Tín dụng nới room, tâm lý được đả thông, bất động sản kỳ vọng hồi phục
Quyết định nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua đã ngay lập tức có tác động tích cực về mặt tâm lý đối với thị trường bất động sản.
Chủ đầu tư, người mua nhà giải tỏa tâm lý “tắc vốn”
Trong cuộc họp của Chính phủ về điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN, các tổ chức tín dụng phát huy tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cần rà soát các dự án bất động sản đủ điều kiện để hỗ trợ cho vay vốn, có chính sách hỗ trợ người mua nhà ở xã hội…
“Trong bối cảnh thời cơ và thách thức đan xen, dứt khoát không điều hành giật cục, không chuyển đổi trạng thái đột ngột, tránh tình trạng ‘lúc này quá chặt chẽ, lúc khác quá lỏng lẻo, lúc này quá đơn giản, lúc khác quá cầu kỳ, lúc này quá cầu toàn, lúc khác quá nóng vội’, bảo đảm cân bằng giữa an toàn và phát triển”, Thủ tướng chia sẻ.
Nhận định việc nới room tín dụng sẽ ít nhiều góp sức cho thị trường bất động sản, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho biết hệ thống ngân hàng đã rà soát rất kỹ trong thời gian vừa qua, các hồ sơ vay trong giai đoạn này phải đáp ứng về mặt pháp lý và nhu cầu ở thực. Dòng vốn đi vào đời sống và sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản tương đối nhanh. Nguyên do là đa số các hồ sơ vay đã có sẵn, nên cũng không quá lo lắng khi cho rằng dòng tiền này sử dụng vào đầu cơ hay những chỗ rủi ro.
Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều người cần vay tiền mua nhà đã gặp khó khi các ngân hàng hết hạn mức (room) cho vay. Vì vậy động thái nới room lần này hy vọng gỡ vướng cho những hợp đồng mua nhà đang dở dang, là động lực giúp thị trường bất động sản ấm dần lên.
Theo bà Vũ Thị Bích Liên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bất Động sản VGP: “Tín dụng được nới room là tín hiệu rất tích cực, tạo niềm tin cho khách hàng. Nguyên do là trong thời gian vừa qua, rất nhiều dự án khách hàng đã không thể giải ngân được. Sắp tới, giao dịch bất động sản chắc chắn sẽ tốt hơn”.
Đồng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa nhận xét, việc NHNN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay thêm khoảng 1,5% - 2% sẽ mang lại tâm lý tích cực lên thị trường bất động sản.
Hiện nay không ít các dự án bất động sản đang triển khai dở dang gặp khó vì thiếu vốn. Còn ở ở phía người mua nhà ở thực, nhiều trường hợp gặp khó khăn vì đã nộp đến 70% – 80% giá trị hợp đồng, còn thiếu 20% – 30% nữa để có thể nhận nhà. Đến nay, người mua có thể yên tâm hơn vì dòng vốn được khơi thông.
Ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV, cho biết về việc dành vốn vay cho thị trường bất động sản trong lần nới room tín dụng lần này, “ngân hàng sẽ thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, hướng dòng tiền hỗ trợ cho người mua nhà. Các dự án bất động sản tốt, đúng thủ tục theo quy định của NHNN thì vẫn được xem xét cấp vốn, kể cả các dự án đang trong quá trình hoàn thiện.”
Thông vốn đến hơn 40 ngành nghề khác
Theo nghiên cứu của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 14% và có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành quan trọng khác của nền kinh tế, trở thành nhịp cầu nối cho các thị trường khác.
Quyết định nới room tín dụng ngay lập tức đã mang tín hiệu đáng mừng, đơn cử như lĩnh vực xây dựng. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho rằng bất động sản và xây dựng là hai ngành có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời. Bất động sản phát triển sẽ thúc đẩy xây dựng phát triển và ngược lại.
Theo ông Hiệp, nới room tín dụng sẽ khiến thị trường bất động sản có chuyển động tích cực, quá đó tương hỗ cho nhà thầu yên tâm tiếp tục các công trình đang dở dang để cùng nhau vượt khó khăn, có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế.
Thời gian qua, nhiều công trường xây dựng dự án bất động sản đã phải tạm ngưng do "tắc" vốn
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM, nhận xét dòng vốn là “mạch máu”, là nguồn sống cho doanh nghiệp bất động sản. Thực tế, các kênh huy động vốn cho lĩnh vực bất động sản cũng được hưởng rất nhiều lợi ích. Đó cũng là lý do, với các dự án phát triển bởi chủ đầu tư uy tín, quỹ đất sạch, pháp lý đầy đủ... các ngân hàng rất muốn liên kết để cho khách hàng vay. Nhờ sự kết hợp để phát triển nên các ngành ăn theo như vật liệu xây dựng, nội thất, giải pháp công nghệ quản lý thông minh… đều có cơ hội để hồi sinh.
Theo ông Đỗ Quý Duy, nhà sáng lập Câu lạc bộ bất động sản NAC, thời gian vừa qua tâm lý của nhà thầu, nhà phân phối vật liệu xây dựng, công nhân đang rất nặng nề do vào giai đoạn cuối năm, tình hình nợ đọng nghiêm trọng khiến chủ thầu nợ lương gây bất an cho người lao động… Việc khơi thông nguồn vốn tín dụng đã góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội.
Để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, ông Duy cho rằng việc điều tiết thị trường là cần thiết, song cần cẩn trọng và phù hợp, không để thị trường "nóng - lạnh" thất thường. “Khi điều tiết được thị trường bất động sản phát triển ổn định thì cả nền kinh tế được hỗ trợ", ông Duy nói.
Ghi nhận tín hiệu tích cực từ nới room tín dụng, ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết hiệu ứng tích cực đã lan tỏa trong 10 ngày qua khi thị trường chứng khoán phục hồi khá tốt, trong đó các mã bất động sản tăng mạnh giao dịch. Điều này giúp các chủ đầu tư có nguồn vốn để duy trì hoạt động, cũng như giữ vững nguồn nhân lực, ngoài ra cũng có thêm tiền đóng thuế nhà nước trong trường hợp đang chậm thuế.
Ngoài ra, nguồn vốn bổ sung lần này sẽ tác động tích cực ở góc độ tiêu dùng bởi thời điểm cận Tết, nhu cầu tiêu thụ rất cao, do đó chi tiêu phục vụ lĩnh vực địa ốc cũng sẽ gia tăng đáng kể, ông Quê cho biết thêm.
Ở góc độ khác, nhận định về khả năng nợ xấu sau khi room tín dụng được nới thêm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, việc nới room tín dụng thời điểm cuối năm có thể gây khó khăn trong việc thu hồi nợ sau Tết. Tuy nhiên, NHNN cũng đã có lưu ý các ngân hàng, tổ chức tín dụng rằng việc nới room tín dụng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo các điều kiện để việc cho vay đi đúng chủ thể mà Chính phủ mong muốn và đảm bảo an toàn nợ vay. Các ngân hàng do đó phải tích cực xem xét, kiểm tra giám sát để phân loại nợ phù hợp và thu hồi nợ đầy đủ, đúng hạn.