Tin bất động sản hôm nay ngày 13/10: Thống nhất chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị nghìn tỷ tại Hà Tĩnh

Thống nhất chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị nghìn tỷ tại Hà Tĩnh; Căn hộ Hà Nội dự báo tiếp tục tăng giá; Giá bán nhà ở xã hội tại Bình Định; Chậm bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại Bình Định; Nghiên cứu dự án Tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 13/10.

Thống nhất chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị nghìn tỷ tại Hà Tĩnh

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị tại xã Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

Trước đó, theo đề nghị của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh này, đề xuất dự án Khu đô thị tại xã Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà có tổng diện tích 297.921m2, sẽ xây dựng nhà ở thương mại và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân đầu tư xây dựng nhà ở theo quy hoạch; xây dựng và kinh doanh nhà ở xã hội thấp tầng và cao tầng.

Theo đó, Dự án sẽ có 99 căn nhà ở thương mại liền kề xây thô hoàn thiện mặt ngoài bám các tuyến đường quy hoạch 35m, 93 căn liền kề bám đường quy hoạch 16m, 75 căn khu liền kề bám đường quy hoạch 26m. Số căn xây thô là 267 căn trên tổng số 607 lô đất của toàn bộ dự án.

Dự án được triển khai tại xãã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh và thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà.

Với phạm vi ranh giới dự án khu đô thị gồm phía Bắc giáp đê Đồng Môn, phía Nam giáp Quốc lộ 1 (Cầu Cày) và khu dân cư thôn Liên Phú, phía Đông giáp đất nông nghiệp và khu dân cư thôn Liên Phú, xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh và phía Tây giáp Sông Cày, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà.

Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.958 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất.

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, Dự án sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Sở Xây dựng Hà Tĩnh là cơ quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh giao UBND tỉnh triển khai dự án đảm bảo các quy định hiện hành; đảm bảo chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thương mại - dịch vụ, môi trường, sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Căn hộ Hà Nội dự báo tiếp tục tăng giá

Thống kê của CBRE cũng cho thấy, giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp trong quý 3 được ghi nhận trung bình ở mức 1.896 USD/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), cao hơn 23% so với mức giá trung bình của các dự án mở bán cùng kỳ năm trước, chủ yếu do phân khúc cao cấp chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng nguồn cung đang chào bán trên thị trường.

Theo CBRE, trong hơn hai năm trở lại đây, với việc nguồn cung mới hàng năm ở ngưỡng vừa phải, các khu vực khác nhau tại thành phố lần lượt nâng cấp định vị và tăng giá, tiêu biểu như khu vực quận Từ Liêm, hay huyện Gia Lâm nơi tập trung các khu đô thị lớn, mức giá sơ cấp trung bình hiện tại cao hơn 62-82% so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Căn hộ tại Hà Nội được dự báo tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.  
Căn hộ tại Hà Nội được dự báo tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.  

Giá bán thứ cấp trung bình toàn thị trường ghi nhận ở mức 1.341 USD/m2, cao hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các quận trung tâm như Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, ghi nhận mức tăng 8-16% theo năm.

Đây là quý thứ ba liên tiếp thị trường thứ cấp ghi nhận mức tăng giá theo năm từ 9% trở lên - cao hơn giai đoạn trước, khi các biến động giá thường chỉ ở ngưỡng 2-4% theo năm.

Về giá bán, giá bán sơ cấp trung bình tại Hà Nội được dự báo sẽ tiếp tục đạt tỷ lệ tăng trưởng kép trung bình hàng năm (CAGR) từ 8-10% tới năm 2024.

Đối với phân khúc nhà ở gắn liền với đất, trong quý 3.2022 có 4.918 căn từ 10 dự án được ghi nhận mở bán mới, chủ yếu đến từ dự án Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire. Các sản phẩm mở bán mới trong quý này phần lớn thuộc các dự án có định vị cao cấp và được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, do đó có mức giá trung bình tương đối cao, rơi vào khoảng 8.462 USD/m2 đất, tương đương mức tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán thứ cấp quý 3.2022 tiếp tục đà tăng, với mức tăng từ 18-25% so với cùng kỳ năm trước, tùy thuộc vào loại hình và khu vực.

Dự kiến trong năm 2022, tổng nguồn cung nhà ở gắn liền với đất mở bán mới đạt khoảng 11.000 căn, cao gấp hai đến ba lần mức mở bán mới trong giai đoạn từ 2017 đến 2021.

Đáng chú ý, sau hai quý ghi nhận nguồn cung đáng kể từ dự án Vinhomes Ocean Park 2, thị trường quý 4 sẽ tiếp tục đón nhận nguồn cung mới từ dự án Vinhomes Ocean Park 3 – The Crown Đại An thuộc tỉnh Hưng Yên giáp Hà Nội về phía tây nam cũng được phát triển bởi Vinhomes.

Tuy nhiên, CBRE cho rằng thách thức về kinh tế vĩ mô hiện tại bao gồm các điều kiện vay chặt hơn và lãi suất cao sẽ gia tăng áp lực lên nguồn cung mới trong thời gian tới, đặc biệt khi giá bất động sản đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng cao trong vài năm trở lại đây.

Giá bán nhà ở xã hội tại Bình Định đang dao động ở mức nào?

UBND tỉnh Bình Định cho biết, nhà ở xã hội đã được nhà nước miễn tiền sử dụng đất và mức giá bán được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư theo quy định.

Hiện trên địa bàn thành phố Quy Nhơn có 2 dự án đang thực hiện mở bán. Theo đó, dự án nhà ở xã hội Nhơn Bình (Ecohome) với mức giá bình quân 1m2 sử dụng căn hộ nhà ở xã hội khoảng 12 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó còn có dự án khu chung cư nhà ở xã hội An Phú Thịnh với giá bán bình quân 1m2 sử dụng căn hộ nhà ở xã hội khoảng 13,4 triệu đồng/m2.

Với diện tích căn hộ hai phòng ngủ, diện tích khoảng 55 m2 thì chi phí cho 1 căn hộ dao động khoảng từ 700 – 800 triệu đồng/1 căn, chất lượng căn hộ không thua kém nhà ở thương mại tầm trung, đảm bảo cho 1 hộ gia đình 4 nhân khẩu ổn định sinh sống.

UBND tỉnh Bình Định nhận định, với mức giá này so với các địa phương khác thì không cao nhưng so với mức thu nhập của người dân Bình Đình thì vẫn còn khá cao.

UBND tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng thiết kế tính toán chi tiết, quy mô phù hợp với những dự án nhà ở xã hội sắp tới, xa các khu trung tâm, có địa chất nền tốt để giá căn hộ khoảng 500 – 600 triệu đồng/căn.

Cũng theo UBND tỉnh Bình Định, hiện nay Sở Xây dựng tỉnh đang thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với 2 dự án nhà ở xã hội dọc tuyến quốc lộ 1D thuộc địa bàn phường Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn, với giá bán bình quân không quá 600 triệu đồng/1 căn.

Bình Định: Chậm bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương như huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân còn rất chậm, dù tỉnh Bình Định nhiều lần nhắc nhở, đôn đốc.

Ngày 12-10, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã có ý kiến kết luận về kiểm tra tình hình triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Dự án đi qua 5 huyện, thị xã của tỉnh Bình Định và phấn đấu bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo bàn giao 70% mặt bằng và 100% mặt bằng sạch đối với đất nông nghiệp để phục vụ dự án trước ngày 20-11-2022.

Tuy nhiên, hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương như huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân còn rất chậm, dù tỉnh nhiều lần nhắc nhở, đôn đốc. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các huyện tập trung bố trí nhân lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Bình Định dài 118,8km, có 3 dự án thành phần, gồm: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh. Ước tính tổng diện tích đất cần thu hồi để thực hiện dự án là 1.674ha, gồm: 437ha đất lúa, 679ha đất rừng sản xuất, 32ha đất rừng phòng hộ.

Nghiên cứu dự án Tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi

UBND thành phố Hà Nội vừa giao các sở, ngành liên quan và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội triển khai nghiên cứu dự án Tuyến đường sắt đô thị số 6 sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Australia thông qua Ngân hàng Thế giới (WB).

Cụ thể, UBND thành phố giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là đơn vị đầu mối để tiếp nhận tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia tài trợ thông qua WB để nghiên cứu về Tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội có trách nhiệm làm việc với các chuyên gia của WB xác định lại nội dung của dự án Hỗ trợ kỹ thuật để lựa chọn các công việc phù hợp bảo đảm hiệu quả, tuân thủ các quy định của Việt Nam và kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng lâu dài (phục vụ cho việc chuẩn bị dự án ở các giai đoạn tiếp theo).

Đồng thời, trong nội dung nghiên cứu cần đề xuất các hình thức đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi để có thể huy động được các nguồn vốn tham gia đầu tư, trong đó, nghiên cứu áp dụng mô hình TOD (phát triển định hướng giao thông) để khai thác các không gian ngầm tại các ga đường sắt đô thị, các khu đất lân cận của tuyến đường (đặc biệt là điểm đầu và điểm cuối) để có thể thu hồi một phần vốn đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị, nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Phối hợp với nhà tài trợ lập Văn kiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại để trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, quy định về quản lý sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và quy định của nhà tài trợ.

Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại vụ, Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn để Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ theo đúng quy định.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống