TP HCM vẫn là “điểm nóng” của thị trường bất động sản?
Trong năm 2024, thị trường bất động sản tại TP.HCM tiếp tục thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Theo đó, giá bất động sản nơi này cũng đã có những biến động đáng kể, phản ánh sự sôi động và phát triển của thị trường.
Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh vừa có thông báo về tình hình kinh tế - xã hội và một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ. Qua đó, tổng sản phẩm GRDP tăng 6,46% so với cùng kỳ (ước đạt 567.648,7 tỷ đồng).
Liên quan hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS), báo cáo của Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh cho thấy thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh vẫn trên đà tăng trưởng tốt.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại thành phố này ước đạt 123.887 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ.
Trước đó, năm 2023, tăng trưởng kinh doanh bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh là âm 6,38%. Đến năm 2024, kinh doanh bất động sản đã tăng trưởng dương trở lại, từ mức tăng 2,51% trong quý I/2024 sang quý II/2024, kinh doanh bất động sản đã lên 2,94%.
Cục Thống kê đánh giá thị trường bất động sản đã bước qua thời kỳ trầm lắng khi các chính sách có liên quan phát huy được hiệu quả, lãi suất cho vay giảm, khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp tăng lên, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 6,1%.
Theo nội dung báo cáo, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 20/6/2024, thành phố Hồ Chí Minh cấp phép 25.248 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 214.716 tỉ đồng, tăng 9,6% về giấy phép và tăng 1% về vốn so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được cấp phép hoạt động là 570 đơn vị và vốn đăng ký đạt 27.851 tỷ đồng, giảm 17,3% về cấp phép và tăng 4,1% về vốn. Chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,03%, trong đó giá nhà ở thuê tăng 0,08%.
Các chuyên gia nhận định, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế “đầu tàu” của cả nước về các ngành nghề kinh doanh, thương mại dịch vụ, vận tải… thu hút rất nhiều nguồn vốn cả trong lẫn ngoài nước.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Thị trường và Am hiểu Khách hàng OneHousing, giá bán sơ cấp trung bình tại TP.HCM trong quý II/2024 đạt kỷ lục 76,7 triệu đồng/m2, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường căn hộ dự kiến sẽ hồi phục trong giai đoạn 2024 - 2025 với nguồn cung và mức tiêu thụ tăng so với năm 2023.
Cụ thể, nguồn cung căn hộ mới trong quý II/2024 tăng mạnh 132,5% so với quý trước, với khoảng 8.000 - 10.000 căn dự kiến cung cấp mỗi năm. Phân khúc hạng sang dẫn dắt thị trường, chiếm 54% nguồn cung mới trong nửa đầu năm 2024, chủ yếu tập trung ở khu Đông. Mặc dù giá cao, lượng tiêu thụ căn hộ trong quý II/2024 vẫn tăng 7,3% so với năm trước, đạt khoảng 1.600 căn, trong đó phân khúc cao cấp và hạng sang chiếm 80% tổng lượng tiêu thụ.
Mới nhất, từ ngày 1/8/2024, TP.HCM chính thức áp dụng bảng giá đất điều chỉnh mới, với mức tăng từ 5 đến 50 lần nhằm phản ánh chính xác hơn giá thị trường. Mặc dù việc điều chỉnh này giúp giá đất sát hơn với thực tế, nó cũng kéo theo một số tác động tiêu cực. Do vậy, chi phí đầu vào cho các dự án bất động sản sẽ gia tăng, làm tăng giá nhà và giá thuê nhà. Đồng thời, mức tăng này cũng sẽ đẩy chi phí tiền thuê đất lên cao, gây thêm áp lực tài chính cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Đáng chú ý, các quy định pháp lý mới liên quan đến bất động sản, như Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và các nghị định hướng dẫn, sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường bất động sản TP.HCM. Việc áp dụng các quy định này sẽ làm thay đổi cách thức giao dịch, từ yêu cầu thanh toán qua ngân hàng đến việc nâng cao yêu cầu về minh bạch và bảo vệ quyền lợi người mua. Luật cũng đặt ra các tiêu chuẩn mới về phát triển dự án và quản lý đất đai, điều này có thể làm tăng chi phí đầu tư và kéo dài thời gian triển khai dự án. Trong khi những thay đổi này hướng tới việc cải thiện tính minh bạch và quản lý hiệu quả, chúng cũng có thể tạo ra những thách thức về chi phí và quy trình cho các nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản tại TP.HCM.