Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Cảnh báo tình trạng "ôm đất" đón đầu quy hoạch ven biển Quảng Ngãi
‘Ôm đất’ ven biển Quảng Ngãi để chờ quy hoạch; Cục Hàng hải cho ý kiến về đề xuất xây cảng biển 35.000 tỷ ở Nam Định; Nghệ An “khai tử” loạt dự án chậm tiến độ; Him Lam, DIC Corp, TNG Holdings… lần lượt tìm về Hậu Giang làm các dự án;Rà soát, xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng trên tuyến đường Lê Văn Lương;...là những thông tin nổi bật tuần qua.
Cảnh báo tình trạng "ôm đất" đón đầu quy hoạch ven biển Quảng Ngãi
Ngày 19/7/2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi phát đi Thông báo số 296/TB-UBND về kết luận của ông Trần Phước Hiền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về công tác quản lý, sử dụng đất ven biển trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Phước Hiền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nguồn lực đất đai là một trong những yếu tố then chốt quyết định, tạo đà cho sự phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các huyện ven biển vẫn chưa chặt chẽ.
Một số nơi đã xảy ra tình trạng chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đặc biệt là đất chuyên trồng lúa nước, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp mang tính đầu cơ, trục lợi.
Cùng với đó là hành vi “ôm đất” chờ quy hoạch nhằm mục đích kiếm lời, hưởng lợi trong chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, làm cho tình hình quản lý đất đai diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác thu hồi đất thực hiện các dự án.
Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng đất vượt ranh giới, không đúng mục đích, lãng phí đất đai vẫn thường xuyên xảy ra; một số dự án có tiến độ giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư còn chậm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, trong thời gian đến, cần phải khắc phục những bất cập, xác định rõ vai trò, trách nhiệm quản lý đất đai của các cấp chính quyền quản lý Nhà nước về đất đai gắn với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp từ cấp xã phường cho đến cấp huyện, thị và cấp tỉnh.
Ông Hiền cho rằng, đây được coi là một trong những yếu tố rất quan trọng để tạo nguồn lực từ đất đai và phát triển địa phương, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, đặc biệt là khu vực ven biển, khu vực các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Rà soát, xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng trên tuyến đường Lê Văn Lương
Thực hiện nội dung kết luận số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, trên địa bàn quận hiện có 5 dự án còn tồn tại những công trình vi phạm trật tự xây dựng theo kết luận 39 này.
Để chủ động xử lý dứt điểm các vi phạm, UBND quận Cầu Giấy và phường Trung Hòa đã làm việc với các đơn vị, chủ đầu tư có liên quan để triển khai việc tổ chức thực hiện, lập biên bản kiểm tra hiện trạng, biên bản vi phạm hành chính. Trên cơ sở đó, ngày 8/7/2022, UBND quận Cầu Giấy đã ban hành 5 Quyết định số: 121/QĐ-KPHQ, 122/QĐ-KPHQ,123/QĐ-KPHQ, 124/QĐ-KPHQ, 125/QĐ-KPHQ, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 5 chủ đầu tư của các dự án còn tồn tại vi phạm trật tự xây dựng.
Cụ thể các dự án: Trung tâm dịch vụ số 1 - lô đất TN1 khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính; khu công viên giải trí số 1 - lô đất CX2; cải tạo, mở rộng quy mô đào tạo trường Mầm non Lý Thái Tổ tại lô đất NT2; Trung tâm dịch vụ số 2 tại ô đất TN2; cải tạo Trường Tiểu học lý Thái Tổ.
Tại ô đất CX2 thuộc dự án Khu công viên giải trí số 1, Công ty cổ phần bể bơi thông minh đã tiến hành tháo dỡ toàn bộ công trình nhà 1 tầng tại ô đất CX2A (diện tích 160m2), 2 hạng mục diện tích 126m2 và đang tiếp tục tháo dỡ các hạng mục còn lại tại ô đất CX2B. Tại Trường Mầm non Lý Thái Tổ (ô đất NT2), Công ty Vinaconex đã tiến hành tháo dỡ hạng mục khung sắt mái tôn tại tầng 2 nhà hiệu bộ diện tích 30 m2. Và tại trường Tiểu học Lý Thái Tổ, chủ đầu tư cũng tháo dỡ xong công trình khung thép, mái lợp tôn nằm giữa nhà ăn và tường rào với diện tích 170 m2…
Còn tại Dự án cải tạo Trường Tiểu học lý Thái Tổ, chủ đầu tư xây dựng hành lang nối nhà hiệu bộ 4 tầng với nhà học 4 tầng, quây tôn thành phòng sai Giấy phép xây dựng số 142/GPXD ngày 28/11/2017 do Sở Xây dựng Hà Nội cấp. Đồng thời, xây dựng 2 công trình sai tổng mặt bằng được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận tại Văn bản số 3997 /QHKT-TMB-PAKT ngày 23/6/2017.
Còn tại Dự án Trung tâm dịch vụ số 2 tại ô đất TN2 (Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính), lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Hợp tác đầu tư Phúc Thanh đã xây dựng công trình sai tổng mặt bằng, phương án kiến trúc đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận.
"Cùng với việc xử lý các công trình vi phạm theo Kết luận 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng, quận đang tiếp tục rà soát các công trình vi phạm trật tự xây khác còn tồn tại trên địa bàn để xử lý kiên quyết; đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm phát sinh mới, gây bức xúc trong dư luận", Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà nhấn mạnh.
Nghệ An “khai tử” loạt dự án chậm tiến độ
Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết, từ năm 2012 đến nay, các đoàn liên ngành do UBND tỉnh thành lập đã tiến hành 674 lượt kiểm tra đối với 498 dự án. Trong đó đã chấm dứt hoạt động, thu hồi đất và hủy bỏ các văn bản pháp lý đối với 142 dự án; gia hạn tiến độ 199 dự án; cho phép tiếp tục thực hiện 56 dự án; xử lý khác đối với 101 dự án. Lũy kế đến thời điểm hiện nay đã chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 225 dự án với tổng diện tích quy hoạch là 120.821ha.
Theo cơ quan này, các dự án treo, dự án chậm tiến độ đã và đang gây lãng phí tài nguyên, gây nợ đọng về thuế. Đặc biệt, thực trạng trên còn gây bức xúc trong dư luận và làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Nghệ An.
Đồng thời, HĐND tỉnh cũng vừa có chương trình giám sát các dự án treo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, làm rõ thực trạng, nguyên nhân hạn chế, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các dự án treo. Tuy nhiên, tình trạng các dự án treo, dự án chậm tiến độ hiện vẫn còn diễn ra; nhiều dự án có dấu hiệu chậm tiến độ nhưng chưa được kiểm tra, xử lý.
Trước đó, trên địa bàn TP Vinh và tỉnh Nghệ An liên tục được các “ông lớn” bất động sản tài trợ lập quy hoạch như: Khu đô thị mới phía Đông Nam xã Hưng Chính (Villa Garden Park) đã trình tỉnh cho phép Công ty Cổ phần Crystal Bay tài trợ kinh phí lập quy hoạch; Điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực chợ Vinh đã trình UBND tỉnh cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển địa ốc D’Gold tài trợ lập quy hoạch; Khu đô thị mới ở phường Đông Vĩnh (khu vực phía Đông) do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt Nghệ An tài trợ kinh phí lập quy hoạch…
Tuy nhiên, các ngành chức năng Nghệ An cho biết, hiện nay Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình tiếp nhận tài trợ bằng sản phẩm quy hoạch, dẫn đến quá trình triển khai tại các địa phương còn gặp nhiều vướng mắc.
Quảng Nam cập nhật tiến độ 14 dự án bất động sản của Bách Đạt An
UBND thị xã Điện Bàn vừa có thông báo kết luận của ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã liên quan đến gia hạn tiến độ thực hiện các dự án khu dân cư, khu đô thị tại Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn do CTCP Bách Đạt An làm chủ đầu tư.
Trong đó có dự án khu dân cư và chợ Điện Dương, Khu đô thị Sentosa Riverside, Khu dân cư An Cư 1, Khu đô thị Bách Thành Vinh, Khu đô thị Bách Thành Vinh mở rộng, Khu đô thị 7B.
Cụ thể, ông Hà cho biết, CTCP Bách Đạt An được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng 14 dự án.
Trong đó, một dự án đã hoàn thành nghiệm thu, bàn giao (Khu đô thị An Phú Quý), 4 dự án có quyết định thu hồi của UBND tỉnh (Khu đô thị Bách Đạt 3, Bách Đạt 4, Bách Đạt 5, Bách Đạt 6) và 9 dự án đang triển khai thực hiện (Khu dân cư và chợ Điện Dương, Khu đô thị 7B, Khu đô thị Sentosa Riverside, Khu dân cư An Cư 1, Khu đô thị Bách Đạt, Khu đô thị 7B mở rộng, Khu đô thị Hera Complex Riverside, Khu đô thị Bách Thành Vinh, Khu đô thị Bách Thành Vinh mở rộng).
Đối với 6 dự án Khu dân cư và chợ Điện Dương, Khu đô thị 7B, Khu đô thị Sentosa Riverside, Khu dân cư An Cư 1, Khu đô thị Bách Thành Vinh, Khu đô thị Bách Thành Vinh mở rộng, đến nay đã quá thời hạn UBND tỉnh cho phép nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thể hoàn thành dự án, đưa vào khai thác sử dụng.
Him Lam, DIC Corp, TNG Holdings… lần lượt tìm về Hậu Giang làm các dự án
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, địa phương đã tập trung quy hoạch các khu đô thị mới, các dự án nhà ở và bất động sản, nhiều dự án của các nhà đầu tư như Him Lam, Tập đoàn Vincom, Tổng Công ty DIC, CTCP Tập đoàn Cát Tường, Công ty Đầu tư TNG Holdings Việt Nam, CTCP Phát triển Dự án THD Việt Nam đã được triển khai, đưa vào khai thác.
Dự kiến đến năm 2030, Hậu Giang sẽ có 19 đô thị, do đó tỉnh đã phê duyệt danh mục quy hoạch với 90 dự án phát triển nhà ở trên 2.077 ha và sẽ mời gọi đầu tư 31 dự án đô thị với quy mô khoảng 799 ha tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm nay.
Đại diện Công ty Cát Tường cho biết, từ tháng 6, Cát Tường đã đầu tư và đưa vào khai thác Khu đô thị Cát Tường Western Pearl, với diện tích 18 ha. Cuối năm nay, công ty sẽ tiếp tục hoàn thành, đưa vào khai thác Khu đô thị Cát Tường Western Pearl 1, với diện tích 59 ha.
Dự kiến trong năm 2023, Cát Tường sẽ đầu tư Khu đô thị mới Ngã Bảy và Tổ hợp Thương mại dịch vụ và nhà ở tại xã Vị Trung, huyện Vị Thủy.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, tỉnh đã trao 12 chứng nhận quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 18.959 tỷ đồng, tổng diện tích 290 ha; ký biên bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Trong đó, dự án được ký biên bản ghi nhớ có quy mô lớn nhất có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch của Tập đoàn Him Lam.
Hồi đầu tháng 7, Hậu Giang cũng đã có hai quyết định về việc chấp thuận nhà đầu tư là Liên danh Oleco – NQ và CTCP Bất động sản Mỹ đối với khu đô thị mới Cái Tắc – Thạnh Hòa và CTCP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường đối với khu đô thị mới Ngã Bảy 3.
Mê Linh sắp đấu giá nhiều khu đất
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh, đơn vị đang tham mưu UBND huyện hoàn thiện các thủ tục để đưa vào đấu giá 106 thửa đất, tại 4 dự án trong tháng 7 và tháng 8, bao gồm: Điểm X1, tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông; điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm; điểm nhỏ lẻ, xen kẹt tại thị trấn Chi Đông và điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm (đợt 2). Tổng diện tích quỹ đất đấu giá khoảng 11.085 m2, dự kiến số tiền thu về hơn 503 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2021, tuy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, huyện Mê Linh vẫn tổ chức thành công 8 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, với tổng số tiền trúng đấu giá hơn 407 tỷ đồng.
Năm 2022, UBND TP Hà Nội giao huyện Mê Linh chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất 280 tỷ đồng. Chỉ tiêu này do HĐND huyện giao là 800 tỷ đồng. Trong đó, Trung tâm phát triển quỹ đất được giao thu 720 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện thực hiện chủ đầu tư một dự án tại điểm X7 Quang Minh để thu 80 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2022, huyện Mê Linh tập trung giải phóng mặt bằng phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại 14 dự án với diện tích 21,3 ha, tương ứng với 746 ô đất.
Huyện Mê Linh đặt mục tiêu trong 6 tháng cuối năm hoàn thành giải phóng mặt bằng và tổ chức đấu giá đối với 2,36 ha liên quan đến 139 hộ dân tại các xã Kim Hoa, Liên Mạc, Tam Đồng, Tiền Phong và thị trấn Quang Minh. Địa phương phấn đấu tổ chức thành công đấu giá 6 dự án với diện tích 3 ha, số tiền trúng đấu giá dự kiến khoảng 565 tỷ đồng.
Đồng Nai: Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 17 dự án lớn
Đồng Nai đang hoàn tất các hồ sơ, thủ tục để đưa ra đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư cho 17 dự án lớn trên địa bàn tỉnh. 17 dự án này nếu tìm được nhà đầu tư đủ năng lực, triển khai nhanh sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Các dự án nói trên tập trung ở TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch và đa số là dự án khu dân cư với tổng diện tích gần 421ha. Trong đó, TP.Biên Hòa có 15 dự án và H.Nhơn Trạch 2 dự án.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết: “Sau khi được HĐND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án thu hồi đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, TP.Biên Hòa đã phối hợp với Sở KH-ĐT, Sở TN-MT và các sở, ngành liên quan khác để thực hiện các bước tiếp theo như: lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án có sử dụng đất; lập phương án sơ bộ bồi thường, giải phóng mặt bằng, phê duyệt giá đất khởi điểm để đấu thầu dự án; sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư… Khi các thủ tục trên hoàn thành mới tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để triển khai”.
Trong các dự án đưa ra đấu thầu tại TP.Biên Hòa, có một số dự án có diện tích đất khá lớn là: khu dân cư theo quy hoạch ở P.An Hòa hơn 69ha; khu đất dọc theo đường ven sông Cái đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản gần 50ha thuộc địa bàn các phường: Thống Nhất, Tân Mai, Tam Hiệp, An Bình; khu dân cư P.Phước Tân gần 46ha; khu đất dọc sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu khoảng 34ha; khu dân cư ở P.Long Bình gần 19ha; khu đất dọc theo sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh gần 19ha… Các khu đất trên đều là “đất vàng” vì nằm ven sông hoặc giáp các trục giao thông lớn của TP.Biên Hòa, rất thuận lợi để xây dựng các khu dân cư, chung cư cao tầng, tạo điểm nhấn cho đô thị loại I.
H.Nhơn Trạch có 2 dự án đưa vào danh mục thu hồi đất và sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong năm nay, đều thuộc địa bàn xã Đại Phước. Đó là dự án Khu đô thị du lịch Đại Phước rộng gần 50ha và dự án Khu đô thị du lịch có diện tích trên 75ha. Theo quy hoạch, 2 dự án trên sẽ kết hợp với các khu đô thị khác trên địa bàn xã Đại Phước và những xã lân cận để tạo thành vùng thương mại dịch vụ, du lịch.