Tỷ lệ dự trữ bắt buộc cần được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường
Nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (UTEHY) khuyến nghị NHNN cần điều hành chủ động nghiệp vụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) cần được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường.
Nghiên cứu về giải pháp hoàn thiện công cụ DTBB trong điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Đắc Hưng, Tiến sĩ Hoàng Hải Bắc, Trường Đại học UTEHY cho rằng nhiều năm gần đây mức lãi suất tiền gửi DTBB được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ ổn định ở mức thấp, được NHNN giải thích là phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, thực trạng huy động tiền gửi của các ngân hàng thương mại (NHTM) các năm gần đây khó khăn, lãi suất huy động tăng cao và theo đó lãi suất cho vay cũng tăng hay không giảm. Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay NHNN chỉ thực hiện 2 lần điều chỉnh tỷ lệ DTBB với mức độ rất nhỏ, không tác động đến giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế.
Việc ổn định như vậy là thiếu linh hoạt trong phối hợp thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Từ hạn chế trên, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học UTEHY đưa ra các khuyến nghị NHNN nhằm hướng tới việc hoàn thiện công cụ DTBB trong điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam.
Thứ nhất, NHNN cần chủ động đánh giá toàn diện tác động đến điều tiết tiền tệ, đến vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) trước khi điều chỉnh tỷ lệ DTBB.
Khi điều chỉnh tỷ lệ DTBB cần đánh giá toàn diện tác động của công cụ này đến thị trường tiền tệ; đánh giá tác động của công cụ này đến việc đảm bảo khả năng thanh toán của các TCTD. Trong trường hợp tín dụng của hệ thống NH tăng trưởng cao, nếu tiếp tục tăng tỷ lệ DTBB sẽ làm cho tình trạng mất cân đối vốn càng khó khăn, dễ dẫn đến thiếu hụt khả năng thanh khoản, làm lãi suất thị trường tăng cao.
Trường hợp TCTD thiếu hụt vốn khả dụng, NHNN cần điều chỉnh tăng tỷ lệ DTBB ở mức thấp, điều chỉnh dần thành nhiều đợt. Ngoài việc dự báo vốn khả dụng của hệ thống NHTM, NHNN cần xác định khả năng ảnh hưởng đến hệ số nhân tiền tệ của các NHTM.
Thứ hai, NHNN cần phối hợp chặt chẽ nghiệp vụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các nghiệp vụ khác trên thị trường tiền tệ, với các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, nhất là nghiệp vụ thị trưởng mở để nâng cao hiệu quả điều tiết tiền tệ.
Điều chỉnh tỷ lệ DTBB dần ở những tỷ lệ nhỏ và quan sát diễn biến của thị trường tiền tệ, hết sức tránh điều chỉnh đột ngột, điều chỉnh ở mức độ lớn, đồng thời sẵn sàng sử dụng các công cụ CSTT khác để hỗ trợ.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, việc điều chỉnh tỷ lệ DTBB mặc dù được tính toán kỹ lưỡng, nhưng không thể tránh khỏi hiện tượng một vài TCTD sẽ gặp khó khăn tạm thời về vốn, nhất là những TCTD nhỏ, uy tín thấp khó vay mượn được trên thị trường liên ngân hàng, trên thị trường mở. Trong những trường hợp này, NHNN nên thực hiện cho vay tái cấp vốn trực tiếp cho các TCTD thiếu hụt vốn, để ngăn chặn ngay những hiện tượng gây xáo trộn thị trường. Những khoản tái cấp vốn này chỉ nên có kỳ hạn ngắn 1 đến 3 tháng nhằm đảm bảo đúng mục tiêu của CSTT.
NHNN cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển thị trường tiền tệ, thúc đẩy sự luân chuyển vốn thông suốt trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM điều hoà vốn trên thị trường, qua đó giảm việc can thiệp của NHNN trên thị trường tiền tệ.
Thứ ba, NHNN cần quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho từng loại tiền gửi và từng loại hình tổ chức tín dụng. Tỷ lệ DTBB cần được quy định đối với từng loại tiền gửi và từng loại hình TCTD theo hướng tiếp tục duy trì tỷ lệ DTBB đối với tiền gửi ngoại tệ cao hơn đối với nội tệ kiên trì mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế.
Nghiên cứu này cũng đưa ra dự báo, trong những năm tới, nghiệp vụ DTBB ở Việt Nam tiếp tục tác động tới nhu cầu vốn khả dụng của các NHTM và tính hiệu quả của CSTT. Vì vậy, cần phải có những biện pháp nâng cao hiệu quả điều tiết tiền tệ của công cụ này thông qua việc điều chỉnh cách tính DTBB theo số dư tiền gửi của các TCTD tại Sở Giao dịch NHNN và các chi nhánh NHNN tỉnh thành phố.
Nên điều chỉnh kỳ tính DTBB xuống còn 2 tuần, đồng thời nên thực hiện các bước chuẩn bị để có thể thực hiện trùng một phần giữa kỳ tính DTBB và kỳ duy trì DTBB trong thời gian thích hợp nhằm tăng hiệu quả điều tiết của nghiệp vụ này.
“Tỷ lệ DTBB phải được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường. Cần chú ý khi phối hợp sử dụng nghiệp vụ này với các nghiệp vụ khác và công cụ khác của CSTT, đặc biệt khi cần có sự tác động kép cả về giá và về lượng thì việc kết hợp giữa nghiệp vụ thị trường mở với DTBB có hiệu quả rất nhanh chóng”, nhóm nghiên cứu Trường Đại học UTEHY nhấn mạnh.