Tố cáo sai phạm bị trù dập: Người hùng cô đơn

Để những sai phạm trong dự án đường sắt đô thị Nhổn- ga Hà Nội bị phát giác, có công của ông Lương Xuân Bình.

Tố cáo sai phạm bị trù dập: Người hùng cô đơn - Ảnh 1
Ông Lương Xuân Bình- người dũng cảm đấu tranh với sai phạm ở MRB.  Ảnh: Vnexpress.

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc thực hiện kiến nghị kết luận thanh tra và bảo vệ người tố cáo sai phạm tại Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB). Cá nhân được đề nghị bảo vệ là ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó Trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB). Ông Bình là người có 6 năm đi tố cáo các sai phạm ở dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Theo Thanh tra Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc tiến hành thanh tra các nội dung theo đơn tố cáo của ông Lương Xuân Bình, Thanh tra Chính phủ đã ban hành quyết định thanh tra tại dự án nêu trên.

Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ thấy nhiều nội dung tố cáo của ông Lương Xuân Bình là có cơ sở. Vì vậy, cơ quan này đề nghị chủ tịch UBND TP Hà Nội quan tâm, tổ chức thực hiện các kiến nghị, đặc biệt là chỉ đạo trưởng ban MRB phối hợp với các sở, ngành kiểm tra, rà soát, xử lý và giảm trừ hoặc thu hồi đối với các kiến nghị về kinh tế được nêu tại kết luận thanh tra nhằm ngăn chặn nguy cơ thất thoát lớn ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra thì MRB đã ban hành quyết định điều động viên chức, dẫn đến giảm thu nhập hằng tháng của ông Lương Xuân Bình; quyết định thành lập hội đồng kỷ luật viên chức, thi hành kỷ luật đối với ông có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ông Bình bị xét vào diện dôi dư với ý định áp dụng quy định về giảm biên chế để loại ông ra khỏi biên chế làm việc tại MRB.

“Qua xem xét các văn bản nói trên của Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội do ông Lương Xuân Bình cung cấp cho thấy có dấu hiệu trù dập và loại bỏ người tố cáo”, Thanh tra Chính phủ nêu.

Văn bản đề nghị của Thanh tra Chính phủ về trường hợp của ông Lương Xuân Bình đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Rõ ràng, trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tham nhũng, ông Lương Xuân Bình là một người hùng, bởi sự dũng cảm của ông khi đứng ra tố cáo những sai phạm của cấp trên mình, nhưng để đổi lại, ông bị trù dập, mất chức, giảm lương và đưa vào diện “dôi dư” để cho thôi việc. Đó có phải là một kết cục để “dằn mặt” những người dám đấu tranh?

Ông trở thành “người hùng cô đơn”, đơn độc, bị xa lánh trong chính cơ quan mình. Phòng làm việc của ông bị gỡ tên, ông giống như một “người vô hình”, chỉ vì tội dám… dũng cảm đấu tranh với cái xấu. Tâm sự trên báo Vnexpress, ông Bình nói: "Điều đó đến với tôi rất tự nhiên, tôi coi đây là việc phải làm với bổn phận, chức trách của mình để tránh thất thoát cho Nhà nước và nhân dân. Nếu suy nghĩ nhiều về thiệt - hơn và được - mất thì tôi sẽ không bao giờ tham gia vào công cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Nhưng tôi luôn tin vào chân lý và pháp luật".

“Quá trình đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng như không thể vượt qua. Nhưng điều tôi sợ nhất là sự im lặng, sự im lặng của cơ quan chức năng và những người tốt xung quanh mình"- lời tâm sự thật lòng của ông Lương Xuân Bình khiến chúng ta cảm thấy xót xa, cay đắng.

Tại sao người tốt như ông Bình lại cô đơn, lại trở thành “người vô hình”, lại nhận về sự im lặng, xa lánh của những người xung quanh?

Nếu những người như ông Bình không được tôn vinh, bảo vệ, không nhận về những hồi đáp xứng đáng, còn ai sẽ muốn trở thành người dũng cảm giống như ông? Còn ai sẽ lên tiếng đấu tranh với những kẻ tham nhũng để bảo vệ sự công chính của luật pháp?

Được biết, sau văn bản của Thanh tra Chính phủ gửi UBND TP Hà Nội về việc phục chức cho ông Bình, mọi chuyện vẫn chưa có chuyển biến gì rõ rệt, phía MRB cho biết “sẽ họp và đề xuất giải pháp với lãnh đạo Hà Nội”.

Và ông Lương Xuân Bình, vẫn tiếp tục chờ đợi trong sự cô đơn.

Mi An

Theo Báo Đất Việt