Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm, doanh nghiệp mất hàng trăm tỷ đồng tiền cọc

TP Hồ Chí Minh hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm; Hà Nội khởi động ‘siêu’ dự án đường Vành đai 4; Tân Á Đại Thành và Geleximco đề xuất đầu tư vào Quảng Nam; Cập nhật nhà đất quanh trục đường Lê Văn Lương sau kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng; FLC xin gia hạn tiến độ dự án Sa Đéc đến cuối năm 2023; Giá bình quân căn hộ tại TP HCM chạm mốc 65 triệu đồng/m2;…là những thông tin nổi bật tuần qua.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm, doanh nghiệp mất hàng trăm tỷ đồng tiền cọc - Ảnh 1

Hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm, doanh nghiệp mất hàng trăm tỷ đồng tiền cọc

Chia sẻ tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM, bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cho biết, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM lấy ý kiến của Sở Tư pháp và Cục thuế TP.HCM, báo cáo lên UBND tình hình và tiến độ thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất của doanh nghiệp.

Theo đó, tính đến hết ngày 6/7, hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty cổ phần Sheen Mega và Công ty cổ phần Republic vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền.

Hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm.  
Hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm.  

Trên cơ sở hợp đồng giữa các bên, hôm nay (7/7) đã quá 180 ngày doanh nghiệp không thực hiện nội dung tại hợp đồng. Do đó, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện nhiệm vụ cụ thể như: Cục Thuế thông báo tình hình nộp tiền sử dụng đất trước bạ đến các cơ quan trung tâm đấu giá TP.HCM, sau đó báo cáo cho trung tâm sử dụng đất, rồi báo cáo cho Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, trình sang UBND TP.HCM hủy kết quả đấu giá hai lô đất của hai doanh nghiệp.

Hiện nay, Cục thuế TP.HCM đã thu được 20% tiền đặt cọc và tiền cưỡng chế trích từ tài khoản ngân hàng của hai doanh nghiệp trên. Công ty cổ phần Sheen Mega nộp 203 tỷ đồng tiền sử dụng đất, đó là tiền trích từ tài khoản trung tâm đấu giá (tiền cọc) và 40,45 triệu đồng trích từ tài khoản ngân hàng (cưỡng chế tài khoản).

Số tiền sử dụng đất còn nợ tính đến ngày 6/7 hơn 3.892 tỉ đồng. Trong đó tiền sử dụng đất còn nợ hơn 3.796 tỉ đồng và chậm nộp hơn 96 tỉ đồng.

Trước đó, vào ngày 10/12/2021, 4 công ty đã trúng đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Sau đó, 2 công ty trúng đấu giá 2 lô đất Thủ Thiêm đã bỏ cọc là: Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) với lô số 3-12 có diện tích 10.059,7 m2 đã gửi “tâm thư” xin bỏ cọc vào cuối tháng 1 vừa qua. Sau đó, Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh có văn bản xin bỏ cọc lô đất 3-9 với diện tích 5.009,1 m2. Hai doanh nghiệp còn lại sau 180 ngày, đã không nộp tiền theo thông báo của Cục Thuế TP.HCM.

Hà Nội khởi động ‘siêu’ dự án đường Vành đai 4

Sau khi dự án đường Vành đai 4 được Quốc hội thông qua và ra Nghị quyết thực hiện, UBND thành phố Hà Nội đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư dự án.

Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố vừa hình thành và ra mắt Ban Chỉ đạo thực hiện dự án. Do có quy mô, phạm vi lớn cũng như tính chất quan trọng của dự án nên Bí thư Thành ủy Hà Nội được cử làm Trưởng Ban chỉ đạo, các đồng chí Phó Bí thư trong đó có Chủ tịch UBND thành phố khi được kiện toàn sẽ là phó ban. Các Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội sẽ làm trưởng các tổ công tác chuyên ngành. Chẳng hạn như Tổ công tác chỉ đạo thực hiện dự án sẽ do Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn làm tổ trưởng; Tổ công tác chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ do Phó Chủ tịch Nguyễn Trọng Đông làm tổ trưởng… Các Bí thư quận, huyện mà dự án đi qua và giám đốc các sở, ngành liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo…

Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm, doanh nghiệp mất hàng trăm tỷ đồng tiền cọc - Ảnh 2

Thành phố xác định thời gian thực hiện dự án khoảng 5 năm, thời gian bắt đầu thực hiện là từ năm 2022, do vậy việc triển khai, hoàn thành các phần việc được giao tại dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô chính là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và là uy tín cá nhân của mỗi thành viên trong Ban Chỉ đạo được giao nhiệm vụ.

Một trong những nhiệm vụ trước mắt, quan trọng nhất là Ban hành kế hoạch tổ chức, thực hiện, sau đó khẩn trương xác định, công bố chỉ giới đường đỏ, tổ chức cắm mốc làm cơ sở để thực hiện GPMB phục vụ dự án.

Tân Á Đại Thành và Geleximco đề xuất đầu tư vào Quảng Nam

Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam, vừa qua tỉnh đã có buổi làm việc để nghe Tập đoàn Tân Á Đại Thành và Tập đoàn Geleximco báo cáo, đề xuất ý tưởng nghiên cứu đầu tư tại huyện Thăng Bình và TP Tam Kỳ.

Trước đề xuất của các doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh đã giao UBND TP Tam Kỳ, UBND huyện Thăng Bình, Sở Xây dựng, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp và các Sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp thu các nội dung đã chỉ đạo tại buổi làm việc để hoàn chỉnh các đồ án quy hoạch.

Tỉnh cũng yêu cầu đảm bảo tính khoa học, khách quan, hiệu quả làm căn cứ xác định phạm vi dự án và tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực triển khai dự án.

Trước đó hồi tháng 4, Tập đoàn Geleximco có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc nghiên cứu quy hoạch chi tiết và lập đề xuất dự án đầu tư Khu đô thị, du lịch biển sinh thái tại xã Tam Thăng, xã Tam Thanh, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ quy mô 800 ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương cho phép Tập đoàn Geleximco nghiên cứu, lập đề xuất dự án theo đề nghị của tại công văn nêu trên.

Mới đây, Tập đoàn Geleximco cũng vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải xin chủ trương lập đề xuất dự án đầu tư tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình theo hình thức PPP.

Cụ thể, Tổng giám đốc Geleximco Vũ Văn Tiền ký văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho doanh nghiệp này làm nhà đầu tư quan tâm và lập đề xuất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Ngoài ra, Geleximco kiến nghị Bộ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình và làm việc với các địa phương có dự án theo quy định của pháp luật hiện hành.

Giá nhà đất quanh trục đường Lê Văn Lương biến động ra sao sau kết luận thanh tra?

Vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra loạt sai phạm liên quan đến những vi phạm, sai sót về quy hoạch, xây dựng tại tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội). Tuy nhiên, giường như điều này cũng không ảnh hưởng đến giá nhà đất xung quanh tuyến đường Lê Văn Lương này.

Cụ thể, theo khảo sát trên Batdongsan.com.vn cho thấy, giá các căn hộ tại khu vực đường này vẫn đang neo ở mức cao, bất chấp những thông tin sai phạm của các dự án đã được chỉ ra. Thậm chí, với những dự án đã đi vào vận hành nhiều năm, mức giá vẫn đang duy trì khá cao.

Giá bất động sản quanh khu vực Lê Văn Lương vẫn không có nhiều biến động sau Kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng.  
Giá bất động sản quanh khu vực Lê Văn Lương vẫn không có nhiều biến động sau Kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng.  

Theo khảo sát, giá bán các căn chung cư tại dự án Golden Palm dao động từ 43 – 53 triệu đồng/m2, giá bán căn hộ Starity dao động từ 36 – 40 triệu đồng/m2, Hà Nội Center Point là 45 – 50 triệu đồng/m2, Handiresco có giá bán dao động 44 – 47 triệu đồng/m2, chung cư Ban cơ yếu chính phủ trong khoảng 37- 43 triệu đồng/m2… Mức giá này đã tăng trung bình khoảng 5%, thậm chí có dự án tăng khoảng 10% so với năm 2021.

Cá biệt, một dự án nhà ở cao cấp mới mở bán trên đường Lê Văn Lương thời gian đầu có mức giá trung bình là hơn 60 triệu đồng/m2. Nhưng sau khi bị Thanh tra Bộ Xây dựng “chỉ mặt”, giá các căn hộ đã hoàn thiện tăng lên khoảng hơn 70 triệu đồng/m2. Còn với căn hộ thô, khách hàng sẽ được giảm khoảng 6 triệu đồng/m2.

FLC xin gia hạn tiến độ dự án Sa Đéc đến cuối năm 2023

Theo Báo Đồng Tháp, ngày 4/7, lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh đã có buổi kiểm tra thực tế và làm việc với UBND TP Sa Đéc về tình hình thực hiện dự án Khu dân cư đô thị ấp Phú Long (FLC La Vista Sadec), xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc.

Theo báo cáo của UBND TP Sa Đéc, tổng diện tích đất của dự án này là hơn 15 ha. Dự án do CTCP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, đăng ký thực hiện hoàn thành và đi vào hoạt động từ quý II năm nay.

Tuy nhiên, tính đến ngày 30/6, dự án không đạt tiến độ đề ra.

Phối cảnh dự án FLC La Vista Sadec.  
Phối cảnh dự án FLC La Vista Sadec.  

Tính đến cuối tháng 6, công ty đã ký hợp đồng mua bán 160 căn, còn lại 193 căn chưa đăng ký mua. Do tình hình dịch bệnh Covid-19, vật tư xây dựng tăng, nhân sự lãnh đạo của công ty có sự thay đổi, chủ đầu tư chậm lựa chọn nhà thầu xây dựng đã làm cho dự án chậm tiến độ và chủ đầu tư đã xin gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến cuối tháng 11/2023.

Lãnh đạo tỉnh đề nghị UBND TP Sa Đéc cần rà soát lại các thủ tục, đề xuất phương án xử lý. UBND tỉnh sẽ có cuộc gặp gỡ và làm việc với nhà đầu tư để tìm phương án tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, không để tình trạng chậm trễ kéo dài.

Giá bình quân căn hộ tại TP HCM chạm mốc 65 triệu đồng/m2

Báo cáo nghiên cứu thị trường từ Đất Xanh Services cho biết trong quý II, giá nhà đất vẫn trong xu hướng tăng, đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM do thiếu nguồn cung trầm trọng.

Tại Hà Nội, giá bình quân căn hộ vẫn trong xu hướng tăng, hiện ở ngưỡng 49 triệu đồng/m2, tăng 10% so với quý I. Dự báo, trong quý tiếp theo, con số này có thể tiếp tục tăng thêm khoảng 9-15%.

“Thị trường bất động sản Hà Nội và các tỉnh lân cận vẫn duy trì trạng thái hạn chế nguồn cung trong quý II và 6 tháng đầu năm. Nguồn cung mới chỉ xuất hiện cục bộ tại một số dự án đô thị lớn, trong đó khu Đông chiếm hơn 60%. Hưng Yên là tỉnh dẫn đầu nguồn cung mới chiếm hơn 90%”, báo cáo nêu rõ.

Đặc biệt, giá nhà thấp tầng tại Hưng Yên thiết lập mặt bằng giá mới dao động 120-194 triệu đồng/m2, các khu vực còn lại tăng nhẹ 6-13%. Dự kiến 6 tháng cuối năm nguồn cung mới vẫn hạn chế, chủ yếu các sản phẩm thấp tầng như đất nền, nhà phố.

Tại TP HCM, giá bán căn hộ trung bình trong quý II đã vọt lên ngưỡng 65 triệu đồng/m2, tăng 3% so với quý I. Giá bán phân khúc này được dự báo tăng khoảng 5-10%/năm trong thời gian tới.

Giá bán căn hộ trung bình trong quý II tại TP Hồ Chí Minh đã vọt lên ngưỡng 65 triệu đồng/m2.  
Giá bán căn hộ trung bình trong quý II tại TP Hồ Chí Minh đã vọt lên ngưỡng 65 triệu đồng/m2.  

Đáng chú ý, giá bán nhà thấp tầng tiếp tục đạt kỷ lục, nhờ nguồn cung mới có vị trí ven sông, kèm nhiều tiện ích nổi bật. Giá bán nhà phố ở dự án mới khoảng 36-42 tỷ/căn, dinh thự 180 tỷ/căn.

Trái ngược với Hà Nội, tại TP HCM, nguồn cung căn hộ mới trong quý II đạt 14.400 sản phẩm, tăng 4 lần so với quý trước. Mặc dù số lượng tăng mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

“Tuy nhiên, số lượng dự án mới giảm mạnh do các khó khăn như thủ tục pháp lý, quỹ đất và nguồn vốn đầu tư dẫn đến tình trạng hạn chế dự án đủ điều kiện triển khai bán hàng. Cùng với đó, tâm lý khách hàng có nhiều e ngại khi nhiều ngân hàng siết chặt chặt tín dụng, chậm giải ngân”, Đất Xanh Services nhìn nhận.

Di dời Nhà máy Bia Hà Nội (Habeco) khỏi nội thành

Sáng nay (8/7) tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1).

Theo đó, trong vòng 5 năm tới, 9 cơ sở nhà đất do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch.

Trong danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội mà HĐND TP vừa thông qua, có nhiều cơ sở nhà đất nằm tại vị trí “đất vàng” nội đô như Nhà máy Bia Hà Nội – Tổng Công ty CP Bia – rượu- nước giải khát Hà Nội với hơn 52.000m2 tại số 183 Hoàng Hoa Thám, Ngọc Hà, Ba Đình hiện đang hoạt động sản xuất và trưng bày giới thiệu sản phẩm.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm, doanh nghiệp mất hàng trăm tỷ đồng tiền cọc - Ảnh 3

Cơ sở nhà máy tại 235 Nguyễn Trãi, Thượng Đình, Thanh Xuân với hơn 64.000m2 đang là hệ thống nhà kho, để vật tư phục vụ sản xuất và thành phẩm; nhà xe của cán bộ công nhân viên để đi xe đưa đón đến địa điểm mới tại Cụm công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai.

Cũng trên địa bàn quận Thanh Xuân, nằm trong danh sách di dời còn có Công ty TNHH MTV In và TM Thông tấn xã Việt Nam, địa chỉ tại số 70/342 Khương Đình, phường Hạ Đình, diện tích 5.000 m2, là văn phòng và cơ sở sản xuất. Theo quy hoạch, khu đất sẽ là đất công cộng khu vực, đất cây xanh, đất hỗn hợp.

Trong 6 cơ sở được đề xuất di dời còn lại, có 2 cơ sở thuộc quận Hoàn Kiếm, gồm: Công ty In báo Nhân dân tại 15 Hàng Tre, diện tích hơn 1.500 m2; Công ty TNHH MTV in báo Hà Nội mới ở 35 Nhà Chung, diện tích hơn 1.800 m2, hiện có nhà máy in.

Hai cơ sở trên địa bàn quận Long Biên là Nhà máy xe lửa Gia Lâm – Công ty Vận tải Hành khách đường sắt Hà Nội, địa chỉ 551 Nguyễn Văn Cừ, diện tích hơn 20 ha, hiện là trụ sở Công ty, nhà xưởng sửa chữa toa xe. Cơ sở thứ 2 là Tổng kho xăng dầu Đức Giang, địa chỉ tại số 26 phố Đức Giang, diện tích hơn 159.000 m2, đang là bể chứa xăng dầu.

Quận Đống Đa và quận Bắc Từ Liêm cùng có một cơ sở, lần lượt là Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp số 167/6 phố Phương Mai, diện tích hơn 800 m2 và Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam tại phường Phúc Diễn, diện tích hơn 30.000 m2, hiện trạng một phần đã phân cho cán bộ công nhân viên, một phần hoạt động nghiên cứu công nghệ ngành hóa chất, sản xuất thuốc tuyển quặng.

Minh Thu (T/H)

Theo Kinh doanh & Phát triển