Tin bất động sản hôm nay ngày 1/12: Bộ Tài nguyên và Môi trường phản hồi về đề xuất nâng tiền đặt cọc đấu giá đất lên 30 – 35%

Bộ Tài nguyên và Môi trường phản hồi về đề xuất nâng tiền đặt cọc đấu giá đất lên 30 – 35%; TP.HCM xin thí điểm thu hồi loại đất nào thì bồi thường loại đất đó; Quảng Bình tìm cách tháo gỡ “điểm nghẽn” cho 18 dự án bất động sản; Gần 8.500 tỷ đồng bồi thường cho Vành đai 3 đoạn đi qua TP Thủ Đức; Dự án KDC Nam Hùng Vương tại Quảng Ngãi về tay công ty Quốc Thắng là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 1/12.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phản hồi về đề xuất nâng tiền đặt cọc đấu giá đất lên 30 – 35%

Theo cử tri tỉnh Nghệ An, hiện nay, việc đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng nâng giá, dìm giá, bỏ cọc. Cử tri kiến nghị Chính phủ sửa đổi, hoàn thiện các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất như quy định về giá khởi điểm, chế tài đối với việc không thực hiện thanh toán tiền trúng đấu giá, đặc biệt là nâng mức tiền đặt cọc đấu giá đất lên khoảng 30 – 35% giá khởi điểm, quy định thời gian tối thiểu mới được chuyển nhượng, tách thửa để ổn định thị trường quyền sử dụng đất ở, hạn chế tình trạng nhà đầu tư lướt sóng thao túng thị trường, người dân có nhu cầu lại không mua được.

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, Luật Đấu giá tài sản quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước với mức từ 5% đến 20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Mức cụ thể do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận, quyết định. Tiền đặt trước sau khi trúng đấu giá được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua thực tiễn triển khai với nhiều loại tài sản được đưa ra bán đấu giá, giá trị tài sản khác nhau (hiện nay có hơn 20 loại tài sản được đưa ra bán đấu giá) đã cho thấy mức tiền đặt trước tối đa mà Luật Đấu giá tài sản quy định là phù hợp, tạo điều kiện thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá.

Trường hợp nâng mức tiền đặt trước lên quá cao có thể sẽ có ít tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu các phản ánh, kiến nghị của cử tri liên quan đến các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá, trong đó có nội dung về tỷ lệ tiền đặt trước trong quá trình đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đang hoàn thiện trình Chính phủ ban hành và sẽ nghiên cứu để thể chế trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Đất đai sửa đổi.

TP.HCM xin thí điểm thu hồi loại đất nào thì bồi thường loại đất đó

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM vừa trình UBND Thành phố một số kiến nghị trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Đối với lĩnh vực đất đai, Sở TN&MT Thành phố kiến nghị 11 nội dung, gồm: Cho phép TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn; tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập với các dự án nhóm B;

Cho phép các tổ chức sử dụng đất được thế chấp, cho thuê và chuyển nhượng “quyền thuê đất” đóng tiền hàng năm không có nguồn gốc đất công; phân cấp việc xác định giá đất để bồi thường cho UBND cấp huyện thực hiện;

Cho phép Trung tâm phát triển quỹ đất cho thuê ngắn hạn những khu đất đang quản lý và phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu này cho đơn vị; TP.HCM được gia hạn sử dụng đất đối với một số trường hợp cụ thể;

Cho phép TP.HCM thí điểm bổ sung hình thức “sử dụng đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại” vào các quy định của Luật Nhà ở, Luật Đầu tư và Luật số 3/2022/QH15…

Nhiều nội dung kiến nghị thí điểm liên quan đến  lĩnh vực đất đai và môi trường được Sở TN&MT trình UBND TP.HCM.  
Nhiều nội dung kiến nghị thí điểm liên quan đến  lĩnh vực đất đai và môi trường được Sở TN&MT trình UBND TP.HCM.  

Một trong những nội dung kiến nghị thí điểm chú ý là cho phép TP.HCM áp dụng bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng đối với loại đất thu hồi.

Nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỷ lệ phần trăm. Giao UBND TP.HCM tổng kết thực tiễn và quyết định tỷ lệ phần trăm này sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Quảng Bình tìm cách tháo gỡ “điểm nghẽn” cho 18 dự án bất động sản

Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết qua rà soát, có 23 dự án khu đô thị trên địa bàn tỉnh do Sở tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình lựa chọn nhà đầu tư. Trong số đó, hiện có 18 dự án quy mô dưới 20ha, không thuộc đối tượng dự án đầu tư xây dựng khu đô thị theo quy định tại Nghị định 15.

