'Vén màn' loạt lợi ích HDBank nhận được sau khi 'đón' DongA Bank
Với việc nhận chuyển giao bắt buộc DongA Bank, HDBank sẽ được nhận nhiều chính sách ưu đãi từ phía NHNN.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt nhận định HDBank tiếp tục duy trì tăng trưởng về quy mô tín dụng nhờ cơ chế ưu đãi từ NHNN sau khi nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng DongA Bank.
Ngoài ra, HDBank cũng có thể tận dụng hệ thống 200 chi nhánh và phòng giao dịch sẵn có của DongA Bank để nâng cao nhận diện thương hiệu.
Theo Điều 185 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024, HDBank cũng như các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc khác, sẽ được sở hữu 100% vốn điều lệ của DongA Bank nhưng không phải hợp nhất báo cáo tài chính của nhà băng này. HDBank cũng không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá đối với khoản góp vốn vào DongA Bank. Song song với đó, nhà băng này được loại trừ DongA Bank khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất cũng như loại trừ dư nợ cấp tín dụng đối với DongA Bank khi tính các tỷ lệ, giới hạn quy định.
Theo Chứng khoán Rồng Việt, những quyền lợi trên giúp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực lên báo cáo tài chính hợp nhất, các tỷ lệ an toàn và giới hạn quy định của HDBank sau khi nhận chuyển giao.
Một quyền lợi đáng chú ý khác là các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc như HDBank sẽ được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Nhờ đó, giúp gia tăng tính linh hoạt trong quản lý vốn của HDBank khi tăng lượng vốn khả dụng để cho vay và đầu tư, qua đó gia tăng tốc độ tăng trưởng Tổng tài sản. Ngoài ra, HDBank cũng có thể cải thiện khả năng sinh lời nếu tận dụng nguồn vốn tự do mới này để đầu tư vào các khoản sinh lời cao.
NHNN còn cung cấp các chính sách hỗ trợ tái cấu trúc cho ngân hàng yếu kém thông qua việc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, cũng như tạo cơ chế sinh lãi để ngân hàng này có khả năng hoạt động độc lập trong tương lai.
Theo Chứng khoán Rồng Việt, HDBank đã lên phương án và chuẩn bị nguồn lực tài chính cho việc nhận chuyển giao bắt buộc từ năm 2022. Thời điểm đó, HDBabnk đã công bố tờ trình về chủ trương tham gia thực hiện tái cơ cấu tổ chức tín dụng theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng TMCP thuộc diện kiểm soát đặc biệt và được ĐHCĐ thông qua. Ngân hàng này cũng lên kế hoạch chuẩn bị nguồn lực trong nhiều năm, để sẵn sàng nhận chuyển giao và tái cấu trúc ngân hàng yếu kém.
Trước đó, phát biểu tại lễ chuyển giao, Tổng Giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh cũng cho biết việc tiếp nhận DongA Bank tạo cơ hội cho HDBank mở rộng quy mô hoạt động, tăng trưởng tín dụng, phát triển các mô hình kinh doanh mới.
“DongA Bank và HDBank sẽ được áp dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ từ NHNN để đảm bảo quá trình CGBB hiệu quả. HDBank có kinh nghiệm triển khai thành công một số dự án tái cấu trúc, M&A an toàn, hiệu quả, mang lại sự ổn định và phát triển cho các bên tham gia. HDBank sẽ tập trung nguồn lực, kinh nghiệm tái cấu trúc để đồng hành và hỗ trợ DongA Bank củng cố hoạt động, khắc phục tồn tại, hướng tới mục tiêu xây dựng DongA Bank trở thành ngân hàng có tài chính lành mạnh, an toàn và phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ công nhân viên ngân hàng, mang lại lợi ích tốt hơn cho khách hàng và đối tác”, ông nói.
Trong diễn biến liên quan, kết thúc năm 2024, HDBank ghi nhận hơn 16.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 28,5% so với năm 2023 và hoàn thành 106% kế hoạch đề ra. Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản HDBank đạt 697.281 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2023. Các chỉ số khác như ROA đạt 2,04% và ROE đạt 25,71%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước và duy trì trong nhóm ngân hàng dẫn đầu toàn ngành. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất thấp chỉ 1,48% trong khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II ở mức 14,1%, cao hơn quy định của NHNN.