Vì sao các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động?

Nhu cầu tín dụng có xu hướng tăng nhanh hơn so với năm 2021, trong khi huy động vốn tại các ngân hàng đang “ì ạch” được cho là nguyên nhân chính khiến hàng loạt ngân hàng “chạy đua” tăng lãi suất tiền gửi thời gian gần đây.

 

Vì sao các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động? - Ảnh 1

Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thanh khoản tại các tổ chức tín dụng không còn dồi dào như thời điểm năm 2021 (giai đoạn nền kinh tế trì trệ do đại dịch Covid-19). Nguyên nhân là do nhu cầu tín dụng có dấu hiệu tăng nhanh hơn tốc độ tăng vốn huy động. 

Cụ thể, theo thống kế, tăng trưởng tín dụng trong hai quý đầu năm 2022 đạt khoảng 8,5%, trong khi tăng trưởng tín dụng trong hai quý đầu năm 2021 chỉ đạt 6,44%. Thế nhưng, tăng trưởng vốn huy động chỉ tăng gần 4% so với cùng kỳ. 

Đồng quan điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn dịch Covid-19 có sự sụt giảm mạnh, kéo theo sự sụt giảm của lãi suất tiền gửi. Tuy nhiên, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nhu cầu tín dụng bùng nổ, các ngân hàng phải tăng huy động để có đủ vốn cho vay. Do đó việc tăng lãi suất tiền gửi là điều bắt buộc với hệ thống ngân hàng. 

Mặt khác, theo kết quả cuộc điều tra Xu hướng kinh doanh quý III/2022 của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu vay vốn tăng nhiều hơn kỳ vọng tăng nhu cầu tiền gửi và thanh toán trong 2 quý cuối năm nay. Cụ thể, các tổ chức tín dụng kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng 15% trong năm nay, trong khi kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống cả năm chỉ tăng 11,5%. 

Điều này đã kéo theo nhu cầu vốn huy động tăng trong hệ thống ngân hàng. Hệ quả là, kể từ khi bước sang tháng 7/2022, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt công bố tăng lãi suất. Trong đó, cá biệt có những ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng đến 1 điểm %/năm ở một số kỳ hạn. 

Mới đây nhất, 2 “ông lớn” trong nhóm “Big 4” ngành ngân hàng là Agribank và BIDV đã gia nhập “đường đua” tăng lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn dài. Tuy nhiên, mức điều chỉnh của hai ông lớn này khá khiêm tốn, chỉ tăng 0,1 điểm % đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lên mức 5,6%/năm. 

Trong khi đó, những ngân hàng thương mại khác lại “mạnh tay” hơn hẳn trong việc điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. 

Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng lên 7,3%. Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 5,95%/năm lên 7,1%/năm. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 - 36 tháng lên 6,5%/năm. Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng lên 7,2%/năm, kỳ hạn 16 tháng lên 7,4%/năm. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SGB) tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng lên 7,55%/năm. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cổ phần khác ngoài nhóm “Big 4” cũng đã có động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động lên trên mức 7%/năm. 

Vì sao các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động? - Ảnh 2

Ngoài yếu tố thanh khoản tại các ngân hàng không còn dồi dào, các tổ chức và chuyên gia tài chính còn cho rằng, yếu tố lạm phát tăng cao cũng là một nguyên nhân khiến hệ thống ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động. 

Theo thống kế của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động tăng tại một số ngân hàng cổ phần đã tăng 0,3 – 0,6 điểm %. Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tới đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, mức tăng khoảng 1 – 2 điểm % trong cả năm 2022.

Đạt Trần

Theo Chất lượng và cuộc sống