Tỉnh đông dân nhất Việt Nam sắp trở thành 'bến đáp' của KCN đa ngành 400 triệu USD

Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng với tỷ lệ 1/2.000 KCN phía Tây TP. Thanh Hóa mới đây đã được HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua.

Theo đó, diện tích để lập quy hoạch dự án khoảng 645,2ha với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD. Ranh giới của dự án được xác định như sau: Phía Bắc giáp khu dân cư xã Đông Yên, Đông Hòa; phía Nam giáp khu dân cư xã Đông Phú; phía Đông giáp với đường quy hoạch (Vành đai 2, Vành đai 5 phía Tây) và phía Tây giáp kênh B10 và khu dân cư xã Đồng Tiến.

Đồ án này nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 và điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung đô thị Gốm huyện Triệu Sơn đến năm 2040.

Phối cảnh KCN phía Tây TP. Thanh Hóa trong tương lai. Ảnh: Internet
Phối cảnh KCN phía Tây TP. Thanh Hóa trong tương lai. Ảnh: Internet

Việc xây dựng các khu công nghiệp (KCN) nhằm đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng; thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Cùng với đó là sẽ bố trí các loại hình công nghiệp sao cho phù hợp, hài hòa với tổng thể kiến trúc nhằm đảm bảo yêu cầu về phòng chống cháy nổ, sử dụng đất đai một cách hợp lý, bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

KCN phía Tây tỉnh Thanh Hóa sẽ trở thành KCN đa ngành, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường, mục tiêu hướng đến công nghiệp 4.0, ưu tiên các ngành nghề như: Điện tử, viễn thông, cơ khí, chế tạo, xe máy, thiết bị điện tử... KCN này có thể giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 - 40.000 lao động.

Ngày 28/6/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa và Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đã ký biên bản ghi nhớ về việc thực hiện việc nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN phía Tây TP.

Dự án này được dự kiến sẽ triển khai xây dựng vào năm 2024-2025 với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD.

Việc xây dựng các KCN được xem là "cú hích" về kinh tế trong tương lai của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Internet
Việc xây dựng các KCN được xem là "cú hích" về kinh tế trong tương lai của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Internet

Trên tổng diện tích quy hoạch là 645,2ha, cơ cấu và chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cụ thể như sau: Đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp diện tích 447,94ha (chiếm 69,43%), mật độ xây dựng tối đa 70%; tầng cao công trình tối đa là 5 tầng...

KCN được chia làm 2 phân khu: Khu A có diện tích 375ha nằm phía Nam tuyến đường từ TP. Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân và khu B có diện tích khoảng 270,2ha nằm phía Bắc tuyến đường từ TP. Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân.

Đối với các ô đất có chức năng sản xuất công nghiệp sẽ được tổ chức không gian và hình thức kiến trúc sao cho phù hợp với loại hình công trình công nghiệp với mật độ xây dựng cao, thấp tầng. Khoảng lùi đối với từng hạng mục công trình trong lô đất cần đồng bộ và thống nhất dựa trên một trật tự và nguyên tắc nhất định.

Nghị quyết về việc thông qua Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp (KCN) phía Tây thành phố của HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu khi thực hiện dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN cần thực hiện các dự án khu tái định cư, đảm bảo hoàn thành xây dựng khu tái định cư trước khi thực hiện di chuyển các hộ dân. Theo dự kiến, dự án sẽ bố trí 3 khu tái định cư nhằm phục vụ vấn đề giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án.

Thanh Hóa là tỉnh nằm ở khu vực phía Bắc Trung Bộ, có diện tích hơn 11.000km2 và là tỉnh rộng thứ 5 cả nước.

Với dân số 3,72 triệu người (số liệu thống kê năm 2022), tỉnh Thanh Hóa được xem là địa phương có dân cư đông nhất Việt Nam, chỉ sau 2 thành phố trực thuộc Trung ương là TP. HCM và TP. Hà Nội.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống