Trông đợi lãi suất giảm sâu hơn, chính sách tài khoá đang ở đâu?

Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng chính sách tài khóa có thể được thực hiện song hành với việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng dư địa để nới lỏng thêm không còn nhiều.

Hạ lãi suất, còn dư địa…

Báo cáo ASEAN Perspectives mới nhất với tựa đề “Fed một đường, ASEAN một nẻo” của Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC vừa công bố trong đó có nhận định: “Gần đây, chúng ta đã chứng kiến ảnh hưởng nghiêm trọng khi một nước đưa ra động thái quá lạc nhịp với Fed”. Mặc dù không đề cập cụ thể một quốc gia nào nhưng các chuyên gia phân tích đều chung nhận định hàm ý này đề cập đến Việt Nam.

“Cũng có một số quốc gia khác hạ lãi suất như Trung Quốc nhưng báo cáo này về ASEAN chắc ám chỉ chúng ta”, Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán nói.

Theo bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC, Việt Nam có lý do để cắt giảm lãi suất sớm hơn Fed bởi đang phải đối mặt với khó khăn về nhiều mặt.

Trước hết, thể hiện rõ qua tốc độ tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2023 của Việt Nam ở mức yếu, chỉ đạt 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, một mức sụt giảm mạnh so với tốc độ tăng trưởng 8% của năm 2022. “Tăng trưởng đã giảm tốc đủ nhiều để Việt Nam tính tới chuyện đảo ngược nỗ lực thắt chặt”, bà Yun Liu nhận định.

Trông đợi lãi suất giảm sâu hơn, chính sách tài khoá đang ở đâu? - Ảnh 1

Hơn nữa, Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm tín dụng, đây là một khó khăn khác đối với tăng trưởng. Quả vậy, tăng trưởng tín dụng đã giảm kể từ tháng 11/2022 và được dự báo vẫn chưa chạm đáy. Để giải quyết tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã không có nhiều lựa chọn và phải nhanh chóng cắt giảm lãi suất, động thái này ngay lập tức khiến lãi suất thị trường tiền tệ thấp đi.

Động thái quá “lạc nhịp” này, theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhằm chuyển sang hướng hỗ trợ phục hồi. Tuy nhiên, vấn đề hiện là lãi suất tiền gửi đã giảm sâu nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao. Ông Nghĩa lấy ví dụ, một doanh nghiệp trong lĩnh vực điện mặt trời vẫn phải trả lãi suất đi vay tới 17%/năm và mới chỉ được ngân hàng hứa giảm xuống 14%/năm vào tháng 9 này. “Nếu trừ 4% lạm phát thì lãi suất thực là 10%, không có nước nào trên thế giới có lãi suất thực khủng khiếp như vậy”, ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, yếu tố quan trọng ở đây là điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhưng mức lãi suất chưa đủ hấp dẫn đối với khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, dẫn đến cầu tín dụng chưa tăng. Hay nói cách khác, khi doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh chưa tạo ra được lợi nhuận cao hơn lãi suất đi vay, thì doanh nghiệp vẫn không vay vốn để đầu tư, phục vụ hoạt động.

Cắt giảm lãi suất tiếp hay không cắt giảm là câu hỏi lớn lúc này. TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng điều đó còn phụ thuộc vào xu hướng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Theo đó, Mỹ cuối năm có thể bắt đầu dừng tăng lãi suất, Châu Âu cũng sẽ giảm nhiệt tăng lãi suất do lạm phát hạ nhanh hơn dự báo. “Đây là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mạnh tay giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.

Bà Yun Liu nêu quan điểm, Ngân hàng Nhà nước đã đi trước khi giảm lãi suất chính sách 150 điểm cơ bản (xuống 4,50%) chỉ trong vòng ba tháng. Thực tế, lãi suất chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã thấp hơn mức trước đại dịch và kỳ vọng thêm một đợt giảm 50 điểm cơ bản nữa trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, hiện có điểm thuận lợi là tỷ lệ lạm phát đang ở mức vừa phải, trên dưới 3% nên lãi suất thực (chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lạm phát) có thể giảm xuống thêm chút nữa để thúc đẩy thêm chi tiêu và đầu tư trong nước. Nhưng, việc thực hiện chính sách không nên điều chỉnh lớn mà cần có những động thái từ từ và cũng cần theo dõi phản ứng của thị trường.

“Nhà điều hành cần có những hành động linh hoạt và hỗ trợ nhưng không nên quá nới lỏng, bởi có thể gây ra những bong bóng về tài sản khi dòng tiền không vào nền kinh tế thực mà chảy vào các sản phẩm đầu cơ”, ông Hùng nói.

Tài khóa đang ở đâu?

Trong một diễn biến liên quan, ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng, những lần điều chỉnh lãi suất chính sách thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước đã có tác động tích cực đến thị trường. Điều này đã được thể hiện qua tăng trưởng kinh tế quý II tốt hơn quý I và thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu sôi động trở lại so với những tháng đầu năm.

“Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2023 vẫn ở mức thấp, trên dưới 5%, cho thấy hiệu quả của việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào cầu tín dụng cho nền kinh tế thực. Nền kinh tế thực đang đối mặt với nhiều khó khăn dẫn đến hạn chế cầu tín dụng, theo đó tín dụng tăng trưởng chưa được như mong muốn”, ông Hùng nói.

Đồng quan điểm, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, những bất trắc trên thị trường toàn cầu đã khiến xuất khẩu chậm lại, doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư tại thời điểm này và không muốn vay vốn ngân hàng.

Bà Yun Liu phân tích, lãi suất chính sách thực tế - là lãi suất được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát - đóng vai trò lớn quyết định dòng vốn sẽ đi về đâu. Lãi suất này giảm mỗi lần ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất chính sách hoặc nếu lạm phát tăng lên. Vì vậy, nếu lãi suất chính sách thực tế của một thị trường bám quá sát với lãi suất chính sách thực tế của Fed (hoặc thậm chí thấp hơn), biên chính sách thực tế thu hẹp khiến dòng vốn chảy ra ngoài do nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở nơi khác.

“Việt Nam đang trong quá trình cắt giảm lãi suất chính sách. Tuy nhiên, nếu xảy ra tình trạng vốn chảy mất thì sao? Tình trạng chảy vốn có thể sẽ nghiêm trọng tới mức nào hay ngay từ đầu đã ồ ạt luôn?”, bà Yun Liu đặt vấn đề.

Bà Dorsati Madani cho rằng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng chính sách tài khóa có thể được thực hiện song hành với việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng dư địa để nới lỏng thêm không còn nhiều. Vì nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục ở mức thấp mặc dù lãi suất đã giảm, việc cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc đã đem lại hiệu ứng mong muốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực cho tỷ giá.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tính toán, dư địa tài khóa còn dồi dào, chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo, đảm bảo ngân sách đầu tư năm 2023 được triển khai tốt hơn. Nếu được triển khai đầy đủ, đầu tư công được nâng lên 7,1% GDP trong năm 2023, so với mức 5,5% GDP dự toán trong năm 2022, với xung lực tài khóa khoảng 0,4% GDP để hỗ trợ tổng cầu. Trong nửa đầu năm 2023, công tác triển khai đang được đẩy nhanh khi giải ngân vốn đầu tư công tăng tới 43,3% so cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, Ngân hàng Thế giới cho rằng, tiến độ triển khai đầu tư công lâu nay vẫn chậm, ví dụ như năm 2022 chỉ đạt 67,3%.

“Vị trí đóng vai trò chủ đạo của chính sách tiền tệ cần nhường chỗ cho chính sách tài khóa”, bà Dorsati Madani nhấn mạnh.
 

Mai Dung

Theo VietnamFinance