Trước ‘bão giá’ nguyên vật liệu, dòng tiền thông minh đang đổ vào phân khúc bất động sản nào?

Những tháng đầu năm, giá các loại vật liệu xây dựng tăng mạnh ảnh hưởng đáng kể đến sự lựa chọn của các nhà đầu tư, trong đó đất nền vẫn được ưu ái.

(KDPT) –

Trước ‘bão giá’ nguyên vật liệu, dòng tiền thông minh đang đổ vào phân khúc bất động sản nào? - Ảnh 1

Theo thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận” do tình hình giá vật liệu xây dựng và nhiên liệu tăng đột biến trong quý I.

Từ năm 2021, thị trường đã “chao đảo” khi giá thép tăng gần 50%, kéo theo các loại vật liệu xây dựng khác tăng theo từ 20% trở lên. Đến tháng 2/2022, giá bê tông tăng 3%, nhôm kính tăng 15%, xi măng tăng 8%, gạch và cát tăng 2% so với thời điểm cuối năm 2021.

Đặc biệt, thép cũng liên tục tăng giá và chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt. Trong những ngày đầu tháng 3, giá thép xây dựng liên tục tăng mạnh 600.000 – 1.400.000 đồng/tấn tùy loại.

Ngoài ra, giá xăng dầu hiện nay đã tăng khoảng 60% so với hồi đầu năm khiến cho chi phí các ca máy thi công trên các công trường xây dựng và chi phí vận chuyển bị đội lên rất cao.

Theo Bộ Xây dựng, chi phí vật liệu xây dựng chiếm 65 – 70% giá trị dự toán xây dựng công trình. Do đó, trong bối cảnh giá nhiên vật liệu tăng cao, chi phí vận hành cũng tăng và nguồn cung đang khan hiếm thì việc tăng giá bán bất động sản là điều tất yếu. Thậm chí, nhiều dự án có nguy cơ chậm tiến độ do phải tạm dừng thi công chờ bình ổn giá.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, giá vật liệu tăng phi mã thời gian qua đã kéo theo căn hộ chung cư tăng 4 – 6%. Dự báo trong năm 2022, giá nhà ở vẫn sẽ tăng với phân khúc biệt thự tăng từ 6 – 7%, trong khi đó nhà liền kề và shophouse có mức tăng cao hơn. Giá căn hộ chung cư sẽ tăng khoảng 3 – 7% tùy từng phân khúc trong năm 2022.

Với những yếu tố kể trên, phân khúc đất nền tiếp tục là sự lựa chọn của đa số nhà đầu tư nhờ các lợi thế như dễ đầu tư, dễ thanh khoản, ít bị ảnh hưởng bởi giá vật liệu xây dựng, hơn nữa lại mở ra cơ hội sinh lời lớn trong tương lai.

Thực tế cho thấy kể từ thời điểm cuối năm 2021, đất nền đã thực sự ‘nóng’ khi nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, theo số liệu của DKRA Vietnam, thị trường đất nền đã nhanh chóng sôi động trở lại từ sau khi các yêu cầu giãn cách xã hội được nới lỏng. Nếu như trong tháng 9, phân khúc đất nền dự án tại TP Hồ Chí Minh và 5 tỉnh giáp ranh (gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh và Long An) gần như không có nguồn cung mới, thì bước sang tháng 10, con số này đã tăng lên 649 sản phẩm và lên 671 sản phẩm vào tháng 11. Tỷ lệ tiêu thụ cũng tăng từ 36% của tháng 10 lên 54% của tháng 11.

Minh Đức

Theo Kinh doanh và Phát triển