Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Ngân hàng dồn dập báo lãi, tuyển dụng nhân sự ồ ạt
Những tin ngân hàng gây chú ý tuần qua như: Techcombank, VPBank,... lần lượt công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022; ngân hàng tư nhân đầu tiên có vốn...
Một ngân hàng tư nhân có vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính quý 2/2022 vừa được công bố, đến cuối tháng 6/2022, vốn chủ sở hữu của ngân hàng Techcombank đã đạt 104.472 tỷ đồng, tăng 11.431 tỷ so với đầu năm. Đây là ngân hàng tư nhân đầu tiên có vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ đồng.
Trước Techcombank, một ngân hàng có vốn chi phối của Nhà nước là Vietcombank cũng đã vượt con số này vào cuối năm 2021. Đến cuối quý 1/2022, vốn chủ sở của Vietcombank tiếp tục tăng lên 117.077 tỷ đồng.
Ngoài hai ngân hàng trên, dự kiến VietinBank cũng sẽ cán mốc 100.000 tỷ về vốn chủ sở hữu vào cuối tháng 6 năm nay. Theo báo cáo tài chính, cuối quý 1/2022, vốn chủ sở hữu của Vietinbank đã đạt 98.296 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác cũng đang tiến sát mốc này là VPBank khi cuối tháng 6/2022, vốn chủ sở hữu đã đạt hơn 98.000 tỷ đồng.
Về ngân hàng Techcombank, trong cơ cấu vốn chủ sở hữu, lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng đã lên mức 58.758 tỷ đồng. Vốn điều lệ của Techcombank là 35.585 tỷ đồng, không thay đổi so với đầu năm và dự kiến trong năm 2022 cũng chỉ tăng nhẹ 63 tỷ đồng sau khi ngân hàng phát hành cổ phiếu ESOP. Techcombank không có kế hoạch dùng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ trong năm nay.
Ngân hàng dồn dập báo lãi lớn
Một trong những tin ngân hàng gây chú ý tuần qua là bức tranh lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm 2022 đã dần được hé lộ.
Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, lợi nhuận trước thuế tại ngân hàng VPBank đạt 15.300 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh đến 70% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương hoàn thành 52% kế hoạch năm. Với con số này, VPBank đang dẫn đầu về lợi nhuận.
Tiếp sau là ngân hàng Techcombank với lợi nhuận trước thuế đạt 14.100 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác trong tuần qua cũng công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận ấn tượng.
Cụ thể, ngân hàng LienVietPostBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 3.588 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ việc hoạt động kinh doanh cốt lõi có lãi tăng mạnh và ngân hàng lãi đột biến từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư.
6 tháng đầu năm, ngân hàng VIB tăng 17% chi phí dự phòng rủi ro, trích gần 761 tỷ đồng, do đó thu về gần 5.023 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 27%.
Tại ngân hàng TPBank, nửa đầu năm dành ra gần 1.401 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 40%. Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước thuế gần 3.788 tỷ đồng, tăng 26%. Nếu so với kế hoạch 8.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm, TPBank đã thực hiện được 46% chỉ tiêu sau nửa đầu năm.
Còn tại Ngân hàng SHB, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt gần 5.900 tỷ đồng, tăng tới 84% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng ấn tượng đến 180% so với cùng kỳ năm 2021, Ngân hàng SeABank công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 2.806 tỷ đồng, hoàn thành 115% kế hoạch nửa đầu năm.
Một số ngân hàng quy mô nhỏ như VietBank cũng ghi nhận lãi trước thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 388 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Nếu so với kế hoạch 1.090 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm 2022, VietBank chỉ mới thực hiện được 36%.
Tương tự ngân hàng ABBank, trong 6 tháng đầu năm dành hơn 218 tỷ đồng để trích dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 32%, do đó lãi trước thuế tăng 39%, lên mức gần 1.662 tỷ đồng.
Ngân hàng PGBank cũng ghi nhận lãi trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 245,2 tỷ đồng, tăng 39,8% so với cùng kỳ, tương đương với 57% kế hoạch năm.
Nợ xấu cho vay đóng tàu lên tới 67,26%
Trong văn bản Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ngày 15/7.
Văn bản trên cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), NHNN đã ban hành các Thông tư hướng dẫn triển khai và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng thương mại và NHNN chi nhánh 28 tỉnh, thành phố ven biển đẩy mạnh triển khai thực hiện, làm tốt công tác tuyên truyền chính sách.
Kết quả, từ năm 2014 đến ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng thực hiện ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 – 2020), với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng.
Đến cuối quý 1/2022, tổng dư nợ cho vay theo Chương trình là 9.482 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 67,26%. Trong đó có tới 23/27 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ xấu cao trên 50%, tại Bình Định tỷ lệ nợ xấu là 98%.
Ngân hàng dồn dập tuyển dụng nhân sự quy mô lớn
Một trong những tin ngân hàng nổi bật tuần qua là liên tiếp các thông báo tuyển dụng tập trung quy mô lớn được các ngân hàng chính thức công bố.
Điển hình tại ngân hàng Vietcombank, thông báo tuyển dụng đợt 6 năm 2022 cho các chi nhánh ngân hàng với 158 chỉ tiêu không yêu cầu kinh nghiệm và 26 chỉ tiêu có yêu cầu kinh nghiệm làm việc.
Các vị trí được tuyển dụng trong đợt này là chuyên viên khách hàng, chuyên viên kế toán/giao dịch viên, nhân viên ngân quỹ, chuyên viên công nghệ thông tin, nhân viên hỗ trợ kinh doanh. Trong đó, các vị trí yêu cầu kinh nghiệm là chuyên viên khách hàng, kế toán và giao dịch viên.
Các ứng viên sau khi trúng tuyển sẽ công tác tại TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng,...
Vietcombank chỉ nhận hồ sơ ứng viên tốt nghiệp đại học hệ tập trung chính quy/liên kết (không bao gồm hệ liên thông, tại chức, văn bằng 2, vừa học vừa làm) của các trường đại học theo quy định của Vietcombank. Đào tạo Thạc sỹ trở lên chỉ là tiêu chí ưu tiên
Đặc biệt, nhóm chuyên viên khách hàng có quy định độ tuổi ứng tuyển không quá 40 tuổi tại thời điểm nộp hồ sơ.
Trước đó, Ngân hàng BIDV cũng ra thông báo tuyển dụng cán bộ tại TP HCM năm 2022 với 202 chỉ tiêu.
Các vị trí tuyển dụng chính bao gồm chuyên viên nghiệp vụ tín dụng (174 chỉ tiêu), chuyên viên nghiệp vụ kế toán (18 chỉ tiêu), chuyên viên Tổ chức nhân sự (2 chỉ tiêu), nhân viên nghiệp vụ tín dụng (3 chỉ tiêu), nhân viên nghiệp vụ kế toán (2 chỉ tiêu), nhân viên Tổ chức nhân sự và nhân viên Công nghệ thông tin.
Ngân hàng TPBank cũng ra thông báo tuyển dụng 100 giao dịch viên làm việc tại Hà Nội. Yêu cầu đối với các ứng viên là tốt nghiệp Cao đẳng trở lên chuyên ngành kế toán, tài chính ngân hàng hoặc tương đương.
Ngoài ra, trong tháng 7/2022, một số ngân hàng thông báo tuyển dụng nhân sự quy mô lớn như ngân hàng MSB, ABBank, Techcombank, HDBank.
Ngân hàng MSB sắp tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng
Tuần qua, một trong những tin ngân hàng gây chú ý là việc MSB công bố Nghị quyết của HĐQT về việc phát hành thêm 470 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ.
Cụ thể, để tăng vốn điều lệ, ngân hàng MSB sẽ phát hành thêm tối đa 472.500.000 cổ phần phổ thông. Trong đó bao gồm: 458.250.000 cổ phần phổ thông phát hành cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30% so với vốn điều lệ hiện tại; 14.250.000 cổ phần ESOP phát hành cho người lao động MSB theo Chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2022.
Như vậy, tổng giá trị phát hành thêm theo mệnh giá là 4.725 tỷ đồng. Theo đó, nếu phát hành thành công, số lượng cổ phiếu sau phát hành sẽ tăng lên 2 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng.
Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ là nguồn vốn chủ sở hữu, cụ thể là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần có thể sử dụng để tăng vốn điều lệ sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.