Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Loạt ngân hàng báo lãi lớn, nợ xấu ngân hàng dự báo sẽ tăng

Những tin ngân hàng gây chú ý tuần qua như: TPBank, SHB,... báo lãi lớn trong 6 tháng đầu năm 2022; nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ tăng lên 2%;...

Loạt ngân hàng lãi lớn trong 6 tháng đầu năm 2022

Một trong những tin ngân hàng nổi bật tuần qua là việc một số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm với lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Mới đây nhất, ngân hàng SHB công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm ước tính gần 5.900 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ, thực hiện hơn 50% kế hoạch đề ra từ đầu năm. Tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh dự kiến đạt hơn 9.400 tỷ đồng, tăng gần 113% so với cùng kỳ. Các chỉ số đều tăng trưởng khả quan.

Trước đó, ngân hàng SeABank cho biết lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 2.806 tỷ đồng, tăng trưởng 80% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 115% kế hoạch nửa đầu năm năm 2022.

Tại MB, lãnh đạo ngân hàng cho biết doanh thu toàn tập đoàn trong 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 29,9 nghìn tỷ đồng với lợi nhuận 11.920 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngân hàng doanh thu đạt gần 17,8 nghìn tỷ đồng, tăng 23% và lợi nhuận đạt 10.666 tỷ đồng; các công ty thành viên đạt doanh thu gần 12 nghìn tỷ đồng, tăng 42% và đóng góp 13% lợi nhuận toàn tập đoàn.

Trước đó, TPBank cũng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vượt trội. Sự bứt phá mạnh mẽ về lợi nhuận quý II đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ, tương ứng tăng gần 34% so với quý I đã đưa lợi nhuận lũy kế đến 30/6/2022 của TPBank đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước.

Lãnh đạo Eximbank ước tính, ngân hàng đạt khoảng 1.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm nay, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Riêng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022 của ngân hàng này tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Tuy chưa chính thức công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm nhưng cập nhật đến hết tháng 5/2022, lãnh đạo ngân hàng Vietcombank cho biết tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đã đạt mức 30% và dự báo tiếp tục có mức tăng trưởng lợi nhuận đột phá sau 2 năm chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.

Riêng trong quý 2/2022, Công ty Chứng khoán Yuanta dự báo, lợi nhuận sau thuế ngân hàng mẹ của 27 ngân hàng niêm yết có khả năng tăng tới 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ tăng lên 2%

Tại buổi đối thoại chuyên đề: “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm”, Kinh tế trưởng BIDV, TS Cấn Văn Lực dự báo nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%. 

Theo ông Lực, mặc dù nợ xấu nội bảng có vẻ như đang giảm từ 2,34% từ năm 2017 xuống còn 1,4% tính đến hết quý I/2022 nhưng tháng 6 vừa qua Thông tư 14 đã hết hiệu lực. Nếu Thông tư này không được gia hạn, những khoản nợ lẽ ra không phải chuyển nhóm sẽ phải chuyển nhóm, như vậy nợ xấu đương nhiên sẽ tăng.

Trong khi đó nợ xấu gộp có xu hướng giảm nhẹ do nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt hơn kỳ vọng nên những khoản nợ xấu tiềm ẩn sẽ giảm đi tương ứng.

Dự báo nợ xấu và bao nợ xấu năm 2022 của 29 ngân hàng thương mại/Nguồn: SBV, Viện Nghiên cứu, Đào tạo BIDV
Dự báo nợ xấu và bao nợ xấu năm 2022 của 29 ngân hàng thương mại/Nguồn: SBV, Viện Nghiên cứu, Đào tạo BIDV

Tại toạ đàm, TS Cấn Văn Lực đã chỉ ra những lý do cần luật hóa Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Thứ nhất, Nghị quyết 42 đã phát huy hiệu quả rất tốt trong thời gian vừa qua. Nhờ thế mà nợ xấu giảm rõ rệt. Đặc biệt, nếu không có dịch Covid bùng phát năm 2020 và 2021 thì sứ mệnh đưa nợ xấu gộp xuống dưới 3 % đã hoàn thành cuối năm 2020.

Thứ hai, còn một số vướng mắc trong xử lý nợ xấu bộc lộ trong thời gian thực hiện Nghị quyết 42 thì chúng ta phải xử lí nốt trong thời gian được gia hạn. Sau đó, khi luật hóa xử lý nợ xấu thì phải lưu ý các vướng mắc đó để không lặp lại.

Thứ ba, nợ xấu là vấn đề liên tục. Làm nghề kinh doanh tiền tệ thì đó là rủi ro mà đã là rủi ro thì luôn luôn tiềm ẩn. Vì thế các ngân hàng nước ngoài thường chấp nhận tỷ lệ rủi do nợ xấu đâu đó khoảng 2 đến 3 %. Nợ xấu ư liên tục xảy ra chứ không phải chỉ xuất hiện trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Như vậy, phải có một khung pháp lý cho nó chứ không để cho nó cộng dồn, tích tụ tạo nên những nguy cơ, những điểm tắc nghẽn cho kinh tế quốc gia.

Thứ tư, luật hoá Nghị quyết 42 là góp phần hoàn thiện thể chế, tăng tính hiệu lực, hiệu quả cho pháp luật. Hiện nay, quy mô nợ xấu tuyệt đối đã thay đổi rất lớn. Nếu không luật hóa xử lý nợ xấu mà lại quay trở về dùng những luật cũ ví dụ Luật dân sự, Luật doanh nghiệp thì sẽ dẫn đến việc lúng túng và chồng chéo.

Cuối cùng, việc luật hoá Nghị quyết 42 sẽ góp phần khắc phục bất cập, tăng hiệu quả xử lý nợ xấu; qua đó, tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan và nền kinh tế.

Vietbank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5.780 tỷ đồng

Tin ngân hàng tiếp theo gây chú ý trong tuần qua là việc tăng vốn điều lệ.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - Mã: VBB) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 1.003 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ của ngân hàng lên 5.779,9 tỷ đồng.

Phương án thực hiện tăng vốn là phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua.

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của Vietbank đã thông qua phương án phát hành 100,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ năm 2022, với tỷ lệ 21% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 21 cổ phiếu mới). Thời gian thực hiện dự kiến từ quý III-IV/2022. 

Toàn bộ số vốn tăng thêm từ phát hành cổ phiếu năm 2022 là 1.003 tỷ đồng được dự kiến sử dụng toàn bộ cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động sinh lời cho Vietbank.

Ngân hàng nắm giữ hơn 154.000 tỷ trái phiếu bất động sản, xây dựng

Thông tin tại Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản ngày 14/7, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống đến cuối tháng 5/2022 đạt 309.506 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,74% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong đó, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 154.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 49,8% so với tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống, tăng 18,7% so với cuối tháng 12/2021.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trình bày báo cáo. (Nguồn: VGP/Nhật Bắc).
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trình bày báo cáo. (Nguồn: VGP/Nhật Bắc).

Theo Thống đốc, với vai trò bảo lãnh cho các chủ thể tham gia thị trường, tổ chức tín dụng thực hiện cấp bảo lãnh cho các chủ thể tham gia thị trường như bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thanh toán...

Ngoài ra, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Do đó, tổ chức tín dụng còn thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Đến 31/5/2022, số dư bảo lãnh là 685.495 tỷ đồng, trong đó, số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là 18.304 tỷ đồng, tăng 5,96% so với cuối năm 2021.

Thống đốc cho biết, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ một số trường hợp như mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dung; cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng; nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay. 

Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này để bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định. Do vậy, có thể nói các tổ chức tín dụng rất hạn chế trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản.

Cấp gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho công nhân vay tiêu dùng để xóa sổ tín dụng đen

Tin ngân hàng cuối cùng gây chú ý tuần qua liên quan tới tín dụng vay tiêu dùng.

Tại Hội nghị Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam diễn ra ngày 13/7,ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, cho biết ngành ngân hàng đã sẵn sàng chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng triển khai ngay gói tín dụng ưu đãi 20.000 tỷ đồng để đẩy lùi tín dụng đen.

Ông Đào Minh Tú khẳng định ngành ngân hàng đã sẵn sàng chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng có ngay gói tín dụng 20.000 tỷỉ đồng, với lãi suất bằng một nửa lãi suất cho vay hiện nay để cho công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp có nhu cầu vay tiêu dùng. Thời hạn vay từ 3 tháng đến tối đa 3 năm với số tiền cho vay tối đa 70 triệu đồng/trường hợp để phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày. "Nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại buổi đối thoại với công nhân tại tỉnh Bắc Giang vừa qua. Còn các khoản vay lớn thì phải là các gói tín dụng khác" - ông Tú cho hay.
Ông Đào Minh Tú khẳng định ngành ngân hàng đã sẵn sàng chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng có ngay gói tín dụng 20.000 tỷỉ đồng, với lãi suất bằng một nửa lãi suất cho vay hiện nay để cho công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp có nhu cầu vay tiêu dùng. Thời hạn vay từ 3 tháng đến tối đa 3 năm với số tiền cho vay tối đa 70 triệu đồng/trường hợp để phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày. "Nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại buổi đối thoại với công nhân tại tỉnh Bắc Giang vừa qua. Còn các khoản vay lớn thì phải là các gói tín dụng khác" - ông Tú cho hay.

Tuy nhiên Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh chủ trương có là tốt rồi nhưng để triển khai được và đi vào cuộc sống mới là điều quan trọng hơn. "Để triển khai được chương trình gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng này, ngành ngân hàng mong muốn các cấp công đoàn, đặc biệt là LĐLĐ các tỉnh, thành phố ở nơi có nhiều khu công nghiệp quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng được giao nhiệm vụ này có thể tiếp cận công nhân"- ông Đào Minh Tú nói.

Hoàng Long (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