Vạch trần thủ đoạn phân lô bán nền “núp bóng” hiến đất làm đường
Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước xuất hiện những đối tượng lợi dụng việc hiến đất làm đường để phân lô, tách thửa bán nền trái phép hòng trục lợi cá nhân.
Tháng 7/2019, bà Trần Thị Phương Hà hiến gần 6.000m2 đất trồng cây lâu năm tại thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cho chính quyền để xây dựng công trình công cộng. Nhưng sau đó bà Hà lại tiến hành thủ tục chuyển đối từ đấy trồng cây lâu năm sang đất đô thị và tách thành 55 thửa rồi sang nhượng cho các chủ sử dụng khác.
Ngoài ra, bà Hà cũng làm tương tự đối với 2 khu đất diện tích gần 10.000m2 thành 67 thửa nhỏ và chuyển nhượng thành công 47 thửa cho chủ sở hữu khác. 11 thửa đất còn lại được được Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại huyện Can Lâm giải quyết.
Huyện Cam Lâm thực sự là “điểm nóng” của tình trạng lợi dụng hiến đất làm đường để phân lô, tách thửa trái phép tại tỉnh Khánh Hòa. Thời điểm 2020 - 2021, ở Cam Lâm có hàng chục “dự án” với những tên gọi hoành tráng, như: Cam Lâm Future, Cam Lâm Sky Lake, Cam Lâm Diamond, Cam Đức New Town, Cam Lâm Riverside, khu dân cư Trần Đại Nghĩa, khu dân cư Quang Trung... Các dự án này được một số công ty bất động sản giới thiệu với những lời có cánh nhằm thu hút người dân, giới đầu cơ “xuống tiền”. Lãnh đạo huyện Cam Lâm khẳng định, trên địa bàn không không hề có các dự án mang tên như vậy.
Cũng tại tỉnh Khánh Hòa, cơ quan chức năng còn phát hiện thêm trường hợp của ông Lương Công Dân và ông Vũ Đình Chinh. Cụ thể, tại thửa đất 656 có diện tích hơn 6.977 m2, tờ bản đồ số 12 xã Cam Hải Tây của hai ông chủ yếu là đất nuôi trồng thủy sản đã chuyển đổi thành đất ở nông thôn. Sau đó, ông Dân và ông Chinh đã hiến một phần đất làm đường rồi tách phần còn lại thành 74 thửa nhỏ để chuyển nhượng cho các chủ sử dụng khác.
Trước những trường hợp lợi dụng hiến đất để phân lô mua bán nền trái pháp luật, UBND tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc kiểm tra, rà soát, xử lý trách nhiệm của các cán bộ, công chức và ban lãnh đạo UBND các xã có liên quan đến các vụ việc nêu trên.
Qua kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản tại các khu vực này phát hiện, các doanh nghiệp như Hưng Vượng Land, New City, Cường Thịnh Land... đã đã thực hiện môi giới, quảng cáo, đặt tên cho các khu đất phân lô nêu trên thành dự án “khu dân cư”, “khu đô thị” mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư.
Tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2018 đến 2020, tình trạng “núp bóng” hiến đất làm đường để phân lô bán nền trái phép diễn ra phổ biến. Ước tính đã có gần 24.000 thửa đất được tách mới và chuyển đổi mục đích thành đất ở từ những khu đất được người dân hiến để làm đường.
Phần lớn vị trí người dân xin hiến đất làm đường sau đó đã được tách thành hàng trăm thửa đất mới và ngang nhiên rao bán, sang nhượng công khác không khác gì những dự án bất động sản hợp pháp. Thậm chí những dự án “núp bóng” này còn được bán với giá cao hơn rất nhiều so với những khu vực xung quanh, gây nhiễu loạn thị trường.
Đáng chú ý, tại những lô đất mua bán trái phép này, hàng chục ngôi nhà đã được xây dựng lên. Cá biệt có một số trường hợp người dân tự ý mở và đổ bê tông làm đường, trải thảm nhựa khi chưa có sự đồng ý của cơ quan chức năng, kể cả tại những khu vực hẻo lánh không hề có nhà dân.
Đến đầu năm nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chỉ đạo tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tách thử đất trái phép để chuyển nhượng, xây dựng nhà ở hình thành các khu dân cư.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, việc phân lô bán nền đang tạo ra hiện tượng găm giữ đất đai tìm cách "thổi giá". Thực trạng này làm lũng đoạn thị trường, gây lãng phí tài nguyên và không giúp kinh tế phát triển, ngược lại chỉ gây thiệt hại cho kinh tế của địa phương.
Theo ông Đính, ngay cả trong trường hợp người mua những thửa đất này có nhu cầu xây dựng nhà ở thực thì cách phát triển nhà ở manh mún như vậy sẽ gây mất trật tự, thiếu đồng bộ trong quy hoạch đất đai tại các địa phương.
"Chúng ta cần có những quy định mang tính bền vững hơn. Ví dụ như là các quy định về sắc thuế, quy hoạch. Thuế có thể trở thành một công cụ nếu như các nhà đầu cơ găm giữ đất đai mà chỉ nhằm mục đích sinh lợi cho bản thân làm tăng giá bất thường tạo bong bóng cho thị trường thì chúng ta có thể sử dụng sắc thuế để xử lý. Và sau khi tính toán người đầu tư cộng các loại thuế vào thấy lỗ sẽ không làm nữa", ông Đính cho biết.