VARS: “Thị trường bất động sản sẽ bước vào giai đoạn tái cân bằng”

Mặc dù thị trường bất động sản (BĐS) trong quý III còn gặp nhiều khó khăn, nhưng theo nhận định của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thời gian tới thị trường sẽ bước vào giai đoạn tái cân bằng, tiếp tục phát triển bền vững khi Nhà nước sử dụng hiệu quả những chính sách, công cụ nhằm điều tiết cung - cầu BĐS như tín dụng, đất đai, tài chính … hoặc thu hút đầu tư.

Ngày 13/10/2022, tại Hà Nội, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức buổi lễ công bố Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2022, với chủ đề: “Đầu tư thận trọng - Củng cố nền tảng".

Nền kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2022 khởi sắc trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong một thập kỷ qua. Kim ngạch xuất khẩu, giải ngân vốn FDI, thu ngân sách, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động… Kết quả khả quan nhờ Chính phủ triển khai quyết liệt, tích cực các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, tăng trưởng toàn cầu năm 2022 và 2023 được các tổ chức quốc tế dự báo sẽ hạ thấp đáng kể so với thời điểm đầu năm 2022 bởi xung đột quân sự địa chính trị ở một số khu vực; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, chính sách thắt chặt tiền tệ và nguy cơ suy thoái toàn cầu;...

Dữ liệu của VARS cho thấy, nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt. Theo dữ liệu của VARS, nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt. Nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực. Tỉ lệ hấp thụ trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn BĐS gặp khó và lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư.

Diễn biến phân khúc căn hộ tại khu vực Hà Nội trong quý III/2022. (Nguồn: VARS)
Diễn biến phân khúc căn hộ tại khu vực Hà Nội trong quý III/2022. (Nguồn: VARS)

Nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực.

Theo báo cáo của VARS, mặc dù tình hình giao dịch có dấu hiệu sụt giảm nhưng khẳng định, thị trường bất động sản chưa rơi vào suy thoái bởi sự quan tâm và nhu cầu vẫn ở mức cao. Hiện tượng sốt đất, bong bóng gần như không còn xuất hiện, hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như bị triệt tiêu. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính mua nhà để đầu tư phải được tính toán một cách thận trọng, hướng vào những sản phẩm phục vụ nhu cầu thực trên nền tảng phải cân nhắc kỹ càng những biến số vĩ mô, địa chính trị xung quanh, đề phòng thị trường sẽ có những diễn biến tiêu cực.

Bên cạnh đó, chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, trong đó, nhóm dự án hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn sẽ tạo ra nhiều khu kinh tế, du lịch, đô thị,... kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng, dịch vụ, văn phòng,... đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp trong xu thế chuyển dịch các cơ sở công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia của thế giới. Thị trường sẽ bước vào giai đoạn tái cân bằng, tiếp tục phát triển bền vững khi Nhà nước điều tiết tốt những chính sách, công cụ nhằm điều tiết cung cầu hàng bất động sản như thuế, tín dụng, đất đai, tài chính... hoặc thu hút đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam dự báo, diễn biến thị trường bất động sản Việt Nam trong quý IV sẽ chứng kiến nguồn cung nhà ở tiếp tục khan hiếm, khả năng hấp thụ tăng nhưng không mạnh kèm theo giá bất động sản không tăng.

Bên cạnh đó, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn do quỹ đất còn nhiều, ưu thế khí hậu bên cạnh hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư. Đồng thời, bất động sản công nghiệp sẽ đón làn sóng dịch chuyển của doanh nghiệp quốc tế sang nhiều nước khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam; thị trường nhân công lao động, quỹ đất lớn kết hợp với hạ tầng giao thông liên tỉnh được Chính phủ rót vốn đầu tư sẽ tạo đà cho sự phát triển về bất động sản công nghiệp.

Cùng với đó, thị trường bất động sản bán lẻ, văn phòng, thương mại sẽ chịu áp lực tăng giá. Tỷ lệ lấp đầy ở mức cao, đặc biệt là các khu Trung tâm thương mại được vận hành bởi các thương hiệu lớn như Vincom, Lotte, AEON Mall, Central Group...

Vị chuyên già này cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm cải thiện thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, đó là cần đẩy nhanh sửa Luật cùng với công khai thông tin. Tinh thần Chỉ thị 13 của Thủ tướng cần được quán triệt và bám sát để thực hiện. Cần tăng cường các chính sách cấp bách (như Nghị định 65 cho hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp) để tháo gỡ những điểm nghẽn cho các dự án phát triển, có tính cấp thiết. Khẩn trương xây dựng giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường. Quan tâm, triển khai dự án nhà ở giá thấp để cân bằng và đáp ứng nhu cầu thực của xã hội.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống