Trung Quốc sẵn sàng cho phá sản công ty BĐS 'làm tổn hại lợi ích quần chúng'
Theo Bộ trưởng Phát triển Nhà ở và Đô thị-Nông thôn Trung Quốc Ni Hong, các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc sẽ không nhận được một "gói cứu trợ" lớn và những ai “làm tổn hại đến lợi ích của quần chúng” sẽ bị trừng phạt.
Ngăn chặn rủi ro hệ thống
Bộ trưởng Phát triển Nhà ở và Đô thị-Nông thôn Trung Quốc Ni Hong mới đây đã chỉ ra những vấn đề mà Bắc Kinh phải đối mặt để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản ngày càng sâu sắc, bên cạnh các vấn đề khác về kinh tế.
“Nhiệm vụ ổn định thị trường vẫn còn khó khăn”, ông Ni nói, đồng thời nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã duy trì “điểm mấu chốt” là tránh “rủi ro hệ thống” trong lĩnh vực này thông qua việc thúc đẩy doanh số bán nhà và bổ sung thanh khoản cho các nhà phát triển đang mắc nợ.
Những phát ngôn hiếm hoi mới nhất của ông Ni Hong được đưa ra trong cuộc họp báo bên lề Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, nơi những phiên họp quan trọng hàng đầu đất nước đều dành sự chú ý vào việc đầu tư và xây dựng năng lực sản xuất cao cấp thay vì tập trung vào lĩnh vực bất động sản.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã phải "vật lộn" với cuộc khủng hoảng thanh khoản kể từ giữa năm 2021, với việc các nhà phát triển bất động sản lớn không trả được nợ hoặc trì hoãn thanh toán nợ sau khi cơ quan quản lý siết chặt việc quản lý để hạn chế đầu cơ, khiến đòn bẩy bất động sản có dấu hiệu "vỡ bong bóng".
Những tên tuổi phát triển BĐS hàng đầu đất nước, như tập đoàn công nghiệp khổng lồ China Evergrande Group đã bị phá sản vào tháng 1, trong khi đối thủ cạnh tranh Country Garden Holdings cũng đang phải đối mặt với đơn yêu cầu thanh lý ở Hong Kong.
Nhiều công ty khác, trong đó có China Vanke, công ty bất động sản lớn thứ hai nước này, đang gặp khó khăn trong việc bán căn hộ và huy động vốn, gây áp lực lên sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Cần phá sản thì phải phá sản
“Cần nhấn mạnh rằng đối với những công ty bất động sản mất khả năng thanh toán nghiêm trọng, mất khả năng hoạt động thì phải phá sản và tái cơ cấu theo nguyên tắc pháp quyền và thị trường hóa”, ông Ni nói.
Bộ trưởng này nói thêm: “Những người có hành vi xâm phạm lợi ích của quần chúng sẽ bị kiên quyết điều tra, trừng trị theo pháp luật và phải trả giá thích đáng.”
Điều này đồng nghĩa với việc các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc sẽ không nhận được một gói cứu trợ lớn từ chính phủ như những lời đồn đại được đưa ra.
Tiếp tục đẩy mạnh "danh sách trắng"
Thay vào đó, Bắc Kinh đã thực hiện nhiều phương án để "cứu cánh" cho lĩnh vực từng là động lực tăng trưởng hàng đầu cho đất nước, gần đây nhất là cơ chế "danh sách trắng" được công bố hồi cuối tháng 1. Theo cơ chế này, chính quyền thành phố sẽ giới thiệu các dự án khu dân cư cho các ngân hàng phù hợp để hỗ trợ tài chính và phối hợp với các tổ chức tài chính để đáp ứng nhu cầu của dự án.
Ông Hong Ni cho biết cơ chế này đang được triển khai tại hơn 310 thành phố ở 31 tỉnh trên cả nước để hỗ trợ các nhà phát triển.
Trong số hơn 6.000 dự án bất động sản nằm trong “danh sách trắng” của chính phủ được coi là đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng thương mại, gần 83% là từ các doanh nghiệp tư nhân hoặc sở hữu hỗn hợp.
Tính đến cuối tháng 2, hơn 200 tỷ NDT (27,8 tỷ USD) khoản vay ngân hàng đã được phê duyệt.
Nhà để ở, không phải để đầu cơ
Trong báo cáo thường niên của chính phủ tuần trước, Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc cũng sẽ nhanh chóng phát triển mô hình mới cho lĩnh vực bất động sản, tập trung vào xây dựng nhà ở giá rẻ hơn và đáp ứng nhiều nhu cầu về nhà ở.
Nhưng ông Hong Ni nhấn mạnh rằng mô hình mới sẽ tuân thủ quan điểm “nhà ở là để ở chứ không phải để đầu cơ”.
Ông Ni nói: “Trung Quốc sẽ tập trung vào việc quy hoạch và xây dựng nhà ở giá rẻ, đồng thời thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng cho mục đích sử dụng bình thường và khẩn cấp cũng như tái phát triển các ngôi làng ở các thành phố”.
Xem thêm >> Kinh tế Trung Quốc suy thoái: Đám mây đen trên thị trường toàn cầu đầy nắng