Tin bất động sản hôm nay ngày 9/10: Quảng Trị xem xét thu đất của 2 dự án treo
Quảng Trị xem xét thu đất của 2 dự án treo; Rà soát các trường hợp hiến đất làm đường ở Nha Trang; Lâm Đồng yêu cầu Highland Resort nộp 6 tỷ đồng tiền sử dụng đất; Hà nội chấn chỉnh công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất; Đồng Nai sẽ đấu giá 4 khu đất dự kiến thu về 4.350 tỉ đồng là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 9/10.
Quảng Trị xem xét thu đất của 2 dự án treo
UBND tỉnh Quảng Trị đang xem xét việc thu hồi đất đối với dự án Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Đông Hà và dự án Xây dựng, kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp tại tỉnh này.
Cụ thể, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh này đang xem xét đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thu hồi đất đối với dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Đông Hà (Công ty cổ phần đầu tư xây lắp và thương mại Minh Lộc làm chủ đầu tư) và dự án Xây dựng, phát triển và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Đông Gio Linh (Công ty TNHH MTV Hoàng Khang Quảng Trị làm chủ đầu tư).
Lý do mà 2 dự án trên bị đề xuất thu hồi đất với tổng diện tích gần 60 ha đã được tỉnh này cấp nhiều năm nhưng chậm triển khai, gây nhiều hệ luỵ và dư luận không đồng tình.
Đối với dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Đông Hà của Công ty cổ phần đầu tư xây lắp và thương mại Minh Lộc có tổng vốn đầu tư 940 tỷ đồng. Năm 2009 chủ đầu tư được UBND tỉnh Quảng Trị cấp 91.960 m2 đất ở thành phố Đông Hà để thực hiện dự án. Đến nay, Công ty cổ phần đầu tư Xây lắp và Thương mại Minh Lộc chưa xây dựng hoàn thành các hạng mục của dự án theo tiến độ đã được duyệt.
Việc sử dụng đất đến nay đã chậm quá 24 tháng liên tục nhưng không có văn bản xin gia hạn sử dụng đất.
Dự án này đã bị Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị chấm dứt hoạt động vào tháng 4/2020 do chủ đầu tư không thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký.
Đối với dự án xây dựng, phát triển và kinh doanh hạ tầng Cụm Công nghiệp Đông Gio Linh có tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Hoàng Khang Quảng Trị làm chủ đầu tư.
Dự án này vào năm 2013, Công ty TNHH MTV Hoàng Khang Quảng Trị được UBND tỉnh giao đất thực địa với diện tích 504.426 m2 ở xã Gio Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) để thực hiện dự án.
Việc sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Hoàng Khang Quảng Trị đến nay được xác định là chậm tiến độ. Công ty này đã có văn bản xin gia hạn sử dụng đất và giãn tiến độ. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa hoàn thành các hạng mục của dự án theo yêu cầu giãn tiến độ của UBND tỉnh Quảng Trị.
Dự án này cũng được Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị gửi tờ trình cho UBND tỉnh này từ tháng 12/2021, đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất đã cho Công ty TNHH MTV Hoàng Khang Quảng Trị thuê để thực hiện dự án trên. Nhưng đến nay UBND tỉnh vẫn chưa ban hành quyết định thu hồi.
Rà soát các trường hợp hiến đất làm đường ở Nha Trang
UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các xã, phường rà soát tất cả các trường hợp đã thực hiện việc hiến đất làm đường từ ngày 1-4-2014 đến nay.
Ngày 8-10, một lãnh đạo UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) xác nhận UBND TP đã có công văn yêu cầu các xã, phường rà soát tất cả các trường hợp thực hiện việc hiến đất làm đường từ ngày 1-4-2014 đến nay. Chính quyền các địa phương lập biên bản thống kê, báo cáo UBND TP trước ngày 15-11.
UBND TP Nha Trang cũng yêu cầu các xã, phường tăng cường công tác quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, khoáng sản.
UBND TP Nha Trang cũng yêu cầu các xã phường tiếp tục rà soát các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, đất đai, khoảng sản, các khu vực tự phân lô bán nền trái pháp luật trên địa bàn từ ngày 28/4 trở về trước nhưng chưa kịp xử lý; lập hồ sơ xử lý, báo cáo UBND TP trước ngày 30/1/2023.
UBND TP Nha Trang sẽ xử lý trách nhiệm các xã, phường, các cá nhân liên quan nếu sau thời hạn 30-1-2023 UBND TP, các phòng chuyên môn hoặc các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra thực địa, phát hiện các trường hợp vi phạm nhưng chưa xử lý.
Ngoài ra, các địa phương triển khai kế hoạch cưỡng chế khắc phục hậu quả các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đất đai đã được phê duyệt (nếu có), báo cáo về UBND TP Nha Trang trước ngày 30-11.
UBND TP Nha Trang lưu ý các trường hợp cưỡng chế công trình xây dựng trên đất nông nghiệp phải tháo dỡ hết phần móng theo đúng chỉ đạo của UBND TP về xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, lấp ao hồ, sông suối để phân lô bán nền, xây dựng trên đất nông nghiệp.
Lâm Đồng yêu cầu Highland Resort nộp 6 tỷ đồng tiền sử dụng đất
Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Công ty Cổ phần Thiên Nhân đề nghị công ty này hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với dự án Khu nghỉ dưỡng Highland Resort.
Theo đó, Công ty Cổ phần Thiên Nhân được UBND tỉnh chấp thuận gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng tại dự án Khu nghỉ dưỡng Highland Resort theo văn bản số 5132/UBND-ĐC ngày 13/7/2022. Cục thuế tỉnh Lâm Đồng cũng đã thông báo số tiền công ty phải nộp khi được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng là hơn 6,4 tỷ đồng.
Sở cho biết theo báo cáo của công ty và các chứng từ kèm theo, công ty đã nộp 400 triệu đồng đối với nghĩa vụ tài chính nêu trên. Công ty vẫn chưa nộp hơn 6 tỷ đồng còn lại vào ngân sách nhà nước.
Cục thuế yêu cầu DN hoàn tất các nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước; gửi báo cáo và tài liệu chứng minh về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 12/10/2022 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cũng cho hay dự án Khu nghỉ dưỡng Highland Resort thuộc danh mục các dự án Thanh tra Chính phủ yêu cầu rà soát tiến độ thực hiện theo Kết luận số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 và được UBND tỉnh chấp thuận tiếp tục thực hiện tại văn bản số 2683/UBND-VX2 ngày 21/4/2022, chấp thuận gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng đến tháng 7/2024.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản đôn đốc công ty thực hiện các thủ tục đầu tư. Tuy nhiên đến nay, công ty triển khai rất chậm các thủ tục đầu tư tiếp theo sau khi được chấp thuận gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng.
Để đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng thời hạn đưa đất vào sử dụng, Sở đề nghị Công ty Cổ phần Thiên Nhân khẩn trương hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, tập trung đẩy nhanh công tác thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 2683/UBND-VX2 ngày 21/4/2022 và văn bản số 5132/UBND-ĐC ngày 13/7/2022.
Theo tìm hiểu, dự án Khu nghỉ dưỡng Highland Resort rộng 30ha. Liên quan đến dự án này, hồi đầu tháng 2/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo cho biết, từ khi được thuê đất, thuê rừng thực hiện dự án, Công ty cổ phần Thiên Nhân đã vi phạm liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Thiên Nhân để xảy ra phá rừng trái pháp luật gây thiệt hại 300 m2 rừng trồng và 500 m2 rừng thông tái sinh xen cây dẻ tạp thuộc đối tượng rừng phòng hộ; thiệt hại 2,81 m3 gỗ tròn thông 3 lá.
Công ty cổ phần Thiên Nhân còn tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép với diện tích 700 m2.
Các vụ vi phạm trên đã được ban quản lý Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm lập biên bản; Hạt kiểm lâm Đà Lạt xác minh; UBND TP. Đà Lạt ban hành Quyết định số 723/QĐ-UBND ngày 11/3/2019 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Hà Nội chấn chỉnh công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3195/UBND-TNMT về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó, yêu cầu các đơn vị chuyên môn tiếp tục chấn chỉnh công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ TN&MT, UBND TP Hà Nội giao Sở TN&MT Hà Nội chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, tổ chức thực hiện các nội dung: Tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và thực hiện cung cấp dịch vụ công về đất đai; cải cách thủ tục hành chính công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thực hiện điều tra, đánh giá đất đai; thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý, sử dụng đất.
Chấn chỉnh công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận; rà soát, thống kê đầy đủ các trường hợp còn tồn đọng chưa đăng ký đất đai, chưa cấp giấy chứng nhận, làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp cụ thể giải quyết dứt điểm trường hợp tồn đọng; làm rõ trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với cán bộ, người có trách nhiệm nếu chậm giải quyết hồ sơ đã tiếp nhận... Tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối… để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định.
Cùng với đó, thanh tra, kiểm tra, rà soát những dự án có sử dụng đất, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; dự án chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở.
Chấn chỉnh, tổ chức sắp xếp, bố trí hợp lý công tác tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; không để tình trạng quá tải, kéo dài thời gian tiếp nhận, giải quyết hồ sơ làm phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, gây bức xúc trong Nhân dân; rà soát, tham mưu sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục không hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch đất đai. Rà soát, tham mưu sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục không hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch về đất đai.
TP Hà Nội cũng yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện đối với diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý còn khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tổng hợp đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định.
Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế TP tham mưu UBND TP Hà Nội bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và vận hành hệ thống thông tin đất đai. Trước mắt, ưu tiên bố trí cho hoạt động quản lý, xây dựng, nâng cấp, duy trì, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai.
Đồng Nai sẽ đấu giá 4 khu đất dự kiến thu về 4.350 tỉ đồng
Theo Báo Đồng Nai, HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết về việc cho ý kiến Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông trên địa bàn huyện.Cẩm Mỹ để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo đó, 4 khu đất có vị trí gần đường giao thông tại thị trấn Long Giao và xã Xuân Đường với tổng diện tích hơn 208ha sẽ được tổ chức đấu giá, số tiền thu về dự kiến hơn 4.350 tỉ đồng.
Trong 4 khu đất, có 3 khu có vị trí giáp dự án đường Vành đai Long Giao ở thị trấn Long Giao, khu lớn nhất có diện tích 136ha, hai khu còn lại lần lượt là 40ha và 9ha.
Một khu đất phụ cận dự án đường N1 thuộc xã Xuân Đường có diện tích 24ha.
Những khu đất trên sẽ được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và cá nhân, đơn vị trúng đấu giá khu đất sẽ thực hiện theo đúng quy hoạch. Dự kiến chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các khu đất vùng phụ cận là hơn 201 tỉ đồng.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết địa phương này sẽ đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 và các năm tiếp theo với tổng diện tích hơn 780ha, thuộc 105 thửa đất tại các huyện, thành phố.
Số tiền từ đấu giá đất ước tính theo Bảng giá đất Đồng Nai giai đoạn 2020-2024 là hơn 12.900 tỉ đồng sẽ được tỉnh đầu tư phát triển các công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 40 khu đất có giá trị từ 20 tỷ đồng/khu trở lên và 65 khu đất có giá trị dưới 20 tỷ đồng/khu.
Với những khu đất có giá trị từ 20 tỉ đồng trở lên sẽ giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh hoàn thiện hồ sơ và tổ chức đấu giá, còn những khu đất diện tích nhỏ, giá trị dưới 20 tỷ đồng/khu sẽ giao về cho Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện, thành phố tổ chức đấu giá.
Riêng trong năm 2022, Đồng Nai dự tính sẽ đưa ra đấu giá khoảng 15 khu đất có diện tích gần 160ha, giá ước tính hơn 2.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, một số khu đất đưa ra đấu giá trong năm nay có nhiều lợi thế nên rất được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chú ý, khả năng sẽ thu về số tiền nhiều hơn so với giá khởi điểm. Trong 2 năm gần đây, một số khu đất lợi thế của Đồng Nai đưa ra đấu giá đã thu về trên 50 tỉ đồng/ha.