Tổng Giám đốc Bách hóa Xanh: Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng Bách hóa Xanh sẽ trên 2 tỷ đồng/tháng
Trước câu hỏi về doanh thu trên cửa hàng có thể đạt tối đa bao nhiêu, Tổng Giám đốc Bách hóa Xanh (BHX) Phạm Văn Trọng không ngần ngại chia sẻ: Với quy mô hiện tại, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng Bách hóa Xanh sẽ trên 2 tỷ đồng/tháng.
Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh tháng 4/2024, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG) ghi nhận doanh thu sơ bộ đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và tăng 17% so với tháng trước.
Về cơ cấu doanh thu, chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh mang về doanh thu khoảng 7.900 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ do đóng góp tích cực từ các sản phẩm điện máy.
Chuỗi Bách hóa Xanh doanh thu vượt 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ. Doanh thu bình quân đạt xấp xỉ 1,9 tỷ đồng/cửa hàng, riêng kênh online mang về 135 tỷ đồng.
Động lực tăng trưởng đến từ cả 2 ngành thực phẩm tươi sống và FMCGs, với doanh số các nhóm sản phẩm tăng từ 30-70% so với cùng kỳ. Số lượt giao dịch trung bình đạt khoảng 500 hóa đơn/cửa hàng/ngày, tăng trưởng 40% và giá trị trung bình/hóa đơn tăng nhẹ.
Tại buổi họp nhà đầu tư tổng kết kết quả kinh doanh quý 1/2024 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động, trước câu hỏi về doanh thu trên cửa hàng có thể đạt tối đa bao nhiêu, Tổng Giám đốc Bách hóa Xanh (BHX) Phạm Văn Trọng đưa ra câu trả lời tự tin: “Với quy mô hiện tại, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng Bách hóa Xanh sẽ trên 2 tỷ đồng/tháng”.
Theo ông Trọng, BHX đang có những sự thay đổi lớn để hướng tới sự phục vụ khách hàng hiệu quả hơn và có lời trong thời gian tới. Trong quá trình dịch chuyển lớn này, BHX sẽ phải xử lý một số vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng, dự kiến hoàn thành trong vài tháng tới.
Để cải thiện lợi nhuận BHX trong năm 2024, ông Trọng cho biết vẫn tiếp tục chiến lược đặt ra từ đầu năm là tăng trưởng về doanh thu và tập trung tối ưu chi phí, trong đó có 2 mảng lớn là chi phí vận hành cửa hàng và chi phí vận hành logistics. Riêng chi phí logistics quý 1/2024 được Tổng Giám đốc BHX cho biết gần 3.5% doanh thu.
Ông Trọng đánh giá sức mua tiêu dùng dự kiến không tăng hoặc tăng không đáng kể từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, điểm lợi cho BHX là xu thế chuyển dịch từ kênh truyền thống sang hiện đại vẫn đang tiếp diễn, đồng thời nhấn mạnh BHX đang trên lộ trình hướng đến đóng góp vào lợi nhuận cho Tập đoàn trong năm 2024.
Về mức đóng góp của các sản phẩm, nhãn hàng riêng trong BHX và kế hoạch phát triển trong tương lai, Tổng Giám đốc BHX cho biết: “Trước đây có thực hiện nhưng sau đó xác định không tập trung phát triển mạnh sản phẩm riêng, vì khả năng sản xuất của các nhãn hàng đã quá tốt”.
Cũng trả lời về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT MWG Nguyễn Đức Tài cho rằng bây giờ chưa phải lúc tập trung vào nhãn hàng riêng. Theo ông, các sản phẩm, nhãn hàng loại này có vai trò riêng, mang đến những sản phẩm giá tốt so với chất lượng và hỗ trợ cho hiệu quả của nhà bán lẻ.
“BHX còn nhiều thứ phải ưu tiên hơn, ngay cả với TGDĐ và ĐMX đã phát triển nhiều năm và có thị phần lớn cũng chỉ tập trung ở một số nhãn hàng riêng”, ông Tài chia sẻ.
Trước đó, Bách hoá Xanh ghi nhận lỗ thêm 105 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, bằng 1/3 số lỗ cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, con số lỗ của chuỗi đã giảm đáng kể so với các năm trước. Dù vậy, luỹ kế giai đoạn từ 2016 đến nay, Bách hóa Xanh vẫn lỗ gần 8.757 tỷ đồng.
Trong quý đầu năm, CTCP Đầu tư và Công nghệ Bách hóa Xanh (Đầu tư Bách hoá Xanh) - công ty con của MWG sở hữu thương hiệu Bách hoá Xanh, đã thông báo hoàn tất giao dịch chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư CDH Investments (thông qua Green Bee 2 Private Limited). Tỷ lệ cổ phần chào bán là 5% (năm phần trăm) trên tổng số cổ phần đã phát hành của Đầu tư Bách hoá Xanh.