Tin bất động sản hôm nay ngày 10/11: Chuyển động mới tại loạt dự án của Tập đoàn Xuân Thiện ở Nam Định
Chuyển động mới tại loạt dự án của Tập đoàn Xuân Thiện ở Nam Định; Nghệ An hủy bỏ dự án nhà nghỉ công nhân bỏ hoang hơn 10 năm; Dự án The Viva City tại Đồng Nai của Đầu tư LDG chậm cấp sổ đỏ
Chuyển động mới tại loạt dự án của Tập đoàn Xuân Thiện ở Nam Định
Theo thông tin từ Báo Đại đoàn kết, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, cùng ngày Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vũ Văn Hưng đã ký giấy phép xây dựng (loại sử dụng cấp theo giai đoạn của công trình không theo tuyến) cho Công ty CP bê tông Ngĩa Hưng, thuộc Tập đoàn Xuân Thiện để san nền (hồ điều hòa) thuộc dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Nam Định (1 trong 3 dự án lớn Tập đoàn Xuân Thiện được chấp thuận đầu tư tại Nam Định).
Vị trí xây dựng thuộc khu đất diện tích gần 285.000 m2 đất tại Khu trong Cồn Xanh, thuộc địa bàn các xã Nghĩa Hải, Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng.
Trước đó, ông Trần Anh Dũng cũng đã ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và cho Công ty CP bê tông Nghĩa Hưng thuê hơn 568.000 m2 đất (đã được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi) tại xã Nghĩa Hải và xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định.
Được biết, thời gian qua, chính quyền tỉnh Nam Định và Tập đoàn Xuân Thiện (Ninh Bình) đã xúc tiến nhiều bước trong quy trình triển khai 3 dự án vốn đầu tư lớn, bao gồm: dự án Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng (xây dựng trên diện tích 83,93ha, tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, công suất 2 triệu tấn/năm); dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định (xây dựng trên diện tích 284,97ha, tổng vốn đầu tư, công suất 7,5 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng) và dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định, tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng.
Cả 3 dự án trên đều được triển khai tại khu vực bãi bồi ven biển thuộc địa bàn huyện Nghĩa Hưng. Trước đó, để triển khai các dự án trên của nhà đầu tư Tập đoàn Xuân Thiện, UBND tỉnh Nam Định đã ra quyết định thu hồi hơn 431 ha đất tại một số xã của huyện Nghĩa Hưng.
Nghệ An hủy bỏ dự án nhà nghỉ công nhân bỏ hoang hơn 10 năm
Sau nhiều năm không triển khai, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định hủy bỏ các văn bản pháp lý của dự án Nhà nghỉ công nhân Nông trường 3/2.
Được biết, năm 1995, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1553/QĐ.UB về việc cho phép Công ty TNHH MTV Nông - Công nghiệp 3/2 (nay là Công ty CP Nông Công nghiệp 3/2), đóng tại huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An được khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng công trình dự án Nhà nghỉ công nhân Nông trường 3/2 tại lô đất số 177, khu quy hoạch đường 7, phường Nghi Thu, Tx. Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.
Theo đó, dự án Nhà nghỉ công nhân Nông trường 3/2 có mục tiêu xây dựng nhà nghỉ cho công nhân kết hợp kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng. Về quy mô, dự án có diện tích sử dụng đất 617,2m2; bao gồm các hạng mục khách sạn 8 tầng, sân, cây xanh, cảnh quan.
Đến năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH MTV Nông - Công nghiệp 3/2 được lập thủ tục thuê đất nhằm thực hiện dự án. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện nay đã hơn 10 năm trôi qua, dự án này vẫn chưa thể thực hiện.
Điều đó nói, khu đất này có chiều rộng bám đường Mai Thúc Loan 23m, nằm giữa trung tâm của phố biển Cửa Lò, thuộc vào khu “đất vàng” với giá trị thị trường hàng chục triệu/m2. Dự án “đất vàng” nhiều năm không triển khai thi công đã trở thành khu vực nhếch nhác, gây lãng phí tài nguyên đất đai, thất thu thuế Nhà nước.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Nông - Công nghiệp 3/2 do ông Trương Văn Hiền giữ chức Chủ tịch HĐQT với tổng số vốn điều lệ là 15,99 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn do Nhà nước quản lý khoảng 36%, Tổng Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Nghệ An đang nắm giữ 25%, ông Lê Huy Dũng (nguyên Giám đốc doanh nghiệp này) đang nắm giữ 9% và 1 cổ đông chiến lược khác là ông Nguyễn Viết Dũng đang nắm giữ 12/% cổ phần. Số cổ phần còn lại là của các cán bộ công nhân viên của công ty này.
Dự án The Viva City tại Đồng Nai của Đầu tư LDG chậm cấp sổ đỏ
Mới đây, dưới sự chứng kiến của đại diện UBND xã Giang Điền, hàng trăm khách hàng mua đất dự án tại khu đô thị The Viva City (97 ha, nằm ở xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) từ cách đây 5-10 năm đã có buổi đối thoại với Công ty CP Đầu tư LDG (LDG Group - chủ đầu tư dự án) xung quanh vấn đề chậm cấp sổ đỏ.
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Quốc Vy Liêm - Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư LDG cho biết, sở dĩ chưa sang tên sổ đỏ cho khách hàng là vì chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1, 2.
"Công ty cam kết đến ngày 31/12/2022 sẽ hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1 và đến ngày 30/9/2023 hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2. Về tiến độ cấp sổ đỏ sang tên cho khách hàng thuộc giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 30/3/2023 và giai đoạn 2 từ tháng 12/2023" - Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư LDG nói.
Cũng theo đại diện chủ đầu tư, việc thực hiện cấp sổ đỏ cho khách hàng có thể dao động trong thời gian 90 ngày bởi thủ tục ký hợp đồng chuyển nhượng và sang tên. Sau khi hoàn thành giao sổ giai đoạn 1 (200 – 300 sổ) và giai đoạn 2 (200 – 300 sổ), các sổ còn lại sẽ hoàn thành tối đa vào ngày 4/5/2024.
Về đề nghị của khách hàng giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên công ty, phía tập đoàn LDG thông tin, nếu khách hàng có nhu cầu thì hai bên phải ký văn bản thoả thuận liên quan đến điều kiện giao nhận và bảo quản sổ trong vòng 30 ngày. Đồng thời, LDG Group cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật với các nội dung đưa ra.
70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản đến từ vướng mắc pháp lý
Hiệp Hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản thông tin về cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, giữa các doanh nghiệp bất động sản phía Nam với lãnh đạo Chính phủ vào sáng 8/11.
Theo đó, cuộc họp tại TP .HCM do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cùng với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đại diện Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch HoREA và 19 Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản của TP. HCM và các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng thời điểm, cuộc họp tại Hà Nội cũng được diễn ra do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cùng với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị với sự tham dự của khoảng 15 Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản.
Riêng tại cuộc họp ở TP.HCM, HoREA cho biết các đại biểu dự họp đã tập trung phân tích những khó khăn của thị trường bất động sản. Trong đó, pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.
Khẳng định giải pháp lớn nhất, bao quát nhất và có tính quyết định nhất với thị trường lúc này là hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, quá trình này dự kiến đến 2023 mới hoàn tất.
Do vậy, trong 19 tháng tới đây, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay “Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai”, để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án đô thị, nhà ở.
Lâm Đồng chấp thuận siêu dự án khu đô thị mới quy mô gần 12.000 tỷ đồng
Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ký Quyết định số 2023/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim quy mô gần 12.000 tỷ đồng.
Theo đó, dự án khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, có diện tích 153,65 ha.
Trong đó có 442.945 m2 đất ở, 63.971 m2 đất công trình công cộng dịch vụ đô thị, 45.199 m2 đất công cộng đơn vị ở,…
Dự án có quy mô đầu tư xây dựng và cơ cấu sản phẩm kinh doanh gồm 3.565 căn nhà ở thương mại với tổng diện tích sàn khoảng 1,6 triệu m2; đầu tư xây dựng công trình thương mại dịch vụ có chiều cao 3 tầng và 15 tầng; đầu tư xây dựng công trình công cộng đơn vị ở với chiều cao 3 tầng;…
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng gần 12.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, trang thiết bị, chi phí khác khoảng 9.623 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 2.211 tỷ đồng.
Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, với tiến độ thực hiện trong 5 năm kể từ ngày có văn bản chấp thuận nhà đầu tư.
Dự án khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim có mục tiêu xây dựng khu đô thị kiểu mẫu chất lượng cao; phát triển nhà ở tập trung, đồng bộ hình thành khu đô thị xanh – sạch – đẹp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đạt tiêu chuẩn, hài hòa với cảnh quan chung của khu vực; đảm bảo sự đồng bộ, có tính kết nối, bền vững cho khu vực đô thị mới phía Nam sông Đa Nhim.
Dự án còn có mục tiêu đáp ứng nhu cầu ở và môi trường sống chất lượng cao cho khu vực huyện Đức Trọng và các khu vực lân cận. Góp phần phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật, phát triển nhà ở tập trung, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp cho nguồn thu ngân sách thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án theo quy định.
UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác định yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt trước khi công bố danh mục dự án.