Tin nhanh thị trường bất động sản: ‘Sốt đất’ liệu có diễn ra vào năm 2022?

Nhiều ‘đại gia’ bất động sản bị ngân hàng xiết nợ dịp cuối năm, môi giới tung tin tạo ‘sóng đất’ tại Khánh Hòa, Quảng Nam thu hồi loạt dự án bất động sản của Đạt Phương, Bách Đạt An, Thủ tướng Chính phủ ra công điện rà soát, chấn chỉnh tình hình đấu giá đất thời gian qua, Tập đoàn FLC làm dự án hơn 4.400 tỷ tại Phú Thọ,… là những thông tin được quan tâm nhất tuần qua.

Sốt đất liệu có diễn ra vào năm 2022?

Bàn về khả năng xuất hiện tình trạng sốt đất như thời điểm trước, các chuyên gia VRES 2021 cho rằng, hiện tượng này có thể khó xảy ra trong năm 2022. Ông Lực cho biết, thị trường BĐS đặc biệt là phân khúc đất nền ở các tỉnh đang được đẩy mạnh quy hoạch phát triển sẽ tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư trong năm tới nhưng rất khó xuất hiện tình trạng sốt đất.

Sẽ khó có làn sóng giá BDS trong năm 2022. Năm 2021, thị trường xuất hiện nhiều cơn sốt là do nhiều thông tin quy hoạch, thậm chí còn do một số nhà đầu tư, đầu cơ, cò đất tiếp tay thổi giá. Tuy nhiên, với việc Chính phủ, các địa phương có kinh nghiệm hơn trong kiểm soát, và có nhiều động thái để siết thị trường, các cơn sốt đất nhiều khả năng nằm trong tầm khống chế. Mặt khác, ông Lực cũng đánh giá, nhà đầu tư trải qua nhiều cơn sốt đất đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi lướt sóng thất bại. Đồng thời, thông tin về nhà đất hiện nay đang ngày càng trở nên công khai, minh bạch hơn, khó lợi dụng quy hoạch tạo giá ảo như trước đây. Trong năm 2022, thị trường có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng không mạnh và không đột biến như các năm trước đó.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, những nguyên nhân khiến giá đất sốt nóng vừa qua đến từ các thông tin về nguồn cung, quy hoạch, sự thay đổi của điều kiện hạ tầng. Nhưng trong năm 2021, các kế hoạch phát triển về hạ tầng, quy hoạch đã được dần công bố. Bởi vậy, sang đến năm 2022 sẽ không còn nhiều tiền đề để xuất hiện những điểm nóng hạ tầng nào có thể tạo ra sốt.

Tập đoàn FLC làm dự án hơn 4.400 tỷ tại Phú Thọ

UBND tỉnh Phú Thọ vừa có Quyết định số 3336/QĐ-UBND về việc chuyển mục đích và giao đất cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC để thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái và thể thao Việt Trì, TP Việt Trì- giai đoạn 1 (phân khu D, E, F) tại xã Chu Hóa và phường Vân Phú, TP Việt Trì.

Theo đó, chuyển mục đích sử dụng diện tích 204.266,1m2 đất gồm đất chuyên trồng lúa nước, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất rừng sản xuất, đất giao thông, đất thủy lợi… tại xã Chu Hóa và phường Vân Phú, TP Việt Trì sang đất thương mại, dịch vụ, đất công trình công cộng, đất khu vui chơi giải trí, đất giao thông…

Giao diện tích 213.921,4m2 bao gồm diện tích 204.266,1m2 đã chuyển mục đích nêu trên và diện tích đất trồng rừng sản xuất 9.655,3m2 cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thuê để thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái và thể thao Việt Trì, TP Việt Trì- giai đoạn 1 (phân khu D, E, F).

Được biết, dự án Khu đô thị sinh thái và thể thao Việt Trì – giai đoạn 1 (phân khu D, E, F) có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 4.400 tỷ đồng, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần tập đoàn FLC. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm, tiến độ thực hiện dự án 2021 – 2024.

Cuối năm, ‘đại gia’ bất động sản bị ngân hàng xiết nợ

Thời gian qua, nhiều ngân hàng ra thông báo chào bán đấu giá khoản nợ, phát mại tài sản của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty bất động sản.

Đơn cử như Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Quân đội (MBAMC) vừa có thông báo về việc chào bán tài sản là phần vốn góp tại Công ty TNHH Quan Minh (Quan Minh) để tiến hành thu hồi nợ.

Theo đó, giá trị tài sản chào bán là 250 tỉ đồng, bao gồm 225 tỉ đồng (90% vốn điều lệ) thuộc sở hữu của ông Hoàng Văn Cường (SN 1975) và 25 tỉ đồng (10% vốn điều lệ) của ông Hoàng Bá Dũng (SN 1990).

Một ‘đại gia’ bất động sản khác ở tỉnh Quảng Ninh cũng bị VietinBank và Agribank rao bán khoản nợ để xử lý thu hồi nợ, đó là Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm (Xuân Lãm).

Theo VietinBank, khoản nợ của Xuân Lãm có giá trị tính đến ngày 30/11 là 60,1 tỉ đồng, bao gồm dư nợ gốc 20,3 tỉ đồng và nợ lãi 39,7 tỉ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là 3 lô đất có tổng diện tích 3.949,5 m2 tại tỉnh Quảng Ninh.

Một ngân hàng khác là Sacombank cũng đang rao bán nhiều dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh, như: Khoản nợ 596 tỉ đồng của CTCP Đầu tư Địa ốc Vạn Phát, được bảo đảm bằng 40 triệu cổ phiếu CTCP Bất động sản Đô Thành (DTR); khoản nợ 1.143,3 tỉ đồng của Công ty TNHH Bất động sản Phước Trí, được bảo đảm bằng quyền sử dụng 7.016,9 m2 đất tại số 201-203 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình.

Sacombank cũng đang rao bán 5 khoản nợ có tổng giá trị lên tới 2.402,2 tỉ đồng của Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Bất động sản Quang Vinh, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Nam Đô Long và 3 cá nhân là bà Liêng Thị Thảo, ông Liên Thành Liêm và bà Đàm Kim Phụng. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này là 25,25 triệu cổ phần CTCP Dịch vụ Du lịch Quốc tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Vũng Tàu Intourco).

Ngoài ra, Sacombank còn chào bán đấu giá toàn bộ khoản nợ trị giá 1.217,6 tỉ đồng của CTCP Tư vấn Đầu tư Bất động sản Minh Dương, với tài sản bảo đảm là dự án chung cư 3.103,8 m2 tại 212B/C79 Nguyễn Trãi (quận 1, TP Hồ Chí Minh); khoản nợ 473,7 tỉ đồng của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ, được bảo đảm bằng lô đất số 21-23 Nguyễn Biểu (quận 5, TP Hồ Chí Minh).

Nhiều ‘ông lớn’ bất động sản đề xuất làm loạt dự án tại Khánh Hòa, môi giới tranh thủ tung tin, hét giá để tạo ‘sóng’ đất?

Thời gian qua, tại Khánh Hòa, hàng loạt ‘ông lớn’ địa ốc đã đề xuất nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như: cuối tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có buổi làm việc với Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn KDI Holdings về báo cáo đề xuất ý tưởng đầu tư 2 dự án trên địa bàn tỉnh gồm: Quy hoạch vùng kinh tế động lực công nghiệp – đô thị – dịch vụ Ninh Hòa và Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực sông Cái Nha Trang.

Ngoài ra, Tập đoàn FLC mới đây cũng đã báo cáo về các đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Cụ thể, FLC đề xuất nghiên cứu đầu tư Khu phức hợp nghỉ dưỡng đô thị sinh thái cao cấp tại vịnh Nha Phu, thị xã Ninh Hòa, với quy mô nghiên cứu khoảng 8.650 ha (4.000 ha mặt nước và khoảng 4.650 ha đất nghiên cứu xây dựng).

Phối cảnh một phần Khu phức hợp nghỉ dưỡng tại vịnh Nha Phu được FLC đề xuất.  
Phối cảnh một phần Khu phức hợp nghỉ dưỡng tại vịnh Nha Phu được FLC đề xuất.  

Ngoài dự án trên, FLC cũng đề xuất nghiên cứu Công trình khách sạn, trung tâm thương mại 6 sao cao 40 tầng tại khu đất 48-48A đường Trần Phú. Theo đề xuất, đây là các dự án tổ hợp đa chức năng, với sự liên kết đồng bộ nhiều hạng mục tiện ích đa dạng giúp nâng cao năng lực đón khách cao cấp cho cơ sở hạ tầng du lịch Khánh Hòa.

Ngay sau khi những đề xuất loạt dự án trên được công khai, ‘Cò đất’ đã tranh thủ đổ về các xã vùng ven thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) thu gom đất nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp có xen lẫn đất ở.

Người dân địa phương cho biết, cứ nhóm này đi lại có nhóm khác kéo đến khiến khung cảnh yên bình nơi này bỗng trở nên thật náo nhiệt. Có những lô đất tiền tỷ được cọc chỉ trong vòng 10 – 15 phút.

Được biết hiện nay tỉnh Khánh Hòa cũng đang khẩn trương lập 3 quy hoạch lớn gồm: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến 2040; Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến 2040 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050.

Lợi dụng những thông tin này, các môi giới đã đổ xô quảng bá, tung tin, hét giá nhằm đầu cơ bán đất giá cao.

Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia bất động sản ở Khánh Hòa cảnh báo, người dân nên cẩn trọng trước việc môi giới tung tin thất thiệt về giá đất hiện nay, nhất là đất khu vực phân lô, đất vùng ven chưa có pháp lý rõ ràng. Bởi khi sốt đất đi qua, mất thanh khoản thì người mua cuối cùng (thường là người dân đã mua hớ) là người chịu thiệt hại nặng nề.

Quảng Nam thu hồi loạt dự án bất động sản của Đạt Phương, Bách Đạt An,..

Theo thông tin được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh Quảng Nam, dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương do CTCP Tập đoàn Đạt Phương (mã CK: DPG) làm chủ đầu tư đã chính thức bị thu hồi. Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân ký quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định số 1582 ngày 5/5/2017 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) dự án này.

Quyết định có nêu rõ nguyên nhân thu hồi là do Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 214/QĐSKHĐT ngày 14/10/2021 về việc chấm dứt hoạt động của dự án. Ngoài ra UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3268/QĐ-UBND ngày 9/11/2021 về việc thu hồi quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.

Quyết định thu hồi dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương của CTCP Tập đoàn Đạt Phương.  
Quyết định thu hồi dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương của CTCP Tập đoàn Đạt Phương.  

Ngoài việc thu hồi dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành Quyết định về việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh – PPC tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình.

Cũng thuộc diện bị thu hồi là loạt dự án tại Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) do CTCP Bách Đạt An làm chủ đầu tư. Cụ thể, gồm Khu đô thị Bách Đạt 3, khu đô thị Bách Đạt 4, khu đô thị Bách Đạt 5 và khu đô thị Bách Đạt 6.

Được biết, 4 dự án trên có tổng diện tích khoảng 48 ha, trước đó được tỉnh Quảng Nam giao cho Công ty CP Bách Đạt An để đối ứng thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình chợ Điện Dương.

Tuy nhiên, do công trình chợ Điện Dương không thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục đầu tư (hình thức đối tác công tư) theo quy định của nhà nước, nên các quỹ đất để thực hiện các dự án nêu trên không phải là quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện công trình chợ Điện Dương.

Đấu giá đất tại nhiều địa phương có dấu hiệu ‘nóng’ bất thường, Thủ tướng Chính phủ ra công điện rà soát, chấn chỉnh

Công điện có nêu rõ, thời gian nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế – xã hội và thị trường nhà ở, bất động sản.

Để công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở trong thời gian tới hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.

Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua.  
Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua.  

Đồng thời, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản; đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng.

Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Minh thu (T/H)

Theo Kinh doanh & Phát triển