Trái phiếu bất động sản 2 Bộ cùng giám sát, ngăn rủi ro
Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng cùng giám sát hoạt động phát hành trái phiếu bất động sản, hạn chế tình trạng doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu bằng mọi giá với lãi suất cao.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu với khối lượng tương đối lớn. Bộ này kiến nghị Bộ Xây dựng triển khai loạt giải pháp quản lý, giám sát để đảm bảo thị trường trái phiếu phát triển ổn định, bền vững.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết ngày 16/9 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Theo quy định tại Nghị định số 65/2022, các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp kiểm tra, giám sát việc chào bán, giao dịch và cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu theo quy định tại nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
Trong khi đó, thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với khối lượng tương đối lớn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do đó, để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng có các giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, minh bạch.
Trong đó, "Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung quy định về tỷ lệ an toàn tài chính của doanh nghiệp bất động sản sau khi cấp phép xây dựng, đầu tư các dự án bất động sản", Bộ Tài chính đề nghị.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Xây dựng thường xuyên cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính về tình hình của thị trường bất động sản và các rủi ro để phối hợp quản lý. Theo thống kê của nhiều đơn vị phân tích, các doanh nghiệp bất động sản luôn nằm trong top những doanh nghiệp phát hành hành trái phiếu có lãi suất cao nhất.
Trước những sự kiện các vụ án Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục đón nhận cú sốc mới từ Vạn Thịnh Phát và cả sự kiện ngân hàng SCB, ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý thị trường nhất là các nhà đầu tư cá nhân về rủi ro an toàn hệ thống tín dụng.
Trong tháng 9, ngành bất động sản chiếm 18% tỷ trọng phát hành, tương đương tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đạt 2.800 tỷ đồng và tăng 55,6% so với tháng trước.
Nhiều vấn đề nóng của thị trường đang đặt ra, Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp như: thường xuyên đánh giá việc triển khai các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ điều chỉnh khung pháp lý cho phù hợp tại cấp Luật và Nghị định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý các sai phạm; và gần đây nhất đề nghị Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước phối hợp với tăng cường giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp bất động sản.