Triển vọng phát triển thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam
Theo các chuyên gia, bất động sản công nghiệp hiện đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước chú trọng đầu tư sâu hơn, đây là ngành được cho là có nhiều thuận lợi khi nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp Việt Nam liên tục ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Đòn bẩy chính của dòng vốn nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam trong quý I năm nay đến từ phân khúc bất động sản công nghiệp. Theo báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp của công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu JLL cho thấy giá đất công nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh trong quý đầu tiên của năm nay, với mức tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này được cho là vì ảnh hưởng của làn sóng FDI đổ vào Việt Nam ngay khi nước ta mở cửa lại các chặng bay quốc tế sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Giá thuê đất công nghiệp trung bình là $ 120 một mét cho mỗi chu kỳ thuê.
Theo JLL, thị trường nhà xưởng xây sẵn đã chuyển sang quy mô lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc tế chọn đặt nền móng hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam, nhưng muốn tiết kiệm thời gian, chi phí và nhanh chóng đưa doanh nghiệp vào hoạt động.
Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam là điểm đến lý tưởng của những doanh nghiệp muốn đa dạng hóa hồ sơ và tránh phụ thuộc vào một nước trong chuỗi cung ứng. Cùng với đó, những cải thiện trong môi trường đầu tư tại Việt Nam đang là động lực quan trọng để nhà đầu tư người Hàn đẩy mạnh dòng vốn vào bất động sản trong thời gian tới.
Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2021 có 397 khu công nghiệp đã được thành lập, bao gồm 352 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 37 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 122,9 nghìn ha.
Trong đó có 291 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 87,1 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 58,7 nghìn ha và 106 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35,7 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 70,9%, xấp xỉ so với cuối năm 2020.
Trong 6 tháng 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập 9 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 2.472 ha, tổng vốn đầu tư các dự án đạt 29.411 tỷ đồng. Các dự án cũng quy định thời gian xây dựng từ 3-4 năm kể từ khi được thành lập và thời gian hoạt động kể từ 50 năm kể từ ngày thành lập.
Bên cạnh đó, nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, nổi bật với việc gỡ bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho nhà phát triển khu công nghiệp. Đồng thời, phân quyền quản lý nhà nước nhiều hơn cho Bộ kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh trong triển khai hoạt động các khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, nhờ công tác xúc tiến, thu hút đầu tư diễn ra xuyên suốt, không bị gián đoạn trong đợt đại dịch năm ngoái, nên quá trình đầu tư vào đất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc kể từ đầu năm 2022. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Long An đã thu hút được 230 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bao gồm đăng ký mới và điều chỉnh vốn vào các khu công nghiệp. Đầu tư trong nước đạt hơn 7.000 tỷ đồng (khoảng 304 triệu USD).
Có rất nhiều dự án lớn, chẳng hạn như gã khổng lồ ngành đồ uống Coca-Cola đầu tư vào một nhà máy với tổng vốn hơn 136 triệu USD tại khu công nghiệp Phú An Thạnh ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An”, ông Thanh chia sẻ.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, diện tích đất khu công nghiệp đến năm 2030 gần 211.000 ha, tăng hơn 85.000 ha so với năm 2022 (trung bình mỗi năm tăng 10.000 ha). Quỹ đất công nghiệp dự kiến tăng mạnh trong giai đoạn 2023 trở đi có thể khiến giá thuê chững lại.
Mặc dù vẫn còn những khó khăn phải đối diện, nhưng rõ ràng cơ hội đối với ngành bất động sản khu công nghiệp là rất lớn. Vì vậy, đa số các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đều đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao cho năm 2022.