Quảng Bình có 18 dự án dưới 20ha đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đã chưa thể tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư do không thuộc danh mục dự án thu hồi đất theo quy định tại Nghị định 15 và Luật Đất đai 2013.

Thời điểm tháng 10/2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, xử lý vướng mắc liên quan đến việc thu hồi đất tại các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô dưới 20ha nhằm phù hợp với Luật Đất đai.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, rà soát, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và quy định pháp luật liên quan đối với dự án nhà ở có diện tích nhỏ hơn 20ha do Sở Xây dựng là cơ quan quản lý hợp đồng.

Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, rà soát, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý đối với các dự án nhà ở có diện tích nhỏ hơn 20ha do Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, dự án đã lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Tham mưu văn bản của UBND tỉnh Quảng Bình báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư đối với dự án nhà ở thực hiện tại khu vực đô thị có diện tích nhỏ hơn 20ha.

Quảng Ngãi: Dự án KDC Nam Hùng Vương về tay công ty Quốc Thắng

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ra quyết định công nhận nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm đăng ký thực hiện dự án khu dân cư Nam Hùng Vương thuộc phường Phổ Hoà, Thị xã Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi.

Phối cảnh dự án KDC Nam Hùng Vương.  
Phối cảnh dự án KDC Nam Hùng Vương.  

Theo quyết định này, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại Quốc Thắng là nhà đầu tư duy nhất đăng ký và đáp ứng sơ bộ về năng lực kinh nghiệm.

UBND tỉnh Quảng Ngãi giao sở KHĐT chủ trì phối hợp với các sở ban ngành hướng dẫn Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại Quốc Thắng triển khai các bước liên quan theo quy định.

Theo thông tin chúng tôi có được công ty Quốc Thắng được thành lập vào năm 2006, trụ sở 49 đường An Cư 7, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, người sáng lập công ty là ông Lê Quang Thương.

Được biết, hiện nay Quốc Thắng đang tập trung hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để bước vào triển khai dự án gần 180 tỷ đồng KDC Nam Hùng Vương tại thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Gần 8.500 tỷ đồng bồi thường cho Vành đai 3 đoạn đi qua TP Thủ Đức

Liên quan đến công tác đền bù, giải tỏa chuẩn bị mặt bằng cho dự án Vành đai 3, UBND TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP Thủ Đức theo khái toán vào khoảng 8.455 tỷ đồng.

Cụ thể, Dự án Vành đai 3 đi qua địa phận TP Thủ Đức có gần 600 trường hợp bị ảnh hưởng. TP Thủ Đức đã chuẩn bị 239 nền đất tại khu tái định cư Long Trường - Long Thạnh Mỹ dành cho các trường hợp đủ điều kiện tái định cư và 150 căn chung cư C8 thuộc phường Tăng Nhơn Phú A dành cho các trường hợp không đủ điều kiện tái định cư.

Theo TP Thủ Đức, hiện nay địa phương này đã hoàn tất việc thu thập pháp lý các thửa đất. Trong đó, có 15 hồ sơ chưa được kiểm đếm do chưa liên hệ được với chủ đất. TP Thủ Đức cho biết, thời gian qua, địa phương này đã đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Fanpage Chính quyền TP Thủ Đức để tìm chủ sử dụng đất của các thửa đất chưa liên hệ được với chủ đất.

Trong trường hợp chủ sử dụng đất vẫn chưa đến liên hệ thì TP Thủ Đức sẽ giao về để phường tạm đứng tên. Nếu sau này chủ đất xuất hiện thì phường sẽ bàn giao lại cho chủ đất. Ba trường hợp nêu trên là các thửa đất đều đã được UBND quận 9 (cũ) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân, hộ gia đình cụ thể. Tổng diện tích của ba trường hợp này là hơn 3.000m2.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cũng vừa ký quyết định ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ và mức hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất đối với dự án thành phần 1A thuộc dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, giai đoạn 1, thuộc đường Vành đai 3, tại phường Long Trường, TP Thủ Đức. Dự án thành phần 1A có chiều dài gần 4km với diện tích thu hồi đất khoảng 11ha, có 59 hộ dân và 31 thửa đất; kéo dài từ rạch Trau Trảu, theo đường Nguyễn Văn Tăng, đường Nguyễn Xiển đến đường số 4.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống