn đường sắt cắt ngang lối vào trụ sở làm việc của VICEM tiềm ẩn rủi ro về an toàn giao thông. Do đó, nhu cầu về trụ sở làm việc mới của Tổng công ty và các đơn vị thành viên là cần thiết.
Theo VICEM, dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem có quy mô gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và 4 tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng hơn 78.000m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm.
Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là gần 2.000 tỷ đồng, sau đó đã tăng lên hơn 2.700 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành dự án trong 3 năm và được kỳ vọng sẽ tạo ra diện mạo mới cho hoạt động kinh doanh của khu vực.
Tuy nhiên, kể từ khi được cấp phép xây dựng vào năm 2011 thì đến nay dự án này mới hoàn thiện phần thô và hiện trong tình trạng "đắp chiếu", bỏ hoang bên toà nhà Keangnam cạnh đường vành đai 3. Nhiều hạng mục của dự án xây dựng đã xuống cấp, bê tông bong tróc, rêu mốc, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.
Liên quan đến dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem, hồi tháng 7/2020, Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng về việc cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Vicem trong việc đầu tư dự án này.
Bình Định kiến nghị tạm dừng chuyển đất rừng làm siêu dự án 56.200 tỉ đồng
UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tạm dừng thẩm định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn Phù Mỹ tại huyện Phù Mỹ.
Nguyên nhân là trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi cũng như trong quá trình khảo sát đánh giá địa điểm đầu tư, Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ - chủ đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn Phù Mỹ - đề xuất được khảo sát thêm một số vị trí khác trên địa bàn tỉnh Bình Định để có lựa chọn tối ưu về địa điểm xây dựng, đảm bảo hiệu quả đầu tư cũng như các yếu tố cơ sở hạ tầng xung quanh dự án.
Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn Phù Mỹ được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư tại các quyết định hồi tháng 11-2021 và tháng 7-2022.
Dự án có công suất 5,4 triệu tấn thép/năm, tổng vốn đầu tư hơn 56.200 tỉ đồng, dự kiến xây trên diện tích hơn 499 ha ở hai xã Mỹ An và Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ.
Do một phần diện tích đề xuất làm dự án nêu trên là đất rừng, đất lâm nghiệp nên cuối tháng 3-2022, UBND tỉnh Bình Định có tờ trình đề nghị Bộ NN-PTNT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đã nêu theo đúng quy định pháp luật.
Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 tại TP Nha Trang
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vừa ký Quyết định 2978/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch năm đầu của quy hoạch sử dụng đất TP Nha Trang.
Theo đó, năm 2020, TP Nha Trang có tổng diện tích đất hơn 25.422 ha, gồm: đất nông nghiệp hơn 10.721 ha, đất phi nông nghiệp 7.633 ha và hơn 7.066 ha đất chưa sử dụng. Đến năm 2030, đất nông nghiệp giảm chỉ còn hơn 8.896 ha, trong khi đất phi nông nghiệp tăng mạnh lên 16.631 ha, đất chưa sử dụng sẽ được dùng hết.
Theo Quyết định 2978, trong cơ cấu sử dụng đất, đất thương mại dịch vụ của TP Nha Trang sẽ tăng từ 996 ha lên 3.866 ha; đất ở đô thị từ 1.212 ha lên 2.260 ha; đất ở nông thôn từ 606 ha lên 1.636 ha; đất giao thông từ 1.361 ha lên 2.515 ha.
Bên cạnh đó, các loại đất ở và đất dịch vụ tăng mạnh. Đến năm 2030, đất phát triển hạ tầng tăng từ 2.197 ha lên 4.073 ha; đất khu vui chơi, giải trí công cộng tăng từ 131 ha lên 1.798 ha…
Như vậy, đến năm 2030, TP Nha Trang sẽ có khoảng 6.492 ha đất nông nghiệp và hơn 205 ha cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp. Đất lúa từ 718 ha sẽ không có trong cơ cấu sử dụng đất; đất trồng cây lâu năm từ 3.051 ha chỉ còn 763 ha - giảm 2.223 ha, chuyển đổi qua phi nông nghiệp, tập trung ở hai xã Vĩnh Lương (759 ha) và Phước Đồng (563 ha).
Khánh Hòa đang hoàn thiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 để trình Chính phủ phê duyệt. Đồ án này đã được HĐND TP Nha Trang thông qua với diện tích TP được mở rộng thêm gần 2.300 ha, nâng tổng diện tích đất tự nhiên Nha Trang lên 27.802 ha.
Diện tích tăng thêm từ 1.500 ha đất bảo tồn sinh cảnh, sinh thái ngập mặn và phát triển đô thị, dịch vụ trên mặt biển cùng khoảng 880 ha thuộc các xã Diên An, Diên Toàn, Suối Hiệp và thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh).
Không gian quy hoạch phát triển TP Nha Trang được hướng dẫn và kiểm soát phát triển theo 16 phân khu, phù hợp với đặc điểm hiện trạng và tiềm năng phát triển của từng phân khu, để mỗi khu vực có thể phát triển năng động, hiệu quả và có bản sắc về kinh tế - xã hội - cảnh quan.
Bộ GTVT sẽ làm việc với 10 tỉnh muốn xây sân bay mới
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam thành lập đoàn công tác do Cục trưởng Đinh Việt Thắng làm trưởng đoàn, làm việc với 10 địa phương về kiến nghị bổ sung sân bay mới vào quy hoạch toàn quốc. Cục báo cáo Bộ GTVT kết quả làm việc và đề xuất giải pháp xử lý trước ngày 15/11.
Quá trình làm việc với các địa phương, Cục Hàng không cần đánh giá khả năng hình thành sân bay mới theo tiêu chí đã xây dựng tại hồ sơ quy hoạch sân bay toàn quốc; đánh giá khả năng khai thác dân dụng theo mô hình sân bay chuyên dùng.
Được biết 10 tỉnh đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay mới tại địa phương mình, gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Tây Ninh.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống sân bay cả nước giai đoạn 2030, tầm nhìn tới năm 2050. Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở đánh giá nhiều yếu tố, từ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tới điều kiện tự nhiên - vị trí địa lý, nhu cầu đi lại của người dân... Theo đó, danh sách sân bay trong nước đến năm 2030 là 28 sân bay và đến năm 2050 là 31 sân bay.
Giữa tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì họp với 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu mở rộng, xây sân bay mới. Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại một lần nữa để kịp thời điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống sân bay cả nước giai đoạn 2030, tầm nhìn tới năm 2050, đảm bảo quy mô phù hợp.
Điểm lại tên loạt dự án bị thu hồi tại Thanh Hóa
UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi đất 21 dự án với tổng diện tích gần 90 ha, nhằm tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
Các dự án "treo" kéo dài nhiều năm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định thu hồi như: dự án Khu công nghiệp Hoàng Long của Tập đoàn FLC rộng hơn 286 ha, có vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng nhưng đã chậm hơn 7 năm; dự án của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Thanh Hóa tại khu đô thị phía Nam thành phố Thanh Hóa với diện tích hơn 2,2 ha; dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô Vinaxuki (ở xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc) của Công ty TNHH MTV ôtô Vinaxuki Thanh Hóa; dự án của Công ty CP AE Toàn Tích Thiện (tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn)…
Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án chậm tiến độ. UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị địa bàn để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp phải rà soát các dự án đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng dự án "treo".
Bình Định lập quy hoạch mới Khu du lịch sinh thái Eo Gió
UBND tỉnh Bình Định vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu du lịch sinh thái Eo Gió tại xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn.
Theo phê duyệt, diện tích lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khoảng 95.533,93m2, thuộc khu vực Eo Gió, xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn, Khu kinh tế Nhơn Hội. Khu vực quy hoạch giáp núi Eo Gió ở phía Bắc; giáp núi Cấm ở phía Nam; giáp biển Đông ở phía Đông; giáp tuyến đường mòn phục vụ dân sinh ở phía Tây.
Quy hoạch nhằm mục tiêu cụ thể hóa đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Nhơn Hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị du lịch Nhơn Hội (Phân khu 3) đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt.
Đồng thời, quy hoạch trên cũng nhằm xây dựng một Khu du lịch sinh thái hiện đại, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển với các loại hình sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách. Kết nối đồng bộ về hạ tầng, kiến trúc cảnh quan với các dự án lân cận trong Khu kinh tế Nhơn Hội, hạn chế thấp nhất việc tác động đến môi trường.
Ngoài ra, việc lập quy hoạch Khu du lịch sinh thái Eo Gió còn là cơ sở để thu hút đầu tư, lập dự án đầu tư, triển khai xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt.