Trung tâm tài chính Đà Nẵng: Quản lý tự chủ và sản phẩm đặc thù?

Giám đốc Quốc gia, Viện Tony Blair tại Việt Nam cho rằng, nền tảng thiết yếu để một Trung tâm tài chính quốc tế thành công là ở thiết kế thể chế.

Quản lý độc lập và minh bạch

Trao đổi mới đây về cơ hội phát triển trung tâm tài chính ở Đà Nẵng, ông Rich McClellan - Giám đốc Quốc gia, Viện Tony Blair tại Việt Nam cho rằng nền, tảng thiết yếu để một IFC (Trung tâm tài chính quốc tế) thành công là ở thiết kế thể chế. Việc này nhằm để không chỉ là tạo không gian, địa điểm kinh doanh; mà còn là thiết lập một hệ thống đáng tin cậy, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Nhiều quỹ đất được Đà Nẵng ưu tiên phát triển Trung tâm tài chính. Ảnh: Phước Nguyên
Nhiều quỹ đất được Đà Nẵng ưu tiên phát triển Trung tâm tài chính. Ảnh: Phước Nguyên

Qua nghiên cứu về các IFC lớn tại Dubai, Abu Dhabi và Astana, kết quả đã cho thấy rõ hiệu quả của một cơ quan độc lập có toàn quyền trong việc xây dựng và thực hiện chính sách. Cơ quan này đóng vai trò như một trung tâm phê duyệt liên quan đến đầu tư, tinh giản quá trình ra quyết định và nâng cao hiệu quả vận hành.

“Cách tiếp cận này sẽ là thông điệp rõ ràng và thuyết phục gửi đến các nhà đầu tư rằng IFC hoạt động hiệu quả và được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư”, Ông Rich McClellan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý IFC cần tạo sự cân bằng hợp lý giữa vai trò điều tiết và phát triển kinh doanh để tích cực thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Vai trò kép này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của IFC và đảm bảo các nhà đầu tư tìm được môi trường hỗ trợ phù hợp với nhu cầu.

Theo ông Rich McClellan, mặc dù cấp phép và quản lý vẫn là những chức năng chính nhưng nhiệm vụ của cơ quan này nên mở rộng sang vai trò chỉ đạo chiến lược trong truyền thông, lập kế hoạch tổng thể và xúc tiến đầu tư.

Thành công của IFC đòi hỏi sự hội tụ của nhiều yếu tố. Để đảm bảo hiệu quả và năng lực cạnh tranh toàn cầu, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị thiết lập một cơ chế không chỉ bao gồm nhân sự từ cơ quan quản lý nhà nước mà còn cả chuyên gia khu vực tư nhân và quốc tế về tài chính, công nghệ và các lĩnh vực liên quan khác trong hoạt động quản trị và vận hành.

Ngoài ra, điều này có thể được thực hiện thông qua sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia này vào cơ cấu tổ chức của IFC hoặc thành lập một hội đồng cố vấn bao gồm các bên liên quan.

Hội đồng cố vấn sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan quản lý IFC, hướng dẫn phát triển chính sách, đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu để cuối cùng định vị cả hai thành phố trở thành IFC đẳng cấp thế giới. Cách tiếp cận này giúp đảm bảo tăng cường năng lực địa phương để hướng đến tự chủ về lâu dài.

Hạ tầng tiêu chuẩn, sản phẩm giao dịch đặc thù

Để thu hút nhà đầu vào Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết trước mắt, địa phương đã quy hoạch quỹ đất rộng 6,17ha. Khu vực này được ưu tiên với vị trí đắc địa và hạ tầng đạt tiêu chuẩn hàng đầu Việt Nam, đáp ứng các chức năng như văn phòng, cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí và tiện ích.

Bên cạnh đó, thành phố cũng dành khu đất rộng 9,7ha để phát triển các dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech). Khu vực này nằm liền kề công viên phần mềm số 2, một trọng điểm thu hút các công ty công nghệ tiên tiến với 29 cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin đạt chất lượng cao.

Về dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng thành phố sẽ nghiên cứu và quy hoạch thêm quỹ đất mở rộng với diện tích 62ha. Kế hoạch này hướng đến việc hình thành một tổ hợp hoàn chỉnh cả về quy mô lẫn không gian, tạo nền tảng phát triển bền vững.

Đà Nẵng cần thiết kế thể chế hút nhà đầu tư.
Đà Nẵng cần thiết kế thể chế hút nhà đầu tư.

Động thái này được kỳ vọng sẽ gia tăng sức hút đối với các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực hạ tầng trung tâm tài chính, đồng thời thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia hoạt động tại Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.

Thanh toán quốc tế cũng là một vấn đề đang được quan tâm khi thành lập Trung tâm tài chính. Theo ông Lê Hoàng Tùng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) để phục vụ các khách hàng trong Trung tâm tài chính Đà Nẵng là các tổ chức tài chính, tập đoàn đa quốc gia và các nhà đầu tư với nhu cầu thanh toán lớn, đa dạng và tính chất phức tạp cao, VCB sẽ xây dựng các sản phẩm mang tính đặc thù, thiết kế riêng theo nhu cầu của khách hàng.

Theo Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VCB, đơn vị này sẽ cung cấp các chính sách ưu đãi về phí và tỷ giá khi cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế, quy trình thủ tục nhanh chóng và đơn giản hóa hơn so với khách hàng thông thường.

Bên cạnh đó, với vị thế là ngân hàng đứng đầu về hoạt động kinh doanh ngoại tệ tại Việt Nam, luôn giữ thị phần số 1 về doanh số mua bán ngoại tệ với khách hàng (81,5 tỷ USD năm 2024, tăng 16%), VCB được chọn để thực hiện các giao dịch mua bán ngoại tệ giá trị lớn của doanh nghiệp và các dự án lớn của quốc gia, luôn sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ của khách hàng trong các hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Phước Nguyên

Theo VietnamFinance