TP.HCM: Căn hộ bình dân chỉ chiếm 18% nguồn cung sơ cấp
Số liệu thống kê của Cushman & Wakefield Vietnam công bố mới đây cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, ở TP.HCM chỉ có gần 1.200 căn hộ mới được tung ra thị trường, giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, đa phần thuộc phân khúc bất động sản trung và cao cấp, căn hộ bình dân chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhoi 18%.
Trong khi nguồn cung ít, các chủ đầu tư vẫn có xu hướng tạm ngưng mở bán mới để quan sát tâm lý thị trường. Đáng nói, nguồn cung căn hộ bình dân vẫn lép vế khi phân khúc hạng sang chiếm ưu thế với 59% thị phần nguồn cung mới trong nửa đầu năm 2024.
Trong khi đó, với nhà liền thổ, nửa đầu năm 2024, thị trường TP.HCM ghi nhận sự thụt lùi về số lượng giao dịch với 173 căn nhà được bán, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước. Quỹ đất ít đẩy giá bán trung bình và giá trị bất động sản nhà liền thổ lên cao, khiến phân khúc này không còn tồn tại khái niệm nhà ở vừa túi tiền trong thời gian gần đây. Dự báo đến năm 2026, TP.HCM sẽ không còn các sản phẩm thấp tầng có giá dưới 5 tỷ đồng và chỉ có 10% nguồn cung sơ cấp có giá dưới 10 tỷ đồng. Trong khi đó, các sản phẩm với mức giá này lại chiếm đến 85% nguồn cung ở Bình Dương và 55% ở Đồng Nai.
Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Vietnam, tính thanh khoản của loại tài sản nhà liền thổ đang kém đi do giá trị bất động sản cao. Một dự án chào bán mới ở khu vực phía Nam TP.HCM đã đẩy giá bán sơ cấp trung bình quý II/2024 nhảy vọt lên 19.146 USD/m², tăng 17% so với quý I/2024 và 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nhà đầu tư dần chuyển sang các bất động sản có giá trị thấp hơn và tính thanh khoản cao hơn trong bối cảnh thị trường trầm lắng.
Trước đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, trong nửa đầu năm 2024, TP.HCM xây dựng hoàn thành 2 dự án NOXH bao gồm khu NOXH Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh) với 242 căn hộ và Dự án Nhà lưu trú công nhân phường Thạnh Mỹ Lợi (TP. Thủ Đức) với 368 căn. Các dự án này có tổng diện tích sàn là 50.831 m2. Như vậy, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, TP.HCM đã hoàn thành 4 dự án NOXH có quy mô 1.233 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng 112.385 m2.
Ngoài ra, Thành phố cũng đang triển khai thi công 6 dự án NOXH với quy mô 4.386 căn tại các khu vực như huyện Bình Chánh, Quận 6, quận Tân Bình, Quận 10 và TP. Thủ Đức. Mới đây, TP.HCM đã có dự án NOXH đầu tiên được vay gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Đó là Dự án NOXH cho công nhân thuê thuộc cụm công nghiệp tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức quy mô 1.040 căn, do Công ty CP Đầu tư Thủ Thiêm làm chủ đầu tư. Dự án này được Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cấp hạn mức tín dụng cho vay 680 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 6/2024, dư nợ giải ngân cho vay đạt 170 tỷ đồng.
Lo ngại giá nhà ở TP.HCM tiếp tục bị đẩy lên cao
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở dự báo tiếp diễn trong năm nay, sẽ khiến giá bán nhà có thể tiếp tục bị đẩy lên cao.
Chủ tịch HoREA đánh giá trong năm 2024, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh sẽ còn tiếp tục mất cân đối "cung - cầu" nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở. Việc này dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên cao hoặc "neo giá cao", đặc biệt là vẫn "lệch pha" về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội.
Trong giai đoạn 2015 - 2020 có hàng trăm dự án nhà ở thương mại không thể triển khai thực hiện hoặc không thể thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, vừa gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung dự án dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại, đẩy giá nhà tăng liên tục trong các năm qua. Việc này làm gia tăng tình trạng lệch pha phân khúc thị trường, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp luôn luôn chiếm tỷ trọng áp đảo trên thị trường, chiếm trên dưới 70% thị phần và rất thiếu căn hộ nhà ở bình dân có giá vừa túi tiền phù hợp với khả năng tài chính của đông đảo người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội.
Theo giới chuyên gia, muốn kéo giảm giá nhà thủ tục hành chính cần nhanh hơn, giảm chi phí để doanh nghiệp tạo sản phẩm có lợi và đúng với nhu cầu thật của người dân hiện nay.
Cùng bàn về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần phải xem xét đa dạng hóa và cơ cấu lại sản phẩm nhà ở, chuyển hướng mạnh sang phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp… Đây là các lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa có ý nghĩa xã hội nhân văn, tuy có tỷ suất lợi nhuận thấp nhưng ít rủi ro, đồng thời có lợi cho việc xây dựng uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.