Tình hình nhà đất ven đô Hà Nội trầm lắng sau sốt nóng

Mấy năm trở lại đây, tình trạng sốt đất, thổi giá diễn ra ở nhiều khu vực ăn theo dự án quy hoạch. Thậm chí, chỉ trong thời gian ngắn giá bất động sản đã bị đẩy gấp 2 lần, theo đó không ít nhà đầu tư phải ôm hận khi mua đúng đỉnh. Đặc biệt, sau khi ngân hàng có động thái siết tín dụng, nhiều dự án xuất hiện tình trạng rao bán cắt lỗ, tuy nhiên, mức giá vẫn cao.

Sốt ảo triền miên, nhà đầu tư bị chôn vốn

Thời gian qua, thị trường bất động sản ven Hà Nội liên tục xảy ra các cơn sốt đất ảo. Theo đó, nhiều khu vực giá đất tăng mạnh, thậm chí có nơi đã tăng gấp 2 - 3 lần chỉ so với trước năm 2020. Tuy nhiên, khi các cơn sốt đất qua đi là lúc thị trường bất động sản chững lại, khiến cho nhiều nhà đầu tư tay ngang chôn vốn và buộc phải cắt lỗ hàng trăm triệu đồng một lô đất.

Nhà đất ven đô chững lại sau sốt nóng
Nhà đất ven đô chững lại sau sốt nóng

Đơn cử như giá đất tại nhiều khu vực từng là điểm nóng hồi cuối năm 2021 giờ đã hạ nhiệt, mức giá chững lại. Cụ thể, các lô đất thổ cư Hòa Lạc, giá đất vẫn dao động 10 - 20 triệu đồng/m2. Giá khu vực Đồng Mô, Yên Bài (huyện Ba Vì) giá khoảng 6 - 9 triệu đồng/m2 nhưng có diện tích lớn, tương đương giá trị 5-10 tỷ đồng/lô.

Tại huyện Hoài Đức, một trong những điểm nóng về đất đai tại Hà Nội, những ngày này trở nên vắng lặng. Nhiều văn phòng giao dịch bất động sản tại khu vực này thừa nhận, mới chỉ đầu năm nay, mỗi ngày văn phòng bán được 3 - 4 lô đất nhưng 2 tháng nay không bán được lô nào.

Tương tự, các huyện vùng ven Hà Nội như: Thạch Thất, Mê Linh, Quốc Oai… giao dịch bất động sản trầm lắng hơn, giá đất không còn hiện tượng tăng nữa và nhiều nhà đầu tư chịu áp lực tài chính đã bắt đầu cắt lỗ.

Về phía Bắc như Sóc Sơn, Đông Anh mức độ quan tâm giảm từ 8-30%. Phía Đông có Long Biên, Gia Lâm mức độ quan tâm giảm 21-28%. Còn phía Nam có Thanh Trì giảm 24%. Qua đó, có thể thấy đất nền đang tiếp tục đà giảm mức độ quan tâm so với quý II vừa rồi.

Trong hai quý vừa qua, thị trường đất nền trầm lắng đã tạo ra áp lực lớn cho các nhà đầu tư, đặc biệt những người đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Áp lực về vốn vay, họ bắt buộc phải cắt lỗ, giảm giá để bán được. Đất nền, từng được ví như phân khúc “vua” trong đầu tư, có dấu hiệu hạ nhiệt rất rõ.

Chặn tình trạng sốt đất ảo, thổi giá đất

Thực tế, thời gian qua tại nhiều khu vực giá bất động sản tăng cao, thậm chí có hiện tượng môi giới đẩy giá nhằm trục lợi. Điều này làm méo mó cho thị trường bất động sản.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Chính phủ yêu cầu ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được cấp phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng. Tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức cá nhân hành nghề môi giới bất động sản. Chấn chỉnh hành vi "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập nếu trên, Chính phủ yêu cầu rà soát lại các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài theo hướng xây dựng công cụ chính sách lành mạnh, phù hợp, hiệu quả. Đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường bất động sản, không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý. Đẩy mạnh việc phân quyền cho các cấp, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất thí điểm cơ chế chính sách tạo động lực mới cho thị trường phát triển.

Nhiều chuyên gia bất động sản cũng cho rằng việc xuất hiện thông tin quy hoạch chính là một trong những nguồn cơn của các đợt "sốt đất ảo" diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Thông tin quy hoạch không được công bố hoặc công bố thiếu đầy đủ đã tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức lợi dụng quy hoạch để "tạo sóng," gây "sốt đất ảo", làm rối loạn thị trường.

Nhiều nhà đầu tư muốn thoát hàng

Theo khảo sát, sau thời gian sốt, giá đất vùng ven đã lên một mức mới, nhiều khu vực đắt ngang ngửa, thậm chí còn hơn cả khu vực nội đô. Một số dự án mới ra hàng có mức giá trung bình tương đối cao, rơi vào khoảng 8.462 USD/m2 đất, tương đương mức tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá bán thứ cấp quý III/2022 tiếp tục đà tăng, với mức tăng từ 18-25% so với cùng kỳ năm trước, tùy thuộc vào loại hình và khu vực. Việc siết chặt tín dụng vẫn tiếp tục khiến tỷ lệ hấp thụ trong quý này giảm 5 điểm % theo quý, xuống còn 25%.

Biểu đồ tăng giá nhà đất tại Hà Nội. (Nguồn:VARS)
Biểu đồ tăng giá nhà đất tại Hà Nội. (Nguồn:VARS)

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), lực cầu chủ yếu tới từ nhu cầu thực. Nhu cầu đầu tư lướt sóng cũng đã dè dặt hơn khi giá thị trường vẫn neo cao, thanh khoản thấp dù các chủ đầu tư đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi, tặng quà, chiết khấu.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cảnh báo, nhà đầu tư và người dân cần hết sức cẩn trọng trước những chiêu trò mới, tinh vi của môi giới bất động sản "dỏm". Nhiều khu vực không có người mua, không có giao dịch nhưng môi giới vẫn tạo sóng ảo, đăng thông tin khách chốt liên tục để người mua hiểu lầm. Nhà đầu tư cũng cần cẩn thận đối với chiêu trò tự phân lô những khu đất rừng, đất nông nghiệp rồi sau đó giao dịch.

Hiện tượng sốt đất, bong bóng gần như không còn xuất hiện, đặc biệt là với sản phẩm đất nền bởi hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như bị triệt tiêu. Mặc dù có dấu hiệu sụt giảm nhưng thị trường bất động sản chưa rơi vào suy thoái.

Nhận định thị trường thời gian tới, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, đánh giá, hậu Covid-19, người mua càng thận trọng hơn khi tham gia thị trường khi giá bán tăng cao và nhiều dự án không đảm bảo về mặt pháp lý.

Dự thảo Luật đất đai sửa đổi với chính sách, quy định mới như loại bỏ khung giá đất cho các dự án bất động sản hay mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều đất, nhà ở, bỏ hoang hoặc chậm sử dụng, sẽ giúp tăng tính minh bạch cho thị trường, thanh lọc các dự án và chủ đầu tư yếu kém, hạn chế tình trạng đầu cơ. Điều này sẽ giúp tăng chất lượng, sự an toàn cho thị trường, tạo niềm tin cho người mua.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống