Tin bất động sản hôm nay ngày 14/10: Hà Nội nghiên cứu tuyến metro Nội Bài - Ngọc Hồi

Agribank đấu giá khoản nợ của Địa ốc Khang Gia; Hà Nội nghiên cứu tuyến metro Nội Bài - Ngọc Hồi; Hà Nam tìm nhà đầu tư cho khu đô thị hơn 1.600 tỉ đồng; TP Đà Lạt đề xuất loạt dự án lớn cập nhật vào quy hoạch tỉnh Lâm Đồng; Nghệ An thành lập đoàn kiểm tra 142 dự án đầu tư là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 14/10.

Agribank đấu giá khoản nợ của Địa ốc Khang Gia

Ngày 19/10 tới, Công ty Đấu giá hợp danh Sao Việt sẽ tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia tại Ngân hàng Agribank - Chi nhánh 5.

Giá trị tạm tính của khoản nợ đến ngày 12/9/2022 là hơn 6,16 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc chỉ 8 triệu đồng, còn lại hơn 6,15 tỷ đồng là nợ lãi.

Giá khởi điểm đưa ra là hơn 5,548 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.    
Ảnh minh họa.    
Tài sản đảm bảo của khoản nợ gồm 9 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất tại thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An theo Hợp đồng thế chấp tài sản số: 6222-LCP-201200497 ngày 27/11/2012 do Agribank - Chi nhánh Quận 5 (nay là Agribank - Chi nhánh 5) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia ký kết.

Các khu đất này có diện tích từ 50 - 72 m2, là đất ở đô thị và có thời hạn sử dụng lâu dài. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia thành lập cách đây 17 năm, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Công ty có các chi nhánh tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM và thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Công ty được biết đến là chủ đầu tư Chung cư Khang Gia Chánh Hưng tại số 59, Đường 16, Quận 8, TP.HCM.

Hà Nội nghiên cứu tuyến metro Nội Bài - Ngọc Hồi

UBND TP. Hà Nội giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội phối hợp với đơn vị tài trợ để nghiên cứu về tuyến đường sắt đô thị số 6, kết nối Ngọc Hồi với Nội Bài.

Theo quy hoạch, tuyến đường sắt đô thị số 6 được có tổng chiều dài 43 km, từ Nội Bài đến khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, kết nối tuyến số 4 tại Cổ Nhuế và tuyến số 7 tại Dương Nội. Tuyến bao gồm 29 nhà ga và 2 Depot tại Ngọc Hồi và Kim Nỗ, đi qua các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Trì và 5 quận: Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông.

Dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Australia thông qua Ngân hàng Thế giới (WB).

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) là đơn vị đầu mối tiếp nhận tài trợ để nghiên cứu. MRB có trách nhiệm làm việc với các chuyên gia của WB xác định lại nội dung của dự án Hỗ trợ kỹ thuật.

MRB nghiên cứu, đề xuất các phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 6 để có thể huy động được các nguồn vốn tham gia đầu tư.

Trong đó có phương án nghiên cứu về TOD (phát triển định hướng giao thông): bố trí các nhà ga đường sắt đô thị kết nối với nhau và mạng lưới đường sắt đô thị kết nối với hệ thống xe buýt, các loại hình trung chuyển, với các bến xe, bãi đỗ xe, không gian ngầm đô thị để phát huy hiệu quả của toàn bộ hệ thống giao thông công cộng.

Việc này có thể thu hồi một phần vốn đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị, nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030, thủ đô sẽ có 10 tuyến metro với tổng chiều dài 417 km, trong đó đi trên cao 342 km, đi ngầm 75 km. Hiện nay, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành và vận hành thương mại sau 10 năm xây dựng.

Trong đó dự án sẽ về đích tiếp theo là Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, dự kiến khai thác đoạn trên cao cuối năm 2022, toàn tuyến năm 2027. Tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) đang đề xuất điều chỉnh ga tổng mặt bằng ga C9, cạnh Hồ Gươm.

2 tuyến đường sắt đô thị số 3 (ga Hà Nội đến Hoàng Mai) và tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Hoà Lạc) được thành phố thông qua chủ trương đầu tư. Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) đang lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật.

Thành phố cũng đã giao nhiệm vụ MRB chuẩn bị các tuyến còn lại gồm: Nam Thăng Long - Nội Bài; Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; tuyến Cổ Nhuế - Vành Đai 3 - Lĩnh Nam - Bát Tràng - Dương Xá...

Hà Nam tìm nhà đầu tư cho khu đô thị hơn 1.600 tỉ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam vừa công bố danh mục dự án sử dụng đất đối với Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới thuộc địa bàn xã Lê Hồ, xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng (KB-DT.06.22.4).

Theo đó, dự án có tổng diện tích 52,1ha, với quy mô xây dựng gồm 317 căn nhà ở. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 1.638,94 tỉ đồng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 183,111 tỉ đồng.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Việc đầu tư dự án nhằm hình thành khu đô thị mới hiện đại, với hệ thống tiện ích công cộng đô thị có hạ tầng xã hội, kỹ thuật đồng bộ.

Tiến độ thực hiện dự án là từ năm 2022 đến 2028. Thời hạn hoạt động của dự án không quá 50 năm (kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất của cấp có thẩm quyền).

Do dự án chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, nên UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu nhà đầu tư được chọn phải lập quy hoạch chi tiết và thực hiện trình tự thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định về quy hoạch, xây dựng, đô thị, nhà ở.

Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam cũng vừa công bố danh mục dự án sử dụng đất để đầu tư đối với các dự án như: Dự án Đầu tư xây dựng khu dân cư mới tại xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm với diện tích khoảng 11,4ha. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 366 tỉ đồng.

Dự án Khu nhà ở kết hợp chỉnh trang khu dân cư tổ dân phố Hoà Trung, phường Tiên Nội, thị xã Duy Tiên với diện tích đất khoảng 11,24ha; Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 327 tỉ đồng...

Đà Lạt đề xuất loạt dự án lớn cập nhật vào quy hoạch tỉnh Lâm Đồng

UBND thành phố Đà Lạt vừa phát đi Công văn số 6781/UBND-KT gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng về việc thông tin các dự án ngoài ngân sách cập nhật vào quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, sau khi rà soát, UBND thành phố Đà Lạt đã cung cấp thông tin về 16 dự án ngoài ngân sách cập nhật vào quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, quy hoạch phân khu khu đô thị Nguyễn Hoàng và hồ Vạn Kiếp, quy mô 207 ha tại phường 7 và phường 8; quy hoạch khu vực Triệu Việt Vương – An Bình – Đống Đa (khu D2) quy mô 72 ha nằm trên địa bàn phường 3; quy hoạch khu dân cư – tái định cư 5B quy mô 87,87 ha, nằm trên địa bàn phường 3 và phường 4; quy hoạch đô thị phía Đông quy mô 530 ha tại phường 9, phường 11 và phường 12.

Bên cạnh đó còn có, quy hoạch khu dân cư mới Cam Ly quy mô 49,88 ha tại phường 5; quy hoạch khu di tích cảnh quan hồ Mê Linh tại phường 9; quy hoạch xây dựng khu chức năng + tuyến đường cảnh quan sinh thái Prenn – Xuân Thọ quy mô 2.189 ha tại phường 10, phường 11 và xã Xuân Thọ; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 diện tích 625 ha tại phường 7 và phường 8; quy hoạch tại khu vực phường 11, phường 12 và xã Xuân Thọ quy mô 1.211 ha; quy hoạch phân khu dọc tuyến đường vành đai (khu vực 1) quy mô 250 ha; quy hoạch phân khu dọc tuyến đường vành đai (khu vực 2) quy mô 150 ha.

Ngoài ra còn có quy hoạch phân khu khu vực Đất Mới quy mô 126 ha tại phường 7; quy hoạch phân khu khu vực đường Đankia quy mô 145 ha; quy hoạch phân khu khu vực Cam Ly – Măng Linh quy mô 84 ha; quy hoạch phân khu khu vực quốc lộ 20 – Lâm Văn Thạnh quy mô 39,23 ha; quy hoạch phân khu khu vực Quảng Thừa quy mô 35,21 ha.

Nghệ An: Thành lập đoàn kiểm tra 142 dự án đầu tư

UBND tỉnh Nghệ An mới ban hành Quyết định số 3088/QĐ-UBND, ngày 10/10/2022 thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành và phê duyệt kế hoạch kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đợt này, Đoàn sẽ tiến hành kiểm tra 142 dự án đầu tư ngoài khu kinh tế và các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn đã được thực hiện từ năm 2020 trở về trước.

Đoàn kiểm tra liên ngành do Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An Hồ Việt Dũng làm Trưởng đoàn, cùng đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở xây dựng, Sở Tài Chính, Cục thuế...

Việc thành lập Đoàn kiểm tra nhằm thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, được thực hiện ngoài Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh này. Đồng thời kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án, đề xuất phương án giải quyết các vướng mắc, khó khăn có liên quan và tham mưu xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình kiểm tra, Đoàn có nhiệm vụ triển khai kế hoạch kiểm tra được phê duyệt, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên theo chức năng, nhiệm vụ công việc thực hiện đảm bảo kế hoạch, đạt kết quả cao; căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, Quy chế phối hợp quản lý dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 2165/QĐ-UBND ngày 25/7/2022 của UBND tỉnh Nghệ An để kiểm tra, báo cáo, tham mưu phương án xử lý đối với từng dự án theo đúng quy định.

Đoàn sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và pháp luật có liên quan, việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước của các chủ đầu tư các dự án được kiểm tra.

Thời gian kiểm tra và hoàn thành báo cáo kết quả kiểm tra, trình UBND tỉnh này xem xét phê duyệt từ ngày 10/10/2022 đến ngày 30/12/2022.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống