Tín dụng vào bất động sản còn gặp nhiều thách thức
Thị trường bất động sản đã bớt khó khăn hơn nhưng dòng chảy của tín dụng vào thị trường này lại có sự phân hóa về khả năng tiếp cận vốn giữa các phân khúc và doanh nghiệp trên thị trường. Và dòng tín dùng này tìm về bất động sản còn gặp nhiều thách thức do sẽ tập trung phân bổ vào các phân khúc bất động sản nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực và xây dựng hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, một phần tín dụng sẽ được giải ngân cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính với mục đích tái cấu trúc nợ.
Tín dụng không chảy đều vào các phân khúc
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng cho bất động sản và chứng khoán là hai lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, tín dụng bất động sản tăng 0,23% và tín dụng chứng khoán tăng 2,56% so với cuối năm 2023.
Dẫn số liệu của NHNN, báo cáo về thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng cũng cho hay, tính đến 28/2/2024, dư nợ tín dụng riêng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.113.673 tỷ đồng.
Trước đó, NHNN cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2023 vào khoảng 2,88 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay kinh doanh bất động sản khoảng 1,09 triệu tỷ đồng; vay tiêu dùng, tự sử dụng trong lĩnh vực bất động sản 1,79 triệu tỷ đồng. So sánh hai dữ liệu trên, trong 2 tháng đầu năm, riêng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản đã tăng thêm khoảng hơn 20.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB, trong 2 quý đầu năm nay, phần lớn các mảng bất động sản đều gặp khó khăn, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến tín dụng bán lẻ của các ngân hàng.
Đối với bất động sản nhà ở, hiện tại nhu cầu của người dân đang ở mức thấp. Xu hướng này vẫn duy trì do kinh tế khó khăn và thu nhập chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
"Thị trường cho vay bất động sản đang rất chậm. Mặc dù giá nhà neo ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm, song giao dịch thực tế lại không nhiều", ông Phạm Như Ánh cho biết.
Tương tự như mảng nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng cũng chưa bứt phá. Lượng khách du lịch đã tăng trở lại, nhưng các nhà đầu tư vẫn gặp khó khi "miếng bánh" thị phần bị chia nhỏ.
Trong giai đoạn trước dịch Covid-19, lượng cung và sản phẩm mới được đẩy ra thị trường ở mức quá lớn, và điều này trong ngắn hạn sẽ là thách thức cho các nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.
Ở chiều ngược lại, CEO MB Bank tỏ ra khá lạc quan đối với mảng bất động sản khu công nghiệp. Đây có thể coi là điểm sáng của 6 tháng đầu năm và các ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực này đều ghi nhận tăng trưởng.
Trước đó, đưa đánh giá về tình hình cấp tín dụng liên quan đến thị trường bất động sản, NHNN cho hay, các dự án bất động sản thường có thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn vốn của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn nên các tổ chức tín dụng phải đối mặt với rủi ro khi cho vay.
Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ còn cao, tiềm ẩn rủi ro tín dụng, an toàn của chính tổ chức tín dụng đó cũng như cho hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đối với nhà ở xã hội còn chiếm tỷ trọng thấp.
Không “hẹp cửa” với hoạt động cho vay bất động sản
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN khẳng định, chưa bao giờ ngành ngân hàng siết vốn với lĩnh vực bất động sản, vì luôn coi bất động sản là lĩnh vực quan trọng trong hoạt động cho vay của các ngân hàng. Song việc cho vay đối với bất động sản phải tạo dòng tiền luân chuyển được, không gắn với câu chuyện đầu cơ, thao túng thị trường, dẫn đến trì trệ dòng vốn. Còn vốn vào dự án thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội và phục vụ nhu cầu thực của người dân là vấn đề mà các ngân hàng thương mại cần phải tập trung vốn.
Năm nay, NHNN đã cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% ngay từ đầu năm. Mức tăng này tương đương với 2 triệu tỷ đồng sẽ bơm thêm vào nền kinh tế, nhưng tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên.
Để kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, NHNN đã ban hành các thông tư 36, 22, 41 trong những năm qua, quy định tỷ lệ vốn huy động cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng từ 24 - 34%. Theo NHNN, các dự án bất động sản thường có thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn vốn của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn nên các tổ chức tín dụng phải đối mặt với rủi ro khi cho vay. Đó chính là lý do giảm vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo lộ trình của Thông tư 08 xuống 30% vào cuối năm nay.