Lo ngại về áp lực lạm phát sẽ tăng cao trong nửa cuối năm 2021

Mặc dù cảnh báo rủi ro về áp lực lạm phát sẽ tăng trong nửa cuối năm, hiện tại nhóm nghiên cứu VDSC vẫn giữ nguyên dự phóng về lạm phát cho cả năm 2021 ở mức 3,5% do sự bùng phát trở lại của số ca nhiễm trong nước.

Triển vọng kinh tế suy giảm do đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4

Tại báo cáo chiến lược đầu tư vừa công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá: "Quý II/2021, GDP của Việt Nam tăng 6,6% so với cùng kỳ, thấp hơn so với dự đoán của chúng tôi khoảng 7,2% và dự báo vào tháng 5/2021 của Chính phủ là 6,9%. Theo góc nhìn của chúng tôi, tăng trưởng kinh tế trong quý II/2021 chủ yếu được thúc đẩy bởi mức nền thấp trong cùng kỳ năm ngoái và sự bền bỉ của khu vực sản xuất".

Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,3% so với cùng kỳ, trong khi lĩnh vực dịch vụ chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ. Về lĩnh vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do mức nền thấp trong cùng kỳ năm ngoái khi cả nước thực hiện cách ly xã hội và sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài.

Trong khi đó, mặc dù có hiệu ứng từ mức tăng thấp của cùng kỳ nhưng lĩnh vực dịch vụ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt bùng phát Covid-19 mới nhất. Ngành bán lẻ chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất kể từ quý II/2020, các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tiếp tục trì trệ, như dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 4,5% so với cùng kỳ), vận tải và kho bãi (giảm 0,1% so với cùng kỳ) và giải trí (giảm 4,3% so với cùng kỳ).

Xét về mức độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ lần lượt tăng 3,6%, 5,7%, 24,1% và 22,8%.

Lạm phát chung và lạm phát cơ bản
Lạm phát chung và lạm phát cơ bản
Lo ngại về áp lực lạm phát sẽ tăng cao trong nửa cuối năm 2021 - Ảnh 1
Chỉ số lạm phát chung và lạm phát một số nhóm hàng quan trọng. (Nguồn: TCTK, CTCK Rồng Việt)

Trong bối cảnh TP.HCM tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và dịch bệnh lan sang các tỉnh vệ tinh khác của TP.HCM, các tỉnh miền Tây và miền Trung như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Phú Yên, An Giang và Tiền Giang, tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế được nhận định sẽ nghiêm trọng hơn.

Chi tiêu tiêu dùng trong nước đã và đang chịu tác động tiêu cực của đại dịch, trong tháng 6/2021, doanh số bán lẻ giảm 2,0% so với tháng trước và 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất, vốn được coi là khu vực vững vàng nhất của nền kinh tế, cũng có dấu hiệu suy giảm.

Theo IHS Markit, sản lượng sản xuất ghi nhận sự sụt giảm mạnh vào tháng 6/2021, chỉ số PMI giảm mạnh xuống 44,1 từ mức 53,1 vào tháng 5/2021.

Do đó, nhóm nghiên cứu VDSC đánh giá sự phục hồi kinh tế sẽ chậm hơn và không đồng đều hơn so với dự báo trước đó là 6,5% do đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư. "Nếu dịch bệnh bùng phát được kiểm soát vào tháng 7/2021, tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 5,9% trong quý III/2021 và 6,5% vào quý IV/2021, theo đó, tăng trưởng GDP cả năm ước tính đạt 6,0%. Nếu tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn dự kiến, GDP của Việt Nam có thể chỉ tăng ở mức 5,6% cho cả năm 2021", báo cáo nêu.

Dự phóng về lạm phát cho cả năm 2021 ở mức 3,5%

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lạm phát bình quân của Việt Nam theo năm tăng lên mức 1,5% trong tháng 6 từ mức 1,3% trong tháng trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát lõi theo năm, sau khi loại trừ biến động giá mặt hàng do Chính phủ kiểm soát và giá lương thực, thực phẩm và năng lượng cũng tăng lên 0,9% trong tháng 6 từ mức 0,8% trong tháng 5/2021. Dù vậy, so với tháng trước, lạm phát trong tháng 6 tăng 0,2%, cao hơn 0,03 điểm % so với mức tăng trong tháng 5.

Trong số 11 mặt hàng của rổ hàng hóa dùng để tính lạm phát, lạm phát trong tháng 6 chủ yếu do tăng do giá xăng và giá vật liệu xây dựng, trong khi đó, chỉ số giá nhóm lương thực và thực phẩm ghi nhận mức tăng trưởng âm so với tháng trước.

Trong nửa đầu năm 2021, Chính phủ đã liên tục sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế tác động của việc tăng giá dầu thế giới lên chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tình hình sẽ khác đi trong nửa cuối năm do quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước đang dần cạn kiệt và giá dầu tiếp tục leo thang.

Theo Bộ Tài chính, quỹ bình ổn xăng dầu đã giảm 42,2% so với đầu năm tính đến cuối tháng 3/2021 còn khoảng 5.340 tỷ đồng. Trong khi đó, số liệu từ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn nhất là Petrolimex cho thấy quỹ bình ổn của doanh nghiệp này chỉ còn kết dư 115 tỷ đồng tại thời điểm 26/06/2021 so với mức 3.661 tỷ đồng vào đầu năm.

Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2021, giá xăng A92 tại thị trường Singapore đã tăng 48,9% so với cuối năm 2020 trong khi giá xăng trong nước chỉ tăng 22,8%. Trong tháng 6/2021, giá dầu Brent đã tăng thêm 8,4% so với cuối tháng 5 và tiếp tục đi lên trong những ngày gần đây do OPEC+ chưa đạt được thỏa thuận nâng sản lượng. Trong trường hợp OPEC và đồng minh giữ sản lượng dầu không đổi, giá dầu sẽ tiếp tục đi lên.

VDSC lo ngại điều này sẽ kéo theo áp lực lạm phát trong nước tăng mạnh trong nửa cuối năm 2021 do công cụ quỹ bình ổn dần hết hiệu quả trong bối cảnh giá dầu tăng cao. Cùng với áp lực lạm phát cao hơn, Ngân hàng Nhà nước sẽ có ít dư địa để cắt giảm lãi suất điều hành.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu VDSC tiếp tục duy trì quan điểm lãi suất điều hành sẽ giữ nguyên trong nửa còn lại của năm. Về tổng thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thận trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Và trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước sẽ là thực hiện các giải pháp hiện tại để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh song song với kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro nhằm đảm bảo sự ổn định thị trường tiền tệ cho năm nay và các năm sau. 

Mặc dù cảnh báo rủi ro về áp lực lạm phát sẽ tăng trong nửa cuối năm, hiện tại VDSC vẫn giữ
nguyên dự phóng về lạm phát cho cả năm 2021 ở mức 3,5% do sự bùng phát trở lại của số ca
nhiễm trong nước. Các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh của chính quyền trung ương và địa
phương sẽ tác động tiêu cực đến niềm tin tiêu dùng và cầu tiêu dùng.

Đồng thời, nhóm nghiên cứu kỳ vọng giá của các hàng hóa khác (trừ dầu thô) như kim loại, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ có sự điều chỉnh trong nửa cuối năm. Một luận điểm nữa là do cầu tiêu dùng trong nước đang yếu đi, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc chuyển phần chi phí tăng lên cho người tiêu dùng cuối cùng.

Do đó, áp lực từ việc tăng giá sản xuất và nguyên liệu đầu vào lên giá tiêu dùng sẽ hạn chế, ít nhất là trong năm 2021. Điều này sẽ kéo theo sự suy giảm trong tỷ suất sinh lợi của các doanh nghiệp và theo chúng tôi là sẽ rất nghiêm trọng đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay./.

Linh Chi

Theo Reatimes