Tốc độ triển khai nhà ở xã hội còn chậm chạp
Nhiều năm qua, giá nhà đất, căn hộ chung cư liên tục tăng, kể cả trong lúc giao dịch trầm lắng thì giá cũng không có dấu hiệu hạ nhiệt, điều này khiến người dân khó tiếp cận nhà ở khi thu nhập cách xa giá nhà. Để giải quyết vẫn đề này, Chính Phủ đã phê duyệt đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2023. Tuy nhiên cho đến nay, tốc độ triển khai xây dựng còn chậm chạp do vấp phải nhiều vướng mắc.
Ngày 3/4/2023, Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành khoảng 1.062.200 căn nhà ở xã hội; trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Đề án đề ra với mục tiêu đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn - nguồn cung nhà ở xã hội thiếu nghiêm trọng, mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thực tế của công nhân lao động. Đồng thời, còn là giải pháp “cứu cánh" cho doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh dòng tiền tắc nghẽn, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro. Ngoài ra, việc giải quyết nguồn cung phân khúc này sẽ là “chìa khóa" giải tỏa vấn đề lệch pha cung cầu, góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh.
Nguồn cung vẫn nhỏ giọt
Việc giải quyết nhà ở giá rẻ cho công nhân và người có thu nhập thấp đã được Chính phủ, Nhà nước quan tâm từ nhiều năm về trước, tuy nhiên sau hơn 10 năm kể từ 2011 đến 2020, cả nước mới hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với khoảng 157.100 căn chỉ đạt 41,7% kế hoạch đề ra. Giai đoạn 2021-2030, Chính Phủ phê duyệt “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp”. Tuy nhiên, đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025, cả nước mới hoàn thành 46 dự án, quy mô 20.210 căn hộ, chỉ bằng 4,7% kế hoạch đề ra.
Mặc dù còn cách xa mục tiêu đề ra, nhưng với chỉ đạo sát sao của Nhà nước trong việc ưu tiên xử lý, tháo gỡ về thủ tục, chính sách, tài chính đồng thời là sự phối hợp chủ động của doanh nghiệp, tốc độ phát triển nhà ở xã hội đã khả quan hơn, với ngày càng nhiều dự án được cấp phép triển khai và hoàn thành.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), lượng dự án hiện tại mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thực tế của công nhân lao động. Việc giải quyết nguồn cung phân khúc này sẽ là lời giải cho vấn đề lệch pha cung cầu, đồng thời còn là “cứu cánh" cho doanh nghiệp địa ốc trong bối cảnh dòng tiền tắc nghẽn, thị trường ảm đạm.
Số liệu báo cáo từ Bộ Xây dựng cho biết, năm 2021, 2022 mỗi năm cả nước chỉ có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô khoảng gần 6.000 căn hộ thì chỉ tính riêng quý 3/2023, đã có tới 12 dự án với quy mô 12.679 căn hộ được chấp thuận chủ trương đầu tư trên cả nước. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực từ các địa phương trên cả nước và doanh nghiệp đã bắt tay vào việc triển khai xây dựng.
Mặc dù, nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Các cơ quan, Chính phủ đã chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển; kịp thời giải quyết những vướng mắc theo thẩm quyền để thực hiện các chính sách đạt mục tiêu, yêu cầu. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc triển khai thực vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng tới kết quả thực thi. Đặc biệt, một số khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn tồn tại gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện khiến nguồn cung vẫn còn “nhỏ giọt".
Kỳ vọng từ chính sách?
TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định, chính sách với nhiều “trợ lực” đã sẵn sàng nhưng khi thực thi vẫn còn nhiều “rào cản”. Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, TP.HCM mục tiêu xây được 35.000 căn nhà ở xã hội; trong đó có 4.500 căn là nhà lưu trú công nhân. Giai đoạn 2026-2030 sẽ xây khoảng 58.000 căn, đã bao gồm 8.000 căn nhà ở cho công nhân. Thế nhưng, số lượng khoảng 100.000 căn được xây dựng đến năm 2030 cũng chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người dân.
Dự báo giai đoạn 2025-2030, TP.HCM có khoảng 240.000 người có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Thống kê trong năm 2021 và 2022 cho thấy, TP.HCM chỉ mới hoàn thành một dự án với 260 căn nhà ở xã hội. Nhiều doanh nghiệp cho rằng nếu không có cơ chế đột phá, cách làm mới, kể cả số 100.000 căn dự kiến xây cũng khó đạt được. Câu chuyện của TP.HCM cũng là tình trạng đang diễn ra ở một số địa phương khác.
Do vậy, kỳ vọng từ chính sách cho thị trường nhà ở xã hội trong thời gian tới là cần thiết. Đặc biệt, việc thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) mới đây, với nhiều quy định mới “gỡ khó” cho người mua và chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội, kỳ vọng sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển, cũng như tăng khả năng tiếp cận loại hình nhà ở này cho người thu nhập thấp đủ khả năng và điều kiện để mua nhà.
Theo Luật Nhà ở mới, chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội sẽ nhận được hàng loạt ưu đãi “thật” với cơ chế thông thoáng. Cụ thể, việc đưa 20% quỹ đất nhà ở xã hội sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương. Quy định này không những giải quyết được bất cập về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội từ trước đến nay cho chủ đầu tư, mà còn có lợi cho người mua nhà bởi thông qua việc nắm rõ các thông tin về nhu cầu của người dân, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp.
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở mới đã được sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách rất quan trọng và thiết thực, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tiếp cận cho người dân khi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Đây cũng là "điểm" kỳ vọng tạo cú hích thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, tiếp thêm hi vọng mua được nhà cho người dân, đem lại dòng tiền cho doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy tiến trình phục hồi của thị trường bất động sản.
Cụ thể, Luật Nhà ở mới có 3 điểm tiến bộ, gỡ khó cho người dân, giải quyết thực trạng "vừa thừa, vừa thiếu". Thứ nhất, quy định người mua nhà chỉ cần "chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nơi có dự án đầu tư xây dựng "đã tháo gỡ cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xác nhận hồ sơ; Thứ hai, điều kiện về thu nhập để được mua, thuê mua nhà ở xã hội đã có hướng thông thoáng hơn. Không chỉ giới hạn ở những người không nộp thuế thu nhập cá nhân như hiện tại; Thứ ba, Luật Nhà ở 2023 vừa được thông qua đã bãi bỏ điều kiện cư trú đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Mặc dù còn ít nhất 1 năm nữa, các quy định mới trong Luật Nhà ở mới chính thức “đi” vào cuộc sống, nhưng những điểm mới này đã phần nào tác động đến tâm lý của người mua nhà, cũng như kế hoạch, định hướng phát triển của chủ đầu tư./.