Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Lợi nhuận Vietcombank và MB dự báo tăng, cho vay bất động sản tiếp tục bị siết
Tuần qua, loạt tin ngân hàng như: Lợi nhuận Vietcombank được dự báo vượt 33.000 tỷ đồng trong năm 2022; tại MB tăng 30% trong năm 2022;...
Lợi nhuận Vietcombank được dự báo vượt 33.000 tỷ đồng trong năm 2022
Theo báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), CTCP Chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng sẽ cao hơn kế hoạch. Cụ thể, các chuyên gia dự báo lợi nhuận 2022 sẽ tăng 21,4% đạt 33.128 tỷ đồng và năm 2023 tăng 20,4%, đạt 40.153 tỷ đồng.
Các chuyên gia cũngdự báo thu nhập lãi thuần (NII) tăng 9,5 và 14,8%, tăng trưởng cho vay đạt 14,5% và 13% trong năm 2022 và 2023. Thu nhập ngoài lãi dự kiến tăng trưởng mạnh đạt 28,7% và 21,3% trong hai năm 2022 và 2023 nhờ thu nhập từ phí và hoạt động ngoại hối.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao đạt 424,4% và tỷ lệ nợ xấu thấp 0,64% vào cuối năm 2021 sẽ khiến cho chi phí trích lập dự phòng của ngân hàng có thể giảm trong hai năm tới.
Theo các chuyên gia, do chất lượng tài sản tốt và tất cả các khoản vay tái cơ cấu đều đã được trích lập dự phòng trong năm 2021 nên việc Thông tư 14 hết hiệu lực vào cuối quý II sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến ngân hàng trong năm 2022.
Trong quý I, cho vay của ngân hàng Vietcombank tăng 7,1% so với đầu năm vàlà ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng tín dụng trước khi chạm ngưỡng giới hạn tín dụng.
Vì vậy theo VNDirect, ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng ổn định trong các quý tiếp theo, nhưng sẽ khó đạt được mức tăng trưởng tín dụng cao từ Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn 2022-2023.
Theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt, Vietcombank sẽ nhận lại một tổ chức tín dụng đang chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN với chi phí bằng không và sẽ được tăng trưởng tín dụng không giới hạn nhưng vẫn phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn bắt buộc (CAR).
Vietcombank cũng là một trong số ít các ngân hàng có NIM cải thiện trong quý đầu năm nhờ lợi suất tài sản tăng và chi phí vốn giảm (do CASA tăng).
Lợi nhuận trước thuế tại MB tăng 30% trong năm 2022
Cụ thể, báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, Mã: MBB), Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo rằng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của MB đạt 21.479 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021.
Về tăng trưởng tín dụng, VCBS cho rằng với việc nhận chuyển giao bắt buộc, ngân hàng sẽ được ưu tiên tăng trưởng tín dụng thêm 5-10% trong năm 2022 và các năm tới có thể tăng khoảng 30%/năm mà vẫn đảm bảo an toàn với tỷ lệ CAR duy trì ở mức 10-11%.
Ngoài ra, ngân hàng sẽ gia tăng mức độ hợp tác với Viettel với việc chào bán 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ, nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%, MB cũng dự kiến sẽ mỗi năm sẽ chào bán cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ 1-2% vốn điều lệ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, fintech, kinh doanh nền tảng viễn thông và kinh doanh chuỗi.
VCBS cũng cho rằng MB có thể có mức tỷ suất sinh lời cao hơn nhờ vào việc mở rộng cho vay bán lẻ, tài chính tiêu dùng và cho vay doanh nghiệp siêu nhỏ (micro-SME). Bên cạnh đó, chi phí vốn sẽ tiếp tục duy trì thấp khi CASA tăng trưởng nhờ các chương trình thu hút khách hàng và phát triển ứng dụng số.
Cho vay khách hàng đạt 415.549 tỷ đồng, tăng 14,3% kể từ đầu năm. Nhóm ngành bất động sản và xây dựng chiếm 12,9% tổng dư nợ tín dụng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm 3,98%. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt gần 162 nghin tỷ đồng, giảm 5,7% kể từ đầu năm, tỷ lệ CASA theo đó giảm xuống 41,4%.
Ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn điều lệ lên 46.882 tỷ đồng trong năm 2022 thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20%, phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược và ESOP.
Ngân hàng nhà nước tìm cách “bịt cửa” cho vay bất động sản trá hình
Tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua là vấn đề cho vay bất động sản.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến bổ sung nhiều quy định nhằm hạn chế hoạt động cho vay liên quan tới việc sử dụng vốn vay tiêu dùng, sinh hoạt liên quan như một dạng trá hình đến bất động sản, nhằm kiểm soát rủi ro.
Cụ thể, số liệu thống kê từ cơ quan này cho biết, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức khoảng 2,288 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2021 và chiếm 20,44% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản ước 800.000 tỷ đồng, chiếm 7% tổng dư nợ tín dụng.
Qua đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận thấy, một số tổ chức tín dụng cho khách hàng cá nhân vay với mục đích tiêu dùng, sinh hoạt liên quan đến bất động sản với số tiền lớn. Điều này tiềm ẩn rủi ro nếu xảy ra biến động trên thị trường bất động sản.
Vì vậy, để kiểm soát rủi ro đối với khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản, cơ quan quản lý cho rằng cần quy định chặt chẽ hơn về quy trình, điều kiện, hồ sơ, thủ tục, phương án sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ... đối với các khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống để mua nhà ở; xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà.
Ngoài ra, cũng tại dự thảo, Ngân hàng Nhà nước dự kiến bổ sung một loạt nhu cầu vốn mà các ngân hàng không được phép cho vay. Trong đó, các ngân hàng không được cho vay để khách hàng chứng minh khả năng tài chính trong các giao dịch dân sự với bên thứ ba.
Không được cho vay góp vốn hợp tác đầu tư, kinh doanh mà vốn góp hình thành vốn điều lệ hoặc không hình thành vốn điều lệ; không cho vay nhận chuyển nhượng vốn góp; không cho vay thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch tương lai chưa đủ điều kiện; không cho vay bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa.
Nêu quan điểm về dự thảo này, Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng Dự thảo Thông tư 39 chủ yếu hướng tới việc kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn của khách hàng vay và kiểm soát rủi ro tín dụng.
HoREA cho rằng việc bổ sung quy định tổ chức tín dụng “không được cho vay thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật (trích dự thảo thông tư )” là cần thiết.
Ngân hàng Nhà nước rút gần 100.000 tỷ qua kênh tín phiếu
Số liệu mới được cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, cơ quan này đã thực hiện hút thêm gần 30.000 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ bán tín phiếu trong hai phiên giao dịch 27/6 và 28/6.
Cụ thể, mỗi phiên NHNN đã bán thành công 15.000 đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày cho thành viên tham gia. Tuy nhiên, lãi suất trúng thầu đã giảm xuống 0,65% từ mức 0,7% trong những phiên trước đó.
Đây là phiên hút ròng tiền Đồng khỏi thị trường thứ 6 liên tiếp của cơ quan quản lý tiền tệ. Trong tuần trước, NHNN thực hiện hút ròng gần 69.800 tỷ qua kênh tín phiếu kỳ hạn 7 ngày và lô đầu tiên 200 tỷ phát hành vào ngày 21/6 đã đáo hạn vào hôm qua. Như vậy, chỉ sau 6 phiên giao dịch vừa qua, NHNN đã rút khỏi thị trường 99.600 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.
Đáng chú ý, hoạt động hút thanh khoản quyết liệt của NHNN diễn ra sau khi cơ quan này chỉ mới sử dụng lại kênh tín phiếu từ ngày 21/6 sau 2 năm liên tục duy trì ở tình trạng đóng băng. Đây là bước đi đặc biệt của nhà điều hành sau một thời gian dài liên tục \'\'buông\'\' kênh này nhằm duy trì thanh khoản hệ thống, chủ động giữ lãi suất siêu thấp trong và sau đại dịch Covid.
Việc mở trở lại kênh hút tiền của NHNN diễn ra khi thanh khoản hệ thống liên tục ở trạng thái dồi dào, khiến lãi suất VND liên ngân hàng giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Theo giới phân tích, thanh khoản hệ thống dư thừa một phần do hạn mức tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và tăng trưởng huy động phục hồi.
Số liệu của Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, số dư của hệ thống ngân hàng trên tài khoản CITAD được duy trì ở mức cao trong lịch sử, hơn 400 nghìn tỷ đồng. Số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh khoảng 110 nghìn tỷ đồng, tiếp tục hỗ trợ thanh khoản tiền đồng. Trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước đã mua 75 triệu USD từ các ngân hàng thương mại, tương đương khoảng 1.741 tỷ đồng được bơm vào hệ thống ngân hàng.
Thực tế, trong đợt điều tiết lần này, NHNN đã không ấn định lãi suất phát hành như những trước đó mà sử dụng hình thức đấu thầu lãi suất. Thanh khoản dư thừa trong hệ thống khiến lãi suất phát hành chỉ ở mức 0,65 - 0,7%, thấp hơn nhiều so với lãi suất kỳ hạn 7 ngày trên thị trường liên ngân hàng.
Phản ứng sau hoạt động hút thanh khoản của NHNN, lãi suất VND kỳ hạn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng lên 0,6 - 0,7% từ mức 0,3 - 0,4% trước đó. Diễn biến này sẽ phần nào giúp điều chỉnh đà tăng của tỷ giá hối đoái và giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối.
Tiền gửi thanh toán của người dân lần đầu vượt 1 triệu tỷ đồng
Tin ngân hàng tiếp theo liên quan tới tiền gửi thanh toán của người dân.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân trong hệ thống ngân hàng đạt 1,04 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm và cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021. Theo thống kê, tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân trong hệ thông ngân hàng tăng liên tục 8 quý liên tiếp từ quý I/2020.
Cùng với đà tăng tiền gửi tài khoản thanh toán cá nhân, đến hết tháng 3, toàn hệ thống ngân hàng có 118,6 triệu tài khoản thanh toán thuộc sở hữu của khách hàng cá nhân, tăng 3% so với cuối năm 2021 và cao hơn 14% so với quý I năm trước, ứng với khoảng 14,5 triệu tài khoản được mở mới.
Nếu trong quý I/2021, bình quân mỗi tài khoản thanh toán của người dân để khoảng 7,1 triệu đồng thì đến cuối quý I/2022, số dư này đã tăng lên 8,8 triệu đồng/tài khoản.
Top 5 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất vào cuối tháng 3 vẫn là Techcombank, MB, MSB, Vietcombank, ACB, không thay đổi so với cuối năm 2021. Techcombank là quán quân" về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, duy trì trong 3 năm gần đây. Đến 31/3, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 50,4%. Ngân hàng có đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ CASA sẽ đạt tới 55%.
Tăng trưởng tín dụng cũng là tin ngân hàng gây chú ý trong tuần qua.
Tính đến thời điểm 20/6/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3.3% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3.48%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3.97% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3.13%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8.51% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 5.47%).
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lãi suất được điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu của chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất - kinh doanh. Tín dụng được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tỷ giá trung tâm được điều hành chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; qua đó, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh.