TP. HCM sắp xây 'tam cầu' và một đường sắt kết nối với tỉnh có sân bay lớn nhất Việt Nam
Dự án cầu Cát Lái, Phú Mỹ 2, Đồng Nai 2 và đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành thời gian tới sẽ được đầu tư xây dựng nhằm mục tiêu kết nối TP. HCM với tỉnh sở hữu sân bay lớn nhất Việt Nam.
3 cây cầu nghìn tỷ sắp được đầu tư
Thời điểm hiện tại, tuyến đường kết nối đường bộ giữa hai địa phương Đồng Nai và TP. HCM đều thông qua trục chính là Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K (đi qua địa phận tỉnh Bình Dương) và cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng hiện đang bị quá tải.
Nhu cầu đi lại giữa TP. Thủ Đức (TP. HCM) đi qua khu đô thị Nhơn Trạch (Đồng Nai) hiện ngày càng tăng cao nhưng việc cả hai địa phương bị ngăn cắt, việc kết nối trực tiếp phải thông qua phà Cát Lái gây nhiều bất tiện trong việc giao thương, buôn bán.
Dự án cầu Cát Lái được Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung vào quy hoạch 7 năm trước. Thời điểm đó, dự án này được nghiên cứu dài 4,5km với 8 làn xe.
Công trình này bắt đầu từ nút giao Mỹ Thủy (TP. Thủ Đức) đi theo đường Nguyễn Thị Định, vượt sông và hướng về tỉnh lộ 25B tại Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Cây cầu được dự kiến triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) với kinh phí khoảng 7.200 tỷ đồng và hoàn thành vào năm 2020.
Nhưng hiện dự án vẫn nằm trên giấy và chưa được triển khai. Tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần kiến nghị xây dựng cầu Cát Lái trước năm 2025, nhưng TP. HCM lại muốn xây sau năm 2030. Do đó, TP. HCM đang đề nghị tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch đầu tư cầu Cát Lái cũng như các nội dung phối hợp giữa 2 địa phương nhằm làm cơ sở thống nhất để triển khai thực hiện dự án.
Ngoài dự án cầu Cát Lái, TP. HCM và tỉnh Đồng Nai đã thống nhất bổ sung quy hoạch thêm 2 cầu nhằm tăng kết nối là cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2.
Theo đó, cầu Đồng Nai 2 kết nối huyện Long Thành với TP. Thủ Đức có quy mô 6 làn xe, điểm đầu được kết nối với Vành đai 3 tại nút giao Gò Công - đường nhánh từ tuyến Vành đai Xa lộ Hà Nội (P. Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức); điểm cuối nối đường ĐT 777B (xã Tam An, huyện Long Thành).
Dự án cầu Phú Mỹ 2 sẽ nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) qua quận 7 phía Nam TP. HCM.
Công trình từ phía bờ huyện Nhơn Trạch vượt sông Đồng Nai, đi theo đường Hoàng Quốc Việt (6 làn xe nối vào nhánh rẽ với tuyến Nguyễn Lương Bằng sau đó cầu nối với đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ Nguyễn Lương Bằng đến Nguyễn Hữu Thọ sẽ có 4 làn xe).
Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành
Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có điểm đầu là ga Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP. HCM) và điểm cuối là sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Tuyến đường sắt này phần lớn chạy song song với cao tốc TP. HCM - Long Thành với tổng chiều dài tuyến 37,35km, trong đó đoạn qua TP. HCM dài 11,8km, đoạn qua Đồng Nai dài 25,55km.
Theo dự kiến, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành sẽ có 20 ga gồm ga trong sân bay Long Thành; depot bố trí phía Đông sân bay Long Thành (tại xã sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai).
Tuyến đường sắt này chủ yếu phục vụ vận tải hành khách giữa trung tâm TP. HCM với sân bay quốc tế Long Thành với tốc độ vận tốc tối đa 80km/h, vận tốc khai thác 60km/h.
Theo tính toán ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỷ đồng, sẽ được đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) được triển khai trên diện tích đất rộng 5.000ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành, đây sẽ là sân bay lớn nhất cả nước, có thể hoạt động với công suất 25 triệu khách mỗi năm trong giai đoạn 1, sẽ hoàn thành vào năm 2026.