Tin bất động sản hôm nay ngày 5/12: Khánh Hòa lên kế hoạch đấu giá hàng loạt lô đất “khủng”

Khánh Hòa lên kế hoạch đấu giá hàng loạt lô đất “khủng”; Lâm Đồng bổ sung nhiều khu dân cư, khu du lịch vào quy hoạch vùng huyện Đam Rông; Nhiều dự án tại Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm chậm tiến độ, hiệu quả đầu tư còn hạn chế; TP.HCM muốn thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên; Bình Định tìm nhà đầu tư cho Dự án khu đô thị và du lịch An Quang là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 5/12.

Khánh Hòa lên kế hoạch đấu giá hàng loạt lô đất “khủng”

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà vừa ký văn bản về việc phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Cụ thể, 40 lô đất (diện tích 6.493.2m2) tại khu quy hoạch phân lô chi tiết khép kín khu dân cư tổ dân phố Thanh Châu 2, phường Ninh Giang và 6 lô đất (diện tích 1.049,8m2) tại khu dân cư tổ dân phố Phú Thọ 2, phường Ninh Diêm cùng thuộc thị xã Ninh Hòa sẽ được tiến hành tổ chức đấu giá trong thời gian tới.

Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Tài Nguyên và Môi Trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND TP Nha Trang và đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với 3 khu đất (gồm 2 khu đất tại tổ 15 Đường Đệ, phường Vĩnh Hòa và 1 khu đất tại tổ 35 Sơn Hải, đường Nguyễn Đình Chiểu) cùng thuộc TP Nha Trang theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, trong văn bản báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa về kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2022, Sở TN&MT cho biết, cuối tháng 10/2022, Sở có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát quỹ đất đang quản lý, đề xuất việc triển khai thực hiện ngay đối với những khu vực đã đủ điều kiện thực hiện đấu giá và lộ trình thực hiện.

Lâm Đồng: Bổ sung nhiều khu dân cư, khu du lịch vào quy hoạch vùng huyện Đam Rông

UBND huyện Đam Rông vừa có báo cáo gửi HĐND huyện Đam Rông về việc điều chỉnh, bổ sung nội dung Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040.

Nội dung báo cáo nêu rõ, quy hoạch vùng huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040 bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Đam Rông. UBND huyện Đam Rông bổ sung thêm các điểm du lịch và khu dân cư sau nhằm mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng tỷ trọng ngành du lịch, phát huy tiềm năng của tuyến cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột. Cụ thể, các điểm du lịch và khu dân cư được bổ sung gồm:

Khu du lịch sinh thái cảnh quan sông Krông Nô và thể thao dưới nước quy mô 230 ha tại xã Đạ Rsal;

Khu đô thị hỗn hợp diện tích 278,14 ha tại xã Đạ R’sal;

Khu du lịch sinh thái và làng đô thị xanh hồ Đạ Chao (xã Đạ R’sal) quy mô 169,2 ha;

Khu đô thị mở rộng phía Đông Bằng Lăng quy mô diện tích 350 ha.

Khu đô thị đa chức năng quy mô 1.186 ha (trong đó có bố trí khu du lịch sinh thái rừng 295,6 ha), tại xã Phi Liêng;

Quy hoạch điểm dân cư thôn Lăng Tô quy mô diện tích36,2 ha tại xã Đạ K’Nàng.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Mặt khác, UBND huyện Đam Rông cũng đã cập nhật trục kết nối vùng huyện Đam Rông với cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột (CT.26) với 3 điểm nút. Trong đó, nút giao cao tốc 1 là nút giao giữa đường cao tốc CT.26 với đường kết nối khu đô thị đa chức năng tại xã Phi Liêng, cách QL27 khoảng 3km về phía Đông.

Nút giao cao tốc 2 là nút giao giữa đường cao tốc CT.26 với tỉnh lộ 724 giáp phía Đông đô thị Bằng Lăng đi đường tỉnh 722 và 3 xã Đầm Ròn (Đạ M’Rông, Đạ Long, Đạ Tông) cách QL27 tại Liên Hung 2,5km.

Nút giao cao tốc 3 là nút giao giữa đường cao tốc CT.26 đường nối với tỉnh lộ 722 phía Bắc xã Đạ Rsal, điểm giao cắt tại phía Đông đô thị Đạ Rsal trên trục đường ĐH44 (nâng cấp thành đường tỉnh 722) đi QL27 và đi 3 xã Đầm Ròn (Đạ M’Rông, Đạ Long, Đạ Tông) theo đường tỉnh 722 nối với đường Trường Sơn Đông đi tp. Đà Lạt, cách cầu Krông Nô 2,2km.

Nhiều dự án tại Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm chậm tiến độ, hiệu quả đầu tư còn hạn chế

Theo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm được triển khai từ năm 2004, tổng diện tích gần 3.000ha, trong đó có 10% là diện tích mặt nước.

Theo Thanh tra Chính phủ, đến nay các hạng mục đầu tư xây dựng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu phát triển hạ tầng trong Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm.

Bên cạnh đó, các tuyến nhánh đường giao thông chỉ từng bước phục vụ nhu cầu vận chuyển đầu tư xây dựng các dự án, hệ thống giao thông nội bộ chưa kết nối hoàn chỉnh khép kín. Các hệ thống thu gom nước thải, điện chiếu sáng, hạ tầng một số khu tái định cư chưa hoàn thành theo tiến độ gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Nguồn vốn bố trí công trình hạ tầng kĩ thuật, công trình phụ trợ vẫn chưa kịp thời, đầy đủ.

Kết luận thanh tra cũng cho biết, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm hồ Tuyền Lâm vẫn chưa được thực hiện dứt điểm. Cụ thể, đã chi trả cho 714/750 hộ dân, còn 36 hộ chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ. Đồng thời, đã tiếp nhận 707/750 mặt bằng, còn 43 hộ dân chưa bàn giao.

Hiện nay trong lòng hồ Tuyền Lâm vẫn còn tình trạng người dân làm bè, lán trại đánh bắt cá gây mất cảnh quan và nguồn nước có dấu hiệu bị ô nhiễm ở một số khu vực,...

Về các dự án đầu tư ngoài ngân sách đều triển khai, hoàn thành chậm tiến độ, hiệu quả đầu tư hạn chế.

Hiện tại, khu du lịch có 39 dự án đầu tư nhưng chỉ mới có 5 dự án hoàn thành và hoạt động, 7 dự án hoàn thành một phần; 14 dự án tiếp tục thực hiện sau khi được gia hạn thời gian thực hiện; 6 dự án không có động thái tiếp tục đầu tư thực hiện sau khi được gia hạn thời gian hoặc có động thái triển khai nhưng không đáng kể.

Từ thực tiễn nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, chấm dứt tình trạng người dân làm bè, đánh bắt cá trong lòng hồ và khắc phục những ô nhiễm nguồn nước.

TP.HCM muốn thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên

UBND TP.HCM vừa có tờ trình Chính phủ việc xây dựng nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố. Nghị quyết này thay thế cho Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết 54).

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, TP.HCM đã đạt được một số kết quả nhưng cơ bản vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, nhất là cơ chế chính sách để Thành phố có thể huy động nguồn lực trong khi dư địa còn rất lớn. 

Trên cơ sở ý kiến của nhiều tổ chức, bộ ngành, chuyên gia và các cơ quan liên quan, UBND TP.HCM đề xuất các nội dung kiến nghị đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

TP.HCM muốn thí điểm thu thuế bất động sản thứ hai trở lên để hạn chế tình trạng đầu cơ.  
TP.HCM muốn thí điểm thu thuế bất động sản thứ hai trở lên để hạn chế tình trạng đầu cơ.  

Về quản lý đầu tư, TP.HCM muốn có chính sách để tháo “điểm nghẽn” liên quan đến quy trình thủ tục đầu tư; cơ chế giao – cho thuê đất; lựa chọn nhà đầu tư với các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ.

Một nội dung quan trọng nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách, tăng tính tự chủ cho TP.HCM trong việc phân bổ nguồn thu ngân sách địa phương cũng được kiến nghị là vấn đề tài chính ngân sách.

Cụ thể, TP.HCM kiến nghị được quyền quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên của người dân.

Theo UBND TP.HCM, mục đích của quy định này là thí điểm chính sách về thuế bất động sản, làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung về sau. Đồng thời, tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ, bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Năm 2022, theo quyết định của Quốc hội, TP.HCM được hưởng ngân sách theo tỷ lệ điều tiết là 21%. Thành phố đề nghị giữ nguyên tỷ lệ này đến hết năm 2025, đồng thời không tính vào mức điều tiết các khoản thu từ thuế và phí áp dụng thí điểm như thuế bất động sản thứ hai hoặc các loại phí, mức phí mới.

Theo UBND TP.HCM, quy định nói trên phù hợp với thông lệ quốc tế khi “thuế bất động sản chỉ dùng để đầu tư nâng cao phúc lợi người dân tại chính địa phương nơi phát sinh nguồn thu thuế”.

Bình Định tìm nhà đầu tư cho Dự án khu đô thị và du lịch An Quang

UBND tỉnh Bình Định vừa có Quyết định số 3794/QĐ-UBND phê duyệt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị và du lịch An Quang, tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát…

Dự án có tổng diện tích 89,2 ha, gồm 2 tiểu khu: tiểu khu đô thị diện tích 48,5ha và tiểu khu dịch vụ du lịch diện tích 40,69ha, tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 5.228 tỷ đồng. Tiến độ hoàn thành dự án không quá 6 năm kể từ ngày hợp đồng thực hiện dự án có hiệu lực hoặc được công nhận chủ đầu tư dự án. Thời gian hoạt động của dự án 50 năm.

Mục tiêu đầu tư nhằm xây dựng mới Khu đô thị và du lịch An Quang, hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho khu đô thị hiện đại về không gian, kiến trúc, cảnh quan; hình thành các công trình thương mại dịch vụ, du lịch, khách sạn nhà hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm, nghỉ ngơi, giải trí của người dân với kiến trúc và kỹ thuật theo quy hoạch được phê duyệt và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - hội hiện nay và trong tương lai.

Đồng thời khai thác triệt để quỹ đất cho khu đô thị đáp ứng nhu cầu về mua sắm tiêu dùng, giải trí và định cư của người dân khu vực phía Đông Bắc huyện Phù Cát và các vùng phụ cận, tạo điều kiện cho người dân mua, thuê, thuê mua bất động sản để ở, nghỉ dưỡng trong khu vục văn minh, hiện đại, đồng bộ về hạ tầng, cảnh quan, sanh sạch đẹp và tiện ích, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực thực hiện dự án.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống