Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Doanh nghiệp bất động sản đồng loạt công bố BCTC quý II/2022; Vingroup động thổ 2 dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Thanh Hóa và Quảng Trị

Doanh nghiệp bất động sản đồng loạt công bố báo cáo tài chính quý II/2022; Vingroup động thổ 2 dự án ở nhà xã hội đầu tiên với 3.500 căn; Liên danh Taseco Land muốn làm khu đô thị hơn 4.700 tỷ tại Hà Nam; Lâm Đồng thu hồi dự án chậm tiến độ, hủy quy hoạch dự án không khả thi; Đấu giá đất vùng ven Hà Nội quay trở lại; Vắng bóng căn hộ 25 triệu đồng/m2 tại khu vực nội thành;…là những thông tin nổi bật tuần qua.

Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Doanh nghiệp bất động sản đồng loạt công bố BCTC quý II/2022; Vingroup động thổ 2 dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Thanh Hóa và Quảng Trị - Ảnh 1

Điểm mặt một số doanh nghiệp bất động sản công bố báo cáo tài chính quý II/2022

Vinhomes báo lãi trước thuế 6 tháng đạt hơn 7.100 tỷ: Công ty Cổ phần Vinhomes (Mã: VHM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế là 4.530 tỷ đồng và 622 tỷ đồng.

Tổng lợi nhuận kế toán hợp nhất trước thuế trong 6 tháng đầu năm đạt 7.142 tỷ đồng, lợi nhuận kế toán hợp nhất sau thuế của công ty mẹ đạt 5.049 tỷ đồng, giảm lần lượt 65% và 68% so với cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm 30/62022, tổng tài sản Vinhomes đạt 299.562 tỷ đồng, tương đương so với thời điểm đầu năm. Tổng giá trị hàng tồn kho gần 42.000 tỷ đồng, cao hơn đáng để mức 28.846 tỷ đồng đầu năm do bất động ản để bán đang xây dựng tăng mạnh lên 39.244 tỷ đồng.

Cuối quý II, Vinhomes đang có 48.975 tỷ đồng tiền người mua trả trước ngắn hạn, đây có thể là nguồn tiền đến từ những khách hàng mua tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire.

Lợi nhuận của Hodeco tăng 24% trong nửa đầu năm: CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa  - Vũng Tàu (Hodeco, Mã chứng khoán: HDC) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý II, với doanh thu thuần 331,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 79,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 22% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế nửa đầu năm nay, Hodeco ghi nhận doanh thu thuần 695 tỷ đồng tăng 25%, lợi nhuận sau thuế 176 tỷ đồng, tăng 24%. Năm nay, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 430 tỷ đồng, như vậy, sau 6 tháng đầu kinh doanh, Hodeco đã thực hiện được 41% mục tiêu năm.

Tại thời điểm cuối quý II, tổng tài sản của Hodeco là 4.423 tỷ đồng, tăng 21% so với thời điểm đầu năm. Chiếm 27,3% tổng tài sản của công ty là khoản phải thu ngắn hạn, tăng 57%, trong đó, thu ngắn hạn các khách hàng mua bất động sản là 638 tỷ đồng.

Bất động sản CRV: Công ty CP Tập đoàn Bất động sản CRV vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 (kỳ tài chính từ 1/4 đến 30/6/2022) với doanh thu đạt hơn 33 tỷ đồng, giảm 19,8% so với cùng kỳ. Giá vốn kỳ này giảm 12,6% xuống 16,5 tỷ đồng, lợi nhuận gộp về bán hàng và dịch vụ đạt giảm 26% xuống 16,5 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng từ 82,3 tỷ đồng lên 89 tỷ đồng (tăng khoảng 8%). Chi phí bán hàng đạt 1,7 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 5 tỷ đồng, lần lượt giảm 16,5% và 16,6% so với cùng kỳ.

Kết thúc quý I/2022 (kỳ kế toán từ 1/4 đến ngày 30/6/2022), Bất động sản CRV báo lãi hơn 79 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ 2021. Tính đến 30/6, tổng tài sản của CRV đạt 8.825,7 tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu kỳ. Tài sản ngắn hạn chiếm 92,5% với 8.165 tỷ đồng, trong đó, đầu tư nắm giữ đến ngày đạt 5.544 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng 17% lên 1.114 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 1.074 tỷ đồng.

Viglacera lãi quý II tăng 92%: Quý II/2022, doanh thu thuần và lãi trước thuế của Tổng công ty Viglacera - CTCP (HoSE: VGC) đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, cụ thể lần lượt đạt 4.268 tỷ đồng và 843 tỷ đồng, tăng 45% và 92% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong quý II/2022, lợi nhuận gộp của VGC tăng 75% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 564 tỷ đồng, đạt 1.312 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 25% lên 30,7%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, VGC ghi nhận doanh thu và lãi trước thuế đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, lần lượt đạt 8.101 tỷ đồng và 1.740 tỷ đồng, tăng 53% và 121%. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.443 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ.

Vinaconex ITC không có doanh thu trong 6 tháng đầu năm: CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC – Mã CK: VCR) vừa công bố BCTC quý II/2022 và 6 tháng đầu năm với kết quả kinh doanh kém khởi sắc.

Cụ thể, trong quý 2/2022, Vinaconex ITC tiếp tục không ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 5,76 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 3,51 tỷ đồng. Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Công ty không ghi nhận doanh thu và báo lỗ 9,28 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 5,26 tỷ đồng. Như vậy, với việc ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm đã nâng lỗ luỹ kế tính tới cuối tháng 6/2022 lên 245,9 tỷ đồng, bằng 11,7% vốn điều lệ.

Và còn rất nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng vừa công bố bản Báo cáo tài chính quý II/2022 của mình.

Vingroup động thổ 2 dự án ở nhà xã hội đầu tiên với 3.500 căn tại Thanh Hóa và Quảng Trị

Ngày 27/7/2022, Tập đoàn Vingroup tiến hành động thổ hai dự nhà ở xã hội đầu tiên với số lượng 3.500 căn tại Thanh Hóa và Quảng Trị. Đây là bước khởi động cho chiến lược phát triển nhà ở xã hội thương hiệu Happy Home của Vingroup nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở giá rẻ cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh trên địa bàn.

Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Doanh nghiệp bất động sản đồng loạt công bố BCTC quý II/2022; Vingroup động thổ 2 dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Thanh Hóa và Quảng Trị - Ảnh 2

Tổng quy mô hai dự án là hơn 40.000 m2, dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 3.500 căn nhà với nhiều loại diện tích linh hoạt.

Trong đó, dự án nhà ở xã hội (NỞXH) tại Thanh Hóa được xây dựng trên một phần diện tích khu đô thị Vinhomes Star City, thuộc phường Đông Hương và Đông Hải, giáp với đại lộ Nam Sông Mã, bên cạnh trung tâm hành chính mới của thành phố. Dự án được quy hoạch theo hướng đô thị xanh, văn minh với khoảng 70% tổng diện tích dành cho hệ thống cảnh quan và dịch vụ tiện ích như khu tập thể thao ngoài trời, sân chơi trẻ em, vườn hoa cây xanh... Với lợi thế nằm trong quần thể Vinhomes Star City - dự án được kế thừa trọn vẹn không gian sống hiện đại, các tiện ích trường học, dịch vụ công cộng sẵn có của khu đô thị đã đi vào vận hành.

Tại Quảng Trị, khu NỞXH được thụ hưởng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị Nam Đông Hà, cũng như công viên sinh thái Nam Đông Hà lân cận. Từ dự án, cư dân có thể kết nối nhanh chóng tới các khu vực quan trọng trong thành phố, đặc biệt dễ dàng di chuyển đến Vincom Plaza – trung tâm mua sắm, vui chơi, giải trí mới của thành phố.

Phát biểu về việc động thổ hai dự án NỞXH đầu tiên, ông Phạm Thiếu Hoa – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vinhomes cho biết: “Tham gia phát triển nhà ở xã hội là một trong những chiến lược phát triển trọng tâm của Tập đoàn Vingroup nói chung và Vinhomes nói riêng, nhằm góp phần hiện thực hóa giấc mơ sở hữu nhà cho hàng triệu người lao động thu nhập thấp tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng hai dự án NỞXH sắp được hình thành sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thay đổi định kiến về chất lượng xây dựng và tiện ích sống của các dự án NỞXH trong tương lai”.

Liên danh Taseco Land muốn làm khu đô thị hơn 4.700 tỷ tại Hà Nam

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, Liên danh CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco và CTCP Xây dựng và Thiết bị Hà Nam là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới phía Nam trung tâm hành chính thị xã Duy Tiên, thuộc phường Yên Bắc và phường Tiên Nội.

Diện tích đất dự án khoảng 115,15 ha; dự kiến dân số 13.956 người với tổng mức đầu tư 4.764,5 tỷ đồng.

Hạng mục nhà ở sẽ có 23 căn biệt thự và 1.004 căn liền kề; cùng 4 tòa nhà hỗn hợp chung cư cao tầng với khoảng 944 căn hộ.

Ngoài ra còn có các công trình công cộng đô thị, trường mầm non, thương mại dịch vụ, trường tiểu học, trạm y tế, đất cơ quan, bãi đỗ xe, sân tập luyện, công trình sân chơi nhóm nhà ở, trung tâm văn hoá - thể thao,...

Thời gian hoạt động của dự án không quá 50 năm, tiến độ thực hiện dự án từ 2022 đến 2028.

Cách Hancorp 'chia phần' với Taseco Land ở khu Đoàn Ngoại Giao

Ngày 27/4/2022, Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư và Xây dựng số 4 (Icon4) đã phê duyệt việc ký kết hợp đồng thi công hạng mục “Hoàn thiện và lắp đặt hệ thống cơ điện khối căn hộ tại Toà N01-T6” – thuộc dự án Toà nhà hỗn hợp tại N01-T6, T7 Khu Đoàn Ngoại Giao (tên thương mại: Han Jardin).

Phối cảnh dự án tòa nhà hỗn hợp NO1-T6, T7, Khu Đoàn Ngoại Giao (Tên thương mại: Han Jardin).  
Phối cảnh dự án tòa nhà hỗn hợp NO1-T6, T7, Khu Đoàn Ngoại Giao (Tên thương mại: Han Jardin).  

Đơn vị ký hợp đồng với Icon4 là CTCP Đầu tư bất động sản Taseco (Taseco Land). Thời gian thực hiện hợp đồng dự kiến kéo dài từ tháng 5/2022 – tháng 8/2023.

Đáng chú ý, Taseco Land cũng là nhà phát triển loạt dự án căn hộ trên các khu đất thành phần thuộc dự án Khu Ngoại Giao Đoàn do Hancorp làm chủ đầu tư, có thể kể tới như: Phú Mỹ Complex (N01-T4), An Bình Complex (N02-T1) và Taseco Complex (N03-T2).

Cùng với đó, Taseco Land còn liên danh với CTCP Trung Đô – thành viên của Hancorp, làm chủ đầu tư dự án toà nhà chung cư ở khu đất ký hiệu N03-T6, nằm ở khu vực trung tâm Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn.

Lâm Đồng thu hồi dự án chậm tiến độ, hủy quy hoạch dự án không khả thi

Tối 25/7, thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, đơn vị vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND các huyện, TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc về việc khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan tình trạng quy hoạch treo và dự án treo trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng.

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi.

Đồng thời, Sở Xây dựng cần xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định. Tổ chức thẩm định hoặc báo cáo Hội đồng thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch (thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh) theo quy định khi các địa phương trình.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương hoàn thành nội dung đồ án quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”. Tổng hợp, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý đảm bảo yêu cầu, quy định.

UBND các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đam Rông, Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng, TP Đà Lạt và Bảo Lộc khẩn trương hoàn thành quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.

Tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch (thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện) đảm bảo tiến độ, chất lượng và khả thi cao; tổ chức thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, trật tự xây dựng và trật tự đô thị sau khi quy hoạch được phê duyệt.

Đấu giá đất tại khu vực vùng ven Hà Nội quay trở lại rầm rộ

Vừa qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh số 5 – Quốc gia tổ chức thành công phiên đấu giá đối với 17 thửa đất tại điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm.

Tổng diện tích khu đấu giá là 1.858,9 m2 (diện tích mỗi thửa từ 87,75 m2 đến 171,67 m2), giá khởi điểm từ 27,1 triệu đồng đến 35,2 triệu đồng/m2.

Kết quả, 17 lô đất đã được đấu giá thành công. Trong đó, lô 01 có diện tích 129,7m2 nằm ở vị trí lô góc có mức giá trúng cao nhất 85,5 triệu đồng/m2, tương đương gần 11,1 tỷ đồng. Lô đất 02 có diện tích 95,6m2, giá trúng là 75,5 triệu đồng/m2, tương đương hơn 7,2 tỷ đồng. Tổng số tiền trúng đấu giá thu về hơn 98 tỷ đồng (chênh 39,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm).

Trong khoảng thời gian cuối tháng 7 và đầu tháng 8 tới, Công ty Đấu giá Hợp danh Đấu giá Việt Nam và Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh sẽ tiến hành tổ chức đấu giá quyền sử dụng nhiều lô đất trên địa bàn huyện.

Trong đó, 33 thửa đất tại điểm X1, tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh. Các thửa đất có tổng diện tích 3.412,7m2 (từ 67,4m2 đến 193m2). Giá khởi điểm là 32,1 triệu đồng đến 44,2 triệu đồng/m2, tổng giá khởi điểm hơn 129 tỷ đồng.

Tại huyện Đông Anh, sáng 23/7, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Anh và Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt đã tổ chức đấu giá 18 thửa đất để xây dựng nhà ở với diện tích 1.438,1 m2 tại điểm X4 thôn Đoài, xã Kim Nỗ.

Giá khởi điểm cho các thửa đất thấp nhất từ 40,8 triệu đồng/m2 đến cao nhất 55,1 triệu đồng /m2( tùy theo diện tích và vị trí). Kết quả đã có 18 khách hàng trúng đấu giá, với giá trúng đấu giá cao nhất là 105,2 triệu đồng/m2, giá trúng đấu giá thấp nhất là 46,8 triệu đồng/m2. Tổng số tiền trúng đấu giá thu về gần 100 tỷ đồng.

Cuối tháng 7, tại huyện này tiếp tục đấu giá 20 thửa đất, theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp.

Cụ thể, có 13 thửa đất tại khu đất X4 thôn Đoài, xã Kim Nỗ và 7 thửa tại khu đất X7 thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh.

Các thửa đất này có diện tích từ 70m2 đến 108m2, giá khởi điểm từ 18 triệu đồng đến 55,1 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước từ 252 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng/hồ sơ tham gia đấu giá.

Căn hộ 25 triệu đồng/m2 tại khu vực nội thành gần như “tuyệt chủng”

Báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho thấy, phân khúc căn hộ bình dân có mức giá từ 25 triệu đồng/m2 đến 30 triệu đồng/m2 hầu như không có tại khu vực trung tâm của các đô thị. Căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm như các quận, huyện như tại Hà Nội.

Ví dụ như dự án xpHOMES (huyện Đan Phượng) giá 29 triệu đồng/m2; dự án Gemek Premium (huyện Hoài Đức) giá 26 triệu đồng/m2; dự án Xuân Mai Complex (quận Hà Đông) giá khoảng 27 triệu đồng/m 2, dự án Ehome S (quận 9) có giá khoảng 25 triệu đồng/m2; tại Đà Nẵng, dự án FPT City Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn) có giá khoảng 25,7 triệu đồng/m2.

Căn hộ chung cư trung cấp (có mức giá khoảng 30 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2) vẫn là dòng sản phẩm chủ đạo trên thị trường vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp. Căn hộ cao cấp (có mức giá trên 50 triệu) tại Hà Nội và TP.HCM là một số dự án có vị trí đặc biệt.

Phân khúc căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 được nhiều người quan tâm nhất do phù hợp với nhu cầu thực cũng như khả năng tài chính. Tuy nhiên, nguồn cung ít cũng như chính sách siết tín dụng bất động sản khiến người mua nhà thực sự khó tiếp cận được nguồn vốn vay mua nhà này.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống