TP.HCM tính bán đất bám metro và vành đai 3 thu về 450.000 tỷ đồng

TP. HCM đang xây dựng Đề án 'tạo và khai thác quỹ đất tại các vùng phụ cận nhà ga dọc tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2 và vùng phụ cận các nút giao thông tuyến Vành đai 3 theo cơ chế, chính sách đặc thù.

Theo đó, việc sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn TP. HCM hiệu quả thấp. Hiện còn hàng ngàn hécta đất nông nghiệp và các khu đất do cơ quan, tổ chức của nhà nước quản lý dọc theo quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị, tuyến Vành đai 3 TP. HCM và các trục đường giao thông chưa khai thác hiệu quả.

TP. HCM dự kiến thu gần 500 nghìn tỷ từ quỹ đất dọc tuyến metro, vành đai (ảnh minh họa)  
TP. HCM dự kiến thu gần 500 nghìn tỷ từ quỹ đất dọc tuyến metro, vành đai (ảnh minh họa)  

Theo Sở Tài nguyên- Môi trường TP. HCM, cần phải có giải pháp thực hiện các dự án quỹ đất để phục vụ công tác tái định cư, xây dựng nhà ở xã hội, bán đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách TP. HCM để đầu tư hoàn thành các dự án giao thông.

Nếu khai thác tốt quỹ đất dọc các tuyến metro số 1 và metro số 2 cùng tuyến Vành đai 3, TP. HCM sẽ có được nguồn thu khá lớn cho ngân sách đáp ứng đầu tư cho các dự án trọng điểm; thu hút các nhà đầu tư phát triển các dự án nhà ở thương mại, dịch vụ; tạo quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội, chỉnh trang đô thị, hình thành các khu đô thị văn minh hiện đại…

Theo tính toán của đề án, khi thực hiện khai thác bán đấu giá một số khu đất do các cơ quan nhà nước quản lý phụ cận tuyến metro số 1, metro số 2 và Vành đai 3 TP. HCM (giai đoạn thực hiện 2025-2027), ngân sách chi 8.640 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đất do các cơ quan nhà nước quản lý sau đó bán đấu giá dự kiến ngân sách nhà nước thu về 116.132 tỷ đồng.

Trong đó, bán đấu giá dọc các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2 dự kiến thu được 25.284 tỷ đồng. Bán đấu giá các khu đất dọc tuyến Vành đai 3 TP. HCM dự kiến thu 90.848 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đề án còn đưa ra phương án tạo quỹ đất theo phương thức bồi thường đất nông nghiệp bằng đất khác hoặc nhà ở tại các khu đất do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý.

Theo đó, thực hiện 7 dự án với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 104.000 tỷ đồng. Thực hiện theo phương thức bồi thường đất nông nghiệp bằng đất khác với dự kiến 50% trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận tiền thì kinh phí chi trả khoảng 50.633 tỷ đồng. Trong trường hợp này, TP. HCM sẽ có thêm quỹ đất với tổng diện tích 105ha giá trị ít nhất là 52.897 tỷ đồng. Quỹ đất này để phục vụ tái định cư, xây dựng nhà xã hội…

Sau khi hoàn thành các dự án tạo quỹ đất, TP. HCM sẽ có tổng diện tích đất khai thác (mật độ xây dựng 40% diện tích 90,3ha) với giá trị ít nhất 453.681 tỷ đồng.

Trần Lê

Theo VietnamFinance