Tin bất động sản hôm nay ngày 28/10: Bộ Xây dựng chỉ đạo ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền trái phép
Bộ Xây dựng chỉ đạo ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền trái phép; Thái Nguyên siết chặt hoạt động kinh doanh bất động sản; Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm soát hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản; Bắc Ninh ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp; Nghệ An lên kế hoạch thanh tra hàng loạt dự án bất động sản là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 28/10.
Bộ Xây dựng chỉ đạo ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền trái phép
Nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập và tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện một số giải pháp.
Cụ thể, khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Bộ yêu cầu khẩn trương xây dựng Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn từ nay đến năm 2025 và 2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm theo quy định của Luật Nhà ở trong đó xác định rõ có danh mục các dự án nhà ở để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn.
Rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.
Rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật, thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.
Khẩn trương hoàn thành kiểm định đánh giá chất lượng các nhà chung cư cũ còn lại trên địa bàn để xác định các nhà chung cư phải phá dỡ; sớm lập, phê duyệt Kế hoạch, danh mục dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề nghị kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng pháp luật.
Rà soát các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai; trên cơ sở đó phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác liên quan để đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội.
Theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” bất động sản trên địa bàn.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm về pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan (nếu có).
Thái Nguyên: Siết chặt hoạt động kinh doanh bất động sản
Vì mục tiêu phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp siết chặt hoạt động kinh doanh BĐS.
Thực tế cho thấy, không ít đối tương môi giới, đầu cơ đất kiếm lời bằng cách tổ chức livestream, đăng ảnh hợp đồng đặt cọc bán đất và chụp ảnh khách hàng đến giao dịch khiến mọi người đánh giá sai giá trị thực của BĐS.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS diễn ra phổ biến nhưng thiếu chuyên nghiệp do nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào loại hình hoạt động này chưa có năng lực, kinh nghiệm, chưa đủ điều kiện hoạt động theo quy định.
Một số chủ đầu tư dự án BĐS huy động góp vốn thực hiện dự án chưa đúng quy định pháp luật; việc kinh doanh BĐS khi chưa đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh theo quy định vẫn còn diễn ra...
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các địa phương tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ thị trường BĐS nhằm hạn chế tối đa rủi ro cho khách hàng và tránh ảnh hưởng xấu đến thị trường.
Tỉnh yêu cầu cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương theo chức năng, nhiệm vụ phải công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án BĐS, ngăn chặn thông tin đồn thổi, đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp; công bố rộng rãi danh mục các dự án đủ điều kiện được huy động góp vốn, kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai để đảm bảo ổn định, minh bạch thị trường. Tham mưu cho tỉnh kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, chậm tiến độ theo quy định.
Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương xác định giá đất đảm bảo đúng, đủ, khoa học, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản trên đất đối với các dự án BĐS đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định, đúng trình tự, thủ tục. Tăng cường thực hiện chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS…
Lực lượng chức năng của tỉnh cần xử lý nghiêm vi phạm quy định về sử dụng lao động, tình trạng “thổi giá”, “cò đất”, “sốt đất ảo” khi triển khai các công trình, dự án BĐS. Xử lý nghiêm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng tham gia kinh doanh, hoạt động môi giới BĐS quảng cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật.
Tỉnh giao ngành Thông tin và Truyền thông phối hợp xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện thông tin, truyền thông, các trang mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm BĐS sai sự thật nhằm trục lợi.
Do hầu hết các đối tượng lợi dụng nguồn vay tín dụng để xoay vòng đầu cơ, thổi giá đất, nên hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát cho vay, bảo lãnh thế chấp đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án kinh doanh BĐS.
Chính quyền các địa phương cần có ngay giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và đời sống của người dân. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán BĐS, dự án BĐS, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý…, vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh BĐS và pháp luật có liên quan như: Phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải là đất ở; thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý.
Và một trong những giải pháp quyết liệt được tỉnh đưa ra chính là: Nghiêm cấm chủ đầu tư dự án BĐS thực hiện việc huy động góp vốn, kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai và các BĐS chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS khi chưa đủ điều kiện về năng lực…
Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm soát hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản
Bộ Xây dựng cho biết, trong quý vừa qua, các nguồn vốn bao gồm nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu dành cho lĩnh vực bất động sản đều gặp khó khăn, giảm so với các quý trước. Một số cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản có sai phạm trong hoạt động huy động vốn, trái phiếu, cổ phiếu đã bị xử lý gây ảnh hưởng đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.
Nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện một số giải pháp.
Trong đó, khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh,…Theo đó, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 năm 2023.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.
Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản,…
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, cho vay đối với lĩnh vực bất động sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm về pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan (nếu có).
Bắc Ninh: Ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải vừa ký Quyết định số 17/2022/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/10/2022.
Quy chế áp dụng với các đối tượng gồm: Các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong CCN; các sở, ngành, UBND cấp huyện và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác quản lý CCN.
Theo quy chế, Sở Công Thương là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về CCN trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về CCN; xây dựng, điều chỉnh và hoàn thành phương án phát triển CCN trên địa bàn; thành lập, mở rộng và điều chỉnh quyết định thành lập, mở rộng CCN theo quy định; chuyển đổi CCN cho phù hợp với lộ trình chuyển đổi trong phương án phát triển CCN của tỉnh; xử lý đối với những CCN chưa có quyết định thành lập.
Lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng CCN và hạ tầng kỹ thuật CCN; lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Ngoài ra, tiến hành thu hồi đất, cho thuê đất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; tiếp nhận và thực hiện các thủ tục về đầu tư đối với các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào CCN. Quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích và hoạt động sản xuất kinh doanh trong CCN; quản lý những CCN không có chủ đầu tư là doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo và công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định.
Nghệ An lên kế hoạch thanh tra hàng loạt dự án bất động sản
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định (số 3088), thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành và phê duyệt kế hoạch kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các dự án đầu tư ngoài Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh do ông Hồ Việt Dũng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng đoàn; các ông: Võ Văn Ngọc, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Vũ Tuấn Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng làm Phó trưởng đoàn.
Theo kế hoạch kiểm tra, sẽ có 139 dự án đầu tư được Đoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh này “sờ gáy”. Trong đó, có 38 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất (không thuộc lĩnh vực phát triển nhà ở); 58 dự án đã được giao đất, cho thuê đất (không thuộc lĩnh vực phát triển nhà ở); 43 dự án thuộc lĩnh vực phát triển nhà ở.
Trong danh mục 139 dự án được đoàn kiểm tra lần này, những “cái tên” dự án có “thâm niên” kéo tiến độ trên 10 năm như: Dự án Khu đô thị Dầu khí Nghệ An, do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (PVIT) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, quy mô gần 15ha; Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại và dịch vụ tại Nghi Phú (TP. Vinh) do Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông Bắc Miền Trung là chủ đầu tư được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ tháng 8/2009.
Cùng với đó là Dự án Trung tâm thương mại, khách sạn dịch vụ, nhà ở và biệt thự cao cấp tại phường Bến Thủy do Công ty TNHH Thành Thái Thịnh làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết từ tháng 5/2013; Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại - dịch vụ và nhà ở đô thị tại Phương Lê Lợi (TP. Vinh) do tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2010 ...
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, mục đích của công tác kiểm tra là nhằm thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư ngoài Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án, đề xuất phương án giải quyết các vướng mắc, khó khăn có liên quan và tham mưu xử lý theo quy định của pháp luật.