TP. HCM: Bất động sản vùng ven “thức giấc"
Thời điểm đầu năm 2015, nhiều dự án hạ tầng quan trọng tại TP. HCM và một số địa phương phía Nam khác đã có đà chạy mạnh, dường như là cú huých làm thức tỉnh thị trường bất động sản vùng ven, trong đó có nhiều dự án từng “ngủ đông” trong một thời gian dài.
Xu hướng giãn dân từ nội đô TP. HCM ra ngoại thành đang diễn ra - Ảnh: Lê Toàn
Trong tháng 2/2015, đã có 3 dự án hạ tầng giao thông lớn được hoàn thành hoặc khởi công xây dựng. Đó là tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55 km được thông xe toàn tuyến. Dự án này đi qua địa phận TP. HCM và tỉnh Đồng Nai, là một bộ phận của hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trước đó, tại TP. HCM đã khởi công cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, nối từ quận 1 sang Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Hay cận kề thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi, Dự án đường Phạm Văn Đồng - Tân Sơn Nhất - Bình Lợi – Vành đai ngoài được thông xe thêm hơn 4 km (đoạn từ nút giao Linh Đông đến nút giao Linh Xuân, quận Thủ Đức), đưa tổng số chiều dài đã hoàn thành là gần 11 km trong tổng số 13,6 km của toàn tuyến đường này.
Đón sóng hạ tầng, các dự án thuộc nhiều phân khúc đều có sự chuyển mình. Trong đó, khá hiệu quả là Dự án Mega Ruby của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) với liên tiếp các đợt mở bán dịp cuối năm 2014. Dự án này tọa lạc ngay góc giao đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường vành đai trong (phường Phú Hữu, quận 9).
Theo bà Hồ Thị Minh Thảo, Phó tổng giám đốc KDH, sau các đợt mở bán mới đây đã có 141 căn hộ được đặt mua với giá từ 2 - 2,5 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 100 tỷ đồng của năm 2014. Cần phải nói thêm, vài năm trước, KDH luôn không đạt kế hoạch lợi nhuận, thậm chí còn có kết quả kinh doanh thua lỗ.
Cũng tại khu Đông, đáng chú ý, có một số dự án vốn đã “ngủ đông” trước đây, nay đã có những động thái tích cực để chào bán, như Khu đô thị Đông Tăng Long, Dự án Minh Sơn... Hay một số dự án đất nền đã “im hơi, lặng tiếng” nhiều năm qua, nay được đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoặc được làm mới bằng cách phân lô bán nền. Đơn cử, Công ty Thiên Niên Kỷ mở bán Dự án Khu dân cư Trường Thọ (quận Thủ Đức).
Đây là dự án được phân lô từ một khu đất có diện tích gần 1.000 m2 thành nhiều lô đất có diện tích từ 50 - 70 m2… Chỉ sau gần 1 tuần mở bán, toàn bộ sản phẩm đã được khách hàng đặt mua.
Dấu hiệu khởi sắc của thị trường vùng ven TP. HCM tiếp tục dịch chuyển ra các tỉnh lân cận TP. HCM như Long An, Bình Dương, trong đó, Bình Dương đang là tâm điểm của thị trường. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Tấc Đất Tấc Vàng, cuối tuần qua, mặc dù dư âm ngày Tết vẫn còn, song lượng khách hàng quan tâm đến bất động sản Bình Dương đã tăng lên đáng kể với hơn 200 khách hàng tham dự sự kiện tham quan các dự án và ngay trong buổi giới thiệu này, đã có khá nhiều khách hàng quyết định mua sản phẩm đất nền Dự án Green Center City tại Thành phố mới Bình Dương.
“Ngoài yếu tố hạ tầng dẫn lối với nhiều dự án giao thông kết nối TP. HCM với các địa phương này trong thời gian gần đây đã được đẩy mạnh, thì giá bán mềm hơn cũng là yếu tố tác động đến quyết định xuống tiền của khách hàng”, ông Hoàng Anh Tuấn nhận định.
Tương tự, tại Long An, Đồng Nai…, khách hàng cũng đã bắt đầu quan tâm trở lại đến kênh bất động sản. Ông Dương Long Thành, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Thắng Lợi cho biết, năm nay giao dịch bất động sản bắt đầu từ khá sớm, chỉ tính từ lúc khai trương (mùng 9 Tết) đến nay đã có hơn 10 khách hàng mua sản phẩm Dự án Phúc Long tại Long An. Còn tại Đồng Nai, theo thông tin từ các DN, từ đầu năm đến nay cũng đã có khá nhiều khách hàng đi xem đất, đặc biệt sự kiện thông xe toàn tuyến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây đã tạo cho bất động sản Đồng Nai sức hút mới.
Theo phân tích của giới chuyên môn, xu hướng giãn dân từ trung tâm TP. HCM ra vùng ven và các địa phương lân cận đang diễn ra ngày một nhanh hơn và ngày càng có nhiều người sẵn sàng chấp nhận di chuyển xa hơn để có thể sở hữu những căn hộ rộng rãi, những biệt thự có sân vườn, thay vì ở trong những căn hộ chật chội.
Thực tế, ngoài những dự án hạ tầng đã kể trên, thì ngay ở các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai… cũng đang tích cực với các kế hoạch phát triển và kết nối hạ tầng. Đơn cử, ngoài những tuyến đường hiện hữu kết nối với TP. HCM, Bình Dương đã lên kế hoạch phát triển mạng lưới kết nối khác qua hệ thống xe buýt đi từ Thành phố mới Bình Dương đến TP. HCM.
Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ có sự đột phá trong phát triển hệ thống đường sắt phát triển đô thị, với 6 tuyến đường trên cao và 1 tuyến đường trên mặt đất. Trong đó, sẽ có 2 tuyến kết nối với TP. HCM… Hay tỉnh Đồng Nai đã “điểm danh” 10 công trình giao thông quan trọng với số vốn đầu tư lên đến gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó, năm 2015 tỉnh này có 3 dự án xếp vào hạng cấp bách là cầu An Hảo bắc qua sông Cái, dự án mở rộng đường 25B và dự án đường 319 nối với cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây…
Báo Đầu tư Bất động sản