TP.HCM xử nghiêm tình trạng thổi giá đất ăn theo quy hoạch

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất.

Trước tình trạng giá đất, bất động sản bị giới đầu cơ thổi lên cao dựa theo các quy hoạch, trong đó có việc thành lập TP. Thủ Đức và đề án chuyển một số huyện lên quận, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã kývăn bảnsố 1634/UBND-ĐT chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện tăng cường chấn chỉnh việc quản lý nhà nước về giá đất trên địa bàn.

Cụ thể, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng thành phố tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là dự án hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án phải đủ kiều kiện theo quy định pháp luật về đất đai, pháp luật đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản. Đồng thời kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản, bảo đảm hoạt động này tuân thủ các quy định của pháp luật.

UBND TP.HCM yêu cầu tăng cường chấn chỉnh việc quản lý nhà nước về giá đất trên địa bàn.  
UBND TP.HCM yêu cầu tăng cường chấn chỉnh việc quản lý nhà nước về giá đất trên địa bàn.  

Lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để thu thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá bất động sản. Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất.

Xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Sở Tài nguyên Môi trường thành phố có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Ngoài ra, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung nêu trên và báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM trước ngày 31/5 để tổng hợp, tham mưu, trình UBND TP.HCM báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chia sẻ với báo giới về thực trạng giá nhà đất tăng cao trong thời gian qua, Chuyên gia kinh tế - TS.Lê Bá Chí Nhân cho rằng, giai đoạn 2018 – 2019, giá nhà đất tại TP.HCM có thể nói ở mức trung bình, thậm chí còn thấp hơn năm 2017. Đến năm 2020, khi TP Thủ Đức rục rịch thành lập, giá đất khu Đông tăng rất cao.

“Nắm bắt thông tin này, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tham gia vào thị trường khiến cho giá đất bị đẩy lên cao, có nơi gấp 2, gấp 3 lần. Nhưng giá này là giá ảo vì nhà đầu tư đang té nước theo mưa. Họ đổ xô vào đầu cơ kiếm lợi bởi nghĩ rằng giá đất sẽ còn tăng thêm nữa. Đây là tâm lý chung nên có tình trạng người người đổ xô đi mua đất”, TS.Lê Bá Chí Nhân nói.

Theo vị chuyên gia này, giá đất khu Đông cũng như các huyện vùng ven TP.HCM tăng cao như hiện nay nhưng đến một ngưỡng nào đó sẽ đứng lại và thậm chí quay đầu. Bởi không chỉ dựa vào việc thành lập địa giới hành chính, giá đất có tăng hay không còn phụ vào yếu tố quy hoạch cụ thể từng khu vực và các giá trị cộng hưởng của bất động sản như kết nối, tiện ích, dịch vụ…

Đức Linh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam