Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Thu hồi hai dự án hơn 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn FLC tại Quảng Trị và Phú Thọ

Thu hồi hai dự án hơn 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn FLC tại Quảng Trị và Phú Thọ; Tháo dỡ 79 căn biệt thự trị giá khoảng 700 tỷ đồng 'xây chui' ở Phú Quốc; Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu làm rõ việc giao hơn 80.000m2 đất tại dự án nghỉ dưỡng Bình Châu – Phước Bửu; Thu hồi 7 ô đất bị HUD bỏ hoang để xây dựng trường công lập; TP.HCM có hơn 300 dự án “treo”; TP Hạ Long hủy bỏ 27 đồ án quy hoạch chi tiết tại đảo Tuần Châu; Nợ tiền thuê đất hơn 400 tỷ đồng, Thị Nại Eco Bay có thể bị thu hồi dự án.

Thu hồi hai dự án hơn 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn FLC tại Quảng Trị và Phú Thọ

UBND tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Quyết định số 2284/QĐ-UBND về việc chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái và thể thao Việt Trì, giai đoạn 1 (phân khu D, E, F) do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

Theo Quyết định số 2284/QĐ-UBND, lý do chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi chấp thuận chủ trương đầu tư là do nhà đầu tư gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Nhà đầu tư đã có Thông báo và hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động dự án theo quy định tại Mục a, Khoản 1, Điều 48, Luật Đầu tư, và Mục a, Khoản 2, Điều 57, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư.

Cũng theo Quyết định của UBND tỉnh Phú Thọ, nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án đầu tư và hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước liên quan đến dự án (nếu có) theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Trước đó, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Phú Thọ tại TP Việt Trì có tổng vốn 10.000 tỷ đồng đã được tập đoàn này khởi công ngày 8/1.

Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 4.413 tỷ đồng, (dự án khu đô thị sinh thái và thể thao Việt Trì) có diện tích hơn 235ha tại địa bàn phường Vân Phú và các xã Thụy Vân, Chu Hóa thuộc TP Việt Trì. Khu đô thị sẽ xây dựng hoàn chỉnh, đầy đủ tiện ích, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật phục vụ khách du lịch và dân cư đô thị trong tương lai với quy mô hơn 23.000 dân.

Dự án nằm tại giao điểm hai tuyến đường huyết mạch Nguyễn Tất Thành và Trường Chinh, cách trung tâm hành chính của thành phố Việt Trì 2km, cách khu du lịch Quốc gia Đền Hùng hơn 1km, kết nối trực tiếp với trục giao thương kinh tế - du lịch huyết mạch của tỉnh.

Phối cảnh dự án Khu đô thị sinh thái và thể thao Việt Trì do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư tại Phú Thọ.  
Phối cảnh dự án Khu đô thị sinh thái và thể thao Việt Trì do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư tại Phú Thọ.  

Ngoài dự án tại Phú Thọ, trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị cũng tổ chức buổi làm việc với các ngành chức năng, UBND huyện Cam Lộ để nghe báo cáo triển khai Dự án Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM Quảng Trị.

Theo đó căn cứ theo các quy định của pháp luật, thống nhất việc chấm dứt, thu hồi chủ trương đầu tư đối với Dự án Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM Quảng Trị.

UBND tỉnh đề nghị huyện Cam Lộ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không được xâm canh xâm cư vào diện tích đất của dự án theo đúng quy định.

Dự án Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM Quảng Trị có tổng vốn đầu tư 371 tỷ đồng, dự kiến thực hiện tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ với diện tích khoảng 200 ha. Dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2018 và điều chỉnh chủ trương đầu tư vào năm 2019.

Đây là dự án của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu FAM Quảng Trị thuộc tập đoàn FLC thuê đất, triển khai thực hiện.

Hiện trên diện tích đất được cấp, nhà đầu tư mới thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng gần 60 ha với số tiền hơn 5,2 tỷ đồng.

Tháng 6/2022, nhà đầu tư tiếp tục nộp hồ sơ điều chỉnh tiến độ dự án lần 2, trong đó đề nghị dự án sẽ đi vào hoạt động từ tháng 6/2023.

Tháo dỡ 79 căn biệt thự trị giá khoảng 700 tỷ đồng 'xây chui' ở Phú Quốc

UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện thủ tục tháo dỡ 79 căn biệt thự xây dựng không phép ở xã Dương Tơ (TP. Phú Quốc) để thu hồi quỹ đất cho nhà nước.

Theo ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt xử lý vi phạm trên lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên ở Phú Quốc, đơn vị này đang tiến hành các thủ tục cần thiết để xử lý tháo dỡ toàn bộ 79 căn biệt thự xây dựng không phép tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ nhằm trả lại hiện trạng, thu hồi quỹ đất cho Nhà nước.

Theo đó Tổ công tác và chính quyền địa phương đã nhiều lần ra thông báo mời chủ nhân các căn biệt thự tới làm việc, xác minh nguồn gốc đất, quá trình mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng, xây dựng hoặc mua bán tài sản trên đất, nhưng đã quá thời hạn cuối là ngày 30/9 vừa qua vẫn không có ai lên làm việc.

Khu đất xây dựng 79 căn biệt thự nói trên rộng khoảng 18ha, là đất được UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi giao cho UBND xã Dương Tơ trực tiếp quản lý.

Khoảng năm 2017-2018, một số người dân địa phương đã tiến hành bán đất bằng giấy tay cho nhiều người từ các tỉnh, thành khác vào mua. Những chủ nhân mới này đã tiến hành tự chia lô có diện tích từ 200m2-350m2/lô, làm đường bê tông nội bộ, đặt đường ống cấp-thoát nước, kéo điện, sau đó bán lại cho nhiều người khác xây dựng tổng cộng 79 căn nhà dạng biệt thự kiên cố.

Theo ước tính của giới xây dựng ở Phú Quốc, mỗi căn biệt thự kiểu như vừa nêu có giá trị đất và xây cất công trình ít nhất cũng từ 8-10 tỷ đồng. Một số căn thiết kế khuôn viên cây cảnh, trồng cỏ xung quanh nhà, có sân trước, sân sau và lối đi bên hông không khác gì biệt thự đơn lập đẳng cấp.

Việc xây dựng hàng chục căn nhà trên một khu đất rộng như vậy diễn ra suốt thời gian dài, tuy nhiên chính quyền địa phương không kịp thời phát hiện, xử lý nên các căn nhà và hệ thống hạ tầng gần như đã thi công hoàn thiện.

Gần cuối năm 2021 và hai tháng gần đây, Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh Kiên Giang mới bắt đầu xử lý, tháo dỡ khoảng 12 căn nhà, căng dây làm hàng rào, đình chỉ việc xây dựng để tiến hành các thủ tục xử lý theo quy định đối với công trình xây dựng không phép.

Theo chính quyền, trong năm nay, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung xử lý nghiêm các hành vi xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, phá rừng, xâm phạm khu bảo tồn biển… trên đảo Phú Quốc. Sau khi xử lý xong, sẽ tiến hành xem xét trách nhiệm của các ngành, các cấp có liên quan; sai tới đâu sẽ xử lý tới đó.

Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu làm rõ việc giao hơn 80.000m2 đất tại dự án nghỉ dưỡng Bình Châu – Phước Bửu

Liên quan đến dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Bình Châu – Phước Bửu (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc), UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) làm rõ việc tham mưu giao đất.

Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu Sở TN&MT khẳng định việc tham mưu giao khu đất có diện tích 80.799,6m2 đã được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp đã đảm bảo đúng quy định pháp luật hay chưa?

Trước đó, ngày 19/9, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải quyết những vướng mắc về pháp lý tại dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Bình Châu – Phước Bửu (Khu du lịch Bình Châu – Phước Bửu)

80.799,6m2 đất nói trên thuộc khu A của dự án. Khu B của dự án (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu) có diện tích 131.600m2, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định.

Mô hình dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Bình Châu – Phước Bửu.  
Mô hình dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Bình Châu – Phước Bửu.  

Khu du lịch Bình Châu – Phước Bửu do Công ty TNHH Du lịch Bình An làm chủ đầu tư. Dự án này được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2007 với diện tích 22,31ha, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng.

Dự án Khu du lịch Bình Châu – Phước Bửu đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giãn tiến độ hai lần theo Luật Đầu tư. Sau đó, chủ đầu tư dự án đã gia hạn sử dụng đất thêm 24 tháng, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng.

Theo quy hoạch 1/500 điều chỉnh được phê duyệt vào cuối năm 2020, dự án Khu du lịch Bình Châu – Phước Bửu có tổng diện tích hơn 21ha, bao gồm biển và rừng.

Dự án này bị chậm tiến độ do quy hoạch bị ảnh hưởng bởi Đề án thiết lập hành lang an toàn bờ biển và Đề án mở rộng đường 994. Từ đó, thủ tục pháp lý của dự án bị kéo dài.

Thu hồi 7 ô đất bị HUD bỏ hoang để xây dựng trường công lập

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND quận Hoàng Mai khẩn trương làm việc với Tổng công ty HUD để đôn đốc bàn giao dứt điểm các ô đất xây trường về quận quản lý.

Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng vừa ký ban hành thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh tại buổi làm việc với lãnh đạo quận Hoàng Mai về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng...

Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố chiều 29/9, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm nêu tình trạng tăng dân số cơ học đang gây áp lực lớn lên hạ tầng xã hội của quận.

Cụ thể, mỗi năm quận Hoàng Mai tăng thêm 4.000 - 5.000 học sinh mới, khiến quận này thiếu khoảng 10 trường mầm non, hơn 10 trường tiểu học.

Theo đó, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo Tổng công ty HUD bàn giao cho quận 7 ô đất đã bỏ hoang nhiều năm trên địa bàn để đầu tư trường học công lập.

Trước kiến nghị của chính quyền sở tại, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND quận Hoàng Mai khẩn trương làm việc với Tổng công ty HUD để đôn đốc bàn giao dứt điểm các ô đất xây trường về quận quản lý, đầu tư trong năm 2022; báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, chỉ đạo trước ngày 15/10.

TP.HCM sẽ làm gì với hơn 300 dự án “treo”?

Báo cáo tại buổi làm việc mới đây với Ban Đô thị HĐND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết, từ năm 2016 đến nay, HĐND TP đã thông qua 11 nghị quyết cho phép thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 1.445 dự án.

Tuy nhiên, hiện có 402 dự án đã hoàn thành (chiếm 28%), 741 dự án đang triển khai (chiếm 51%), còn lại 302 dự án đã quá thời hạn 3 năm mà chưa thực hiện thu hồi đất.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, những nguyên nhân chính khiến hơn 300 dự án này bị “treo” do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư để bồi thường và thực hiện dự án; khó khăn trong công tác bồi thường, giá đền bù…

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đơn vị này hiện đang tiếp tục rà soát để huỷ các dự án quá 3 năm chưa triển khai. Trước đó, trong năm 2020 đã có 61 dự án được thông qua đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất.

Theo ông Thắng, việc các dự án được quy hoạch nhưng chậm triển khai ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhiều hộ dân. Kể cả những dự án khi được bỏ ra khỏi kế hoạch sử dụng đất mà chính quyền chưa điều chỉnh quy hoạch, thì quyền lợi về nhà đất của người dân trong khu vực vẫn chưa được thực hiện.

Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các quận, huyện, TP. Thủ Đức rà soát những dự án chậm tiến độ, khó khăn vướng mắc để kịp thời báo cáo UBND thành phố. Đồng thời, với những dự án được huỷ bỏ cần có lộ trình điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo quyền lợi về đất đai, xây dựng của người dân.

TP Hạ Long hủy bỏ 27 đồ án quy hoạch chi tiết tại đảo Tuần Châu

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) Nguyễn Tiến Dũng đã ký quyết định hủy bỏ 27 đồ án quy hoạch chi tiết tại phường Tuần Châu, trong đó đa phần đồ án bị hủy là khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu.

Theo quyết định này, UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) nêu lý do hủy bỏ là 27 đồ án quy hoạch chi tiết được phê duyệt từ tháng 6/2020 nhưng đến nay là 26 tháng mà chưa thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, chưa triển khai thực hiện.

Vì thế, UBND TP Hạ Long cần xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn theo quy định tại Điều 46, Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009 và triển khai phù hợp, thống nhất giữa các quy định của Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo, Luật Di sản văn hóa.

Cũng tại quyết định này, UBND TP Hạ Long giao UBND phường Tuần Châu căn cứ quy định hiện hành chủ trì, phối hợp cùng các phòng Quản lý đô thị, Tài nguyên và môi trường, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Trung tâm phát triển quỹ đất của thành phố các đơn vị và cá nhân có liên quan tổ chức công bố công khai quyết định này.

Đồng thời, phường Tuần Châu quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Nợ tiền thuê đất hơn 400 tỷ đồng, Thị Nại Eco Bay có thể bị thu hồi dự án

Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết chủ tịch UBND tỉnh này vừa ban hành văn bản chỉ đạo Cục Thuế tỉnh kiểm tra, rà soát và đôn đốc Công ty CP Thị Nại Eco Bay (trụ sở thành phố Quy Nhơn) khẩn trương thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Theo đó, trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, ngành thuế tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án nêu trên của nhà đầu tư theo quy định. Sở Xây dựng kiểm tra việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 10/1/2020, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.

Hiện trạng dự án khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại tại địa bàn thành phố Quy Nhơn.  
Hiện trạng dự án khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại tại địa bàn thành phố Quy Nhơn.  

Theo Chi cục Thuế thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định-đơn vị có nhiệm vụ thu tiền thuê đất dự án, dự án nộp tiền thuê đất một lần nhưng hiện nộp chưa đúng thời hạn.

Tính đến cuối tháng 8/2022, Công ty CP Thị Nại Eco Bay còn nợ hơn 400 tỷ đồng tiền thuê đất và đã chậm hơn 90 ngày phải nộp.

Chi cục Thuế thành phố Quy Nhơn đã cưỡng chế các tài khoản của công ty nhưng trong các tài khoản đều không có tiền. Sắp tới, Chi cục Thuế sẽ cưỡng chế hóa đơn, nếu doanh nghiệp vẫn không chấp hành thì đơn vị sẽ tham mưu, đề xuất tỉnh thu hồi dự án.

Trước đó, ngày 25/3/2020, UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định cho Công ty CP Thị Nại Eco Bay thuê 596.593m2 đất để thực hiện dự án khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại tại phường Đống Đa và Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn. Thời hạn thuê đất 50 năm với hình thức trả tiền một lần. Được biết, tổng tiền thuê đất đối với dự án trên 1.100 tỷ đồng, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi giảm thuế hơn 80 tỷ đồng.

Dự án khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại do Công ty CP Thị Nại Eco Bay làm chủ đầu tư, được quy hoạch là khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp biệt thự nhà ở và các công trình dịch vụ thương mại với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng.

Bảo Châu (T/H)

Theo Chất lượng và Cuộc sống