Tin bất động sản hôm nay ngày 12/10: Bất động sản Phát Đạt muốn tài trợ lập quy hoạch khu vực hơn 3.600 ha tại Quảng Ngãi

Bất động sản Phát Đạt muốn tài trợ lập quy hoạch khu vực hơn 3.600 ha tại Quảng Ngãi; Thanh Hóa điều chỉnh tiến độ hàng loạt cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Hà Nội sẽ xem xét thu hồi dự án cụm công nghiệp chậm triển khai 12 tháng; Bắc Giang sắp mời đầu tư 13 dự án, quy mô hơn 400ha; Đồng Nai đấu giá 6 khu đất có tổng giá trị khởi điểm gần 790 tỷ đồng; Điều chỉnh Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà và Cụm công nghiệp Phúc Thịnh tại Thanh Hóa.

Bất động sản Phát Đạt muốn tài trợ lập quy hoạch khu vực hơn 3.600 ha tại Quảng Ngãi

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi vừa phát đi Công văn số 2142/SXD-QHKT gửi UBND tỉnh về việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phân khu II thuộc khu vực dọc tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh.

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt có văn bản đề nghị tài trợ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phân khu II thuộc khu vực dọc tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh với quy mô 3.687 ha.

Việc tài trợ kinh phí là hoàn toàn tự nguyện, không kèm bất kỳ điều kiện gì và Công ty Phát Đạt không yêu cầu hoàn lại kinh phí dưới mọi hình thức.

Trên cơ sở danh mục mời gọi tài trợ lập quy hoạch phân khu cho các khu chức năng dọc đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, để có cơ sở tổ chức thực hiện, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất cho phép Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt được tài trợ kinh phí để phục vụ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phân khu II thuộc khu vực dọc tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh với quy mô 3.687 ha.

Bên cạnh đó, kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với phân khu II (phân khu trung tâm) thuộc quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh.

Trước đó, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký Quyết định số 994/QĐ-UBND phê duyệt danh mục mời gọi tài trợ kinh phí lập quy hoạch phân khu cho các khu chức năng dọc tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi mời tài trợ 7 quy hoạch phân khu quy mô 7.699ha. Trong đó, phân khu có diện tích nhỏ nhất là 587ha và phân khu có diện tích lớn nhất là 1.960ha.

Bảy phân khu này có tính chất, chức năng là khu vực du lịch - dịch vụ - đô thị và nông lâm nghiệp ven biển. Trong đó phát triển du lịch là chức năng chủ đạo, làm động lực thúc đẩy và phát triển các khu đô thị mới dọc theo tuyến ven biển, góp phần tạo động lực phát triển cho khu vực ven biển phía Nam tỉnh Quảng Ngãi.

UBND tỉnh Quảng Ngãi quy định, việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch là tự nguyện, không điều kiện, không vì lợi ích nhà tài trợ làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội cũng như tính minh bạch trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được thực hiện theo đúng quy định quy định của pháp luật; đơn vị tài trợ kinh phí lập quy hoạch không được ưu tiên trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án.

Thanh Hóa điều chỉnh tiến độ hàng loạt cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 3394/QĐ-UBND và Quyết định số 3395/QĐ-UBND điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà và Cụm công nghiệp Phúc Thịnh.

Theo đó, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hoá (Thanh Hóa) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và xây dựng 36 làm chủ đầu tư (theo Quyết định số 3287/QĐ-UBND ngày 30/8/2018 của UBND tỉnh về việc thành lập Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Phối cảnh Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà.  
Phối cảnh Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà.  

Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi khu đất 15,98ha, tháng 3/2022: Hoàn thành các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, đền bù GPMB, thuê đất giai đoạn 1; tháng 4/2022: San lấp mặt bằng và xây dựng các công trình phụ trợ; tháng 8/2022: Triển khai xây dựng các công trình chính của dự án.

Giai đoạn 2: Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi khu đất còn lại 1,66ha. Trước tháng 10/2022: Bố trí vốn nộp HĐ GPMB huyện để đền bù, GPMB phần diện tích còn lại... Từ tháng 10/2023: Nghiệm thu, hoàn thành toàn bộ dự án đi vào hoạt động.

Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) do Công ty Cổ phần 1268 làm chủ đầu tư (theo Quyết định số 1207/QĐ-UBND ngày 5/4/2019 của UBND tỉnh về việc thành lập Cụm công nghiệp Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Hoàn thành toàn bộ các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, GPMB, giao đất giai đoạn 1 dự án trước ngày 30/6/2023. Khởi công xây dựng giai đoạn 1 chậm nhất tháng 7/2023. Hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 1 (đảm bảo đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất để sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp) trước tháng 9/2024.

Giai đoạn 2: Hoàn thành công tác GPMB, giao đất giai đoạn 2 (diện tích còn lại dự án) trước ngày 31/12/2024... Hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp toàn bộ dự án (đảm bảo đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất để sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp) trước tháng 3/2025.

Hà Nội sẽ xem xét thu hồi dự án cụm công nghiệp chậm triển khai 12 tháng

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định về quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Kể từ ngày 14/10/2022, quyết định này chính thức có hiệu lực thi hành.

Quy chế quy định về lập, điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp; thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội.

Nội dung quy chế nêu rõ, về nguyên tắc phối hợp, cần thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, phân công trách nhiệm giữa các cơ quan và UBND cấp huyện để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý cụm công nghiệp theo luật định. Việc phối hợp quản lý dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, UBND cấp huyện nhằm bảo đảm sự thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi cơ quan, không cản trở công việc của mỗi cơ quan...

Điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp theo Điều 10, Nghị định 68/2017/NĐ-CP và có quy mô không quá 75 ha, không dưới 30 ha đối với cụm công nghiệp. Đối với cụm công nghiệp làng nghề, quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 15 ha.

Nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau 12 tháng kể từ ngày thành lập, mở rộng cụm công nghiệp hoặc ngừng thực hiện, chậm triển khai 12 tháng so với tiến độ tại quyết định thành lập (mà không thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ đầu tư) thì UBND TP. Hà Nội xem xét thu hồi dự án cũng như quyết định lựa chọn chủ đầu tư khác.

Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp chỉ được tiếp nhận dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp khi có đầy đủ công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề phải ưu tiên tiếp nhận theo thứ tự doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề. Trường hợp còn diện tích đất thì có thể xem xét tiếp nhận cá nhân trong làng nghề thuê để sản xuất kinh doanh.

Bắc Giang sắp mời đầu tư 13 dự án, quy mô hơn 400ha

Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn vừa ký quyết định số 3042 về việc Phê duyệt danh mục dự án khu đô thị, khu dân cư cần thu hút đầu tư trên địa bàn các huyện: Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Ngạn. Theo đó, Bắc Giang kêu gọi thu hút đầu tư cho 13 dự án, tổng quy mô 427,16ha.

Cụ thể, huyện Tân Yên có 2 dự án, quy mô 17.71ha bao gồm: Khu dân cư Đồng Điều, xã Tân Trung, huyện Tân Yên; Khu dân cư Đình Tế - Đồng Đình, thôn Ngo, xã Lam Cốt, huyện Tân Yên.

Bắc Giang sắp mời đầu tư 13 dự án, quy mô hơn 400ha (Ảnh minh họa).  
Bắc Giang sắp mời đầu tư 13 dự án, quy mô hơn 400ha (Ảnh minh họa).  

Huyện Yên Thế có 2 dự án, quy mô 14.80ha, bao gồm: Khu dân cư Trung tâm cụm xã Mỏ Trạng, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế; Khu dân cư phía Nam xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế.

Huyện Lục Nam có 3 dự án, quy mô 58.85ha, bao gồm: Khu đô thị xã Chu Điện giai đoạn 1, huyện Lục Nam; Khu dân cư số 5, xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam; Khu dân cư số 3 xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam

Huyện Yên Dũng có 4 dự án, quy mô 259.09ha, bao gồm: Khu đô thị số 15 và dải cây xanh mặt nước thuộc Quy hoạch phân khu số 2, thành phố Bắc Giang; Khu 2, thuộc Khu đô thị tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng và xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang; Khu đô thị mới sân golf núi Nham Biền tại xã Đồng Sơn và xã Tân Liễu, Tiền Phong, huyện Yên Dũng; Khu đô thị số 5, thị trấn Tân An, xã Lão Hộ, huyện Yên Dũng

Huyện Lạng Giang có 1 dự án, quy mô 5.77, đó là Khu số 3 thuộc Khu dân cư trung tâm xã An Hà, huyện Lạng Giang

Huyện Lục Ngạn có 1 dự án, quy mô 70.94, đó là Khu đô thị mới phía Nam thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn.

Đồng Nai đấu giá 6 khu đất có tổng giá trị khởi điểm gần 790 tỷ đồng

Tại cuộc họp với các sở ngành, địa phương về việc đấu giá các khu đất trong năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ hoàn thành các thủ tục để đưa ra đấu giá 6 khu đất tại bốn địa phương là TP.Biên Hòa và các huyện: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom...

Tổng giá trị khởi điểm của các khu đất này dự kiến gần 790 tỷ đồng. Trong đó có ba khu đất giá trị lớn gồm: Cụm công nghiệp Long Giao ở thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, giá khởi điểm hơn 309 tỷ đồng; Khu đất Trung tâm thương mại dịch vụ kết hợp ở tại thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom có giá khởi điểm hơn 205 tỷ đồng; Khu đất hồ sen xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, giá khởi điểm 136 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ đấu giá các khu đất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Tài chính cần phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, đưa các khu đất ra đấu giá nhằm có thêm nguồn vốn đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh. Các khu đất đấu giá phải công khai thông tin và lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực tham gia.

Được biết, UBND tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 và những năm tiếp theo với tổng diện tích 781,94 ha, thuộc 105 khu đất nằm trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh. Số tiền từ đấu giá đất ước tính theo Bảng giá đất Đồng Nai giai đoạn 2020-2024 là hơn 12.900 tỷ đồng, sẽ được tỉnh đầu tư phát triển các công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật.

Trong đó, có 40 khu đất có giá trị từ 20 tỷ đồng/khu trở lên và 65 khu đất có giá trị dưới 20 tỷ đồng/khu. Với những khu đất giá trị lớn sẽ giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh hoàn thiện hồ sơ và tổ chức đấu giá, còn những khu đất diện tích nhỏ, giá trị dưới 20 tỷ đồng/khu sẽ giao về cho Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện, thành phố tổ chức đấu giá.

Riêng năm 2022, địa phương dự kiến đưa ra đấu giá 15 khu đất có lợi thế tại TP.Biên Hòa và huyện Cẩm Mỹ, Long Thành, Thống Nhất, Trảng Bom, diện tích gần 160 ha, giá ước tính hơn 2.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc về hồ sơ thủ tục, quy hoạch, giá bồi thường cây trồng… nên từ đầu năm đến nay vẫn chưa đấu giá được khu đất nào.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống