TP. HCM: 4 tháng cuối năm phải 'tiêu' gần 50.000 tỷ đầu tư công
Đến cuối tháng 8, TP. HCM chỉ giải ngân được 19.000 tỷ vốn đầu tư công, đạt 28% so với kế hoạch vốn được giao là 68.490 tỷ đồng. Thành phố đầu tàu kinh tế cả nước thuộc 41 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương giải ngân đạt dưới 40% kế hoạch vốn.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, dù liên tục đôn đốc nhưng đến nay tình hình giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện nhiều. Cụ thể, tính đến đầu tháng 8/2023, nhiều sở, ngành và quận huyện có tỷ lệ giải ngân thấp, dự án hiếm hoi có tỷ lệ giải ngân cao là Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM.
Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP. HCM mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP nhận định về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, nguyên do vướng mắc nhiều nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Năm nay thành phố có 153 dự án ghi vốn bồi thường giải phóng mặt bằng với số vốn hơn 27.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các địa phương mới giải ngân hơn 6.300 tỷ đồng (đạt trên 35%). Trong đó có 25 dự án có số vốn bồi thường giải ngân rất thấp.
Giải ngân vốn đầu tư công tại TP. HCM được đánh giá có dấu hiệu khởi sắc trong quý II khi đã chi 9.401 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án Vành đai 3. Tuy nhiên đến tháng 7/2023 thì chững lại.
Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, trong năm 2023, toàn TP có 134 dự án được ghi vốn bồi thường với tổng số vốn 20.189 tỷ đồng. Nguyên nhân do vướng mắc trong pháp lý của dự án và khâu thuê đơn vị thẩm định giá có khó khăn.
Nhằm “thúc” tiến độ để cuối năm đạt ít nhất 95% kế hoạch, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và địa phương rà soát, xây dựng các giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư, xây dựng, giải ngân, thanh quyết toán...
Sở Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu thường xuyên theo dõi tiến độ giải ngân, tổng hợp danh sách các đơn vị, chủ đầu tư đạt tỷ lệ giải ngân thấp đến tháng 9/2023 (dưới 30%) để đánh giá trách nhiệm người đứng đầu về giải ngân vốn đầu tư công tại đơn vị.
UBND TP.HCM đã uỷ quyền cho các quận, huyện, TP. Thủ Đức tự phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh giải ngân. Đơn cử như dự án nâng cấp mở rộng đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), sau khi được duyệt hệ số điều chỉnh giá đất hôm 6/7, chỉ một tháng sau giải ngân được 847 tỷ trên 1.750 tỷ đồng, dù 7 tháng trước đó, tỷ lệ giải ngân là 0%. Sắp tới, thời gian đưa ra giá đất để các địa phương áp dụng phải rút xuống còn một tuần, thay vì một tháng như hiện nay.
Sắp tới, Thành phố sẽ ban hành danh mục các dự án thực hiện, cơ sở triển khai trước một bước việc điều tra, khảo sát, xác minh nguồn gốc đất, gỡ vướng cho việc giải phóng mặt bằng.
Năm 2023, TP. HCM được giao giải ngân vốn đầu tư công khoảng 70.000 tỷ đồng, cao hơn 2,6 lần so với năm 2022. Trong đó, gồm 15.000 tỷ vốn Trung ương và 55.000 tỷ vốn địa phương.
“Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, cần rất tập trung để hoàn thành kế hoạch vào cuối năm nay”, lãnh đạo Thành phố chia sẻ.
Báo cáo của Bộ Tài chính vừa qua cho thấy, ước giải ngân vốn đầu tư công cả nước đến ngày 31/8 là hơn 299.447 tỷ đồng, đạt 39,6% kế hoạch vốn và đạt 42,3% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, vốn trong nước giải ngân là hơn 292.186 tỷ đồng, đạt 40,1% kế hoạch vốn và đạt 43% kế hoạch Thủ tướng giao.
So với cùng kỳ năm 2022 (đạt 39,15%) tỷ lệ giải ngân tăng khá nhiều. Nguyên do có 11 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt từ 40%. Đặc biệt một đơn vị và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao như: Ngân hàng Nhà nước (62,75%), Ngân hàng Phát triển (100%), Tiền Giang (62,12%), Long An (66,18%), Đồng Tháp (66,94%)…